Nhầm thuốc dưỡng thai thành phá thai: Đừng hỏi vì sao người bệnh ùn ùn kéo về Hà Nội, TP.HCM

Nhầm thuốc dưỡng thai thành phá thai: Đừng hỏi vì sao người bệnh ùn ùn kéo về Hà Nội, TP.HCM

Đỗ Thị Thơm

Đỗ Thị Thơm

Thứ 7, 13/01/2018 08:18

Nữ hộ sinh bệnh viện Sản- Nhi Quảng Ngãi cấp nhầm thuốc dưỡng thai thành phá thai khiến thai nhi 6 tuần tuổi không thể cứu. Sự việc “góp” thêm một “gáo nước lạnh” vào nỗ lực giảm tải của người đứng đầu ngành y tế. Và nó lý giải câu hỏi, vì sao người bệnh ùn ùn kéo về Hà Nội, TP.HCM.

Xã hội - Nhầm thuốc dưỡng thai thành phá thai: Đừng hỏi vì sao người bệnh ùn ùn kéo về Hà Nội, TP.HCM

Vỉ thuốc oan nghiệt được cấp nhầm. Ảnh: Vnexpress

Sự tắc trách, yếu kém về chuyên môn của nữ hộ sinh tại bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ngãi đã khiến cặp vợ chồng trẻ mất đi một đứa con. Nỗi đau này với gia đình họ sẽ không bao giờ nguôi ngoai. Nhưng với bản thân nữ hộ sinh, tôi tin chị cũng bị ám ảnh cả đời.

Trả lời trên một số tờ báo, bác sĩ Lê Cao Tuấn, Phó Giám đốc bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ngãi cho biết, đây là sự việc đáng tiếc do sai sót của nữ hộ sinh. "Chị Tưởng (thai phụ-pv) bị cấp nhầm thuốc lấy thai lưu, do chị nằm cùng phòng với thai phụ khác dùng loại thuốc này". Câu trả lời của đại diện lãnh đạo bệnh viện thật khó có thể chấp nhận. Quy tắc 3 kiểm tra 5 đối chiếu và 6 điều đúng trong suốt quá trình dùng thuốc đã bị chính nhân viên y tế bỏ qua.

Đáng tiếc, đây không phải trường hợp duy nhất do nhầm lẫn, tắc trách khiến một thai nhi không thể cứu được. Đầu tuần này, một bác sĩ tại bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) đã chẩn đoán một thai phụ bị thai lưu, phải bỏ thai. Tuy nhiên, bệnh nhân này e ngại kết quả chẩn đoán không chính xác và đã đến bệnh viện Phụ sản Hà Nội kiểm tra. Kết quả, thai nhi không có gì bất thường. Nếu tin lời bác sĩ bệnh viện Đa khoa Đức Giang, đứa bé liệu có giữ được? Những trường hợp như trên khó có thể “đổ lỗi” do “tai biến y khoa” và cách giải quyết không thể bằng “rút kinh nghiệm”.

Những sự cố như trên chỉ có thể trả lời là do sự yếu kém, thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện công việc. Một phần nữa là do hạn chế về trình độ chuyên môn, dẫn đến tay nghề non kém.

Chẩn đoán thai lưu nhầm, phát thuốc dưỡng thai thành phá thai, bệnh nhân nam “có tử cung và buồng trứng”…rồi sẽ qua. Ai sai sẽ bị xử lý nhưng đối với người dân niềm tin vào bệnh viện tuyến dưới mất đi thì khó lấy lại trong một vài ngày, hay vài tháng.

Trong nhiệm kỳ của mình, Bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã rất nỗ lực để giảm tải cho bệnh viện tuyến trên, để bệnh nhân và người nhà hài lòng với dịch vụ y tế. Nhưng với những y tá, bác sĩ như trên, nó là “gáo nước lạnh” vào nhiệt huyết của Bộ trưởng và hàng nghìn nhân viên, bác sĩ khác.

Và những vụ việc như trên cũng là câu trả lời, vì sao dù tốn kém, vất vả chen chúc, thậm chí xếp hàng từ từ mờ sáng, người dân vẫn đua nhau ra Hà Nội, vào TP.HCM để khám, chữa bệnh.

*Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.

 Hoàng Mai

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.