"Cứu tinh" của muôn loài trước họa đại tuyệt chủng?
Thành công đầu tiên của phương pháp nhân bản vô tính là chú cừu Dolly. Việc tạo ra Dolly chứng tỏ rằng một tế bào được lấy từ những bộ phận cơ thể đặc biệt có thể tái tạo được cả một cơ thể hoàn chỉnh. Tuy vậy, quá trình nhân bản lại có hiệu suất rất thấp: Từ 277 quả trứng thì chỉ có 29 phôi được tạo thành, trong đó chỉ có 3 con cừu được sinh ra và có duy nhất Dolly sống sót.
Từ đó, liên tiếp nhiều con vật được thử nghiệm nhân giống vô tính và các nhà khoa học đạt được những thành công nhất định. Vào năm 2008, cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ FDA công bố các sản phẩm lấy từ những gia súc nhân bản như bò, heo và dê rất an toàn cho người sử dụng. Ngoài việc giúp nông dân sản xuất được những sản phẩm có chất lượng ổn định, việc nhân bản vô tính còn có các lợi ích khác như bảo tồn giống, phục vụ các nghiên cứu hóa sinh, sản xuất thuốc và nội tạng thay thế...
Ông Carlos Frederico Martins, một nhà nghiên cứu tại tổ chức Embrapa Cerrado cho biết: "Ý tưởng nhân bản vô tính bắt đầu áp dụng đối với một loài vật đang trong tình trạng nguy cấp, hoặc những loài động vật có số lượng bị giảm mạnh như loài báo đốm, sói bờm Nam Mỹ, thậm chí cả với loài nai ở Brazil. Trước đây, những động vật nhân bản vô tính không được thả trở lại sinh sống ở tự nhiên, nên giúp ích rất ít đối với việc bảo tồn các loài vật trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, các loài động vật được sinh ra bằng thụ tinh nhân tạo hoặc cấy ghép phôi thai sau này có thể sẽ được thả trở lại tự nhiên". Các nhà khoa học tiếp tục hi vọng, nhân bản vô tính sẽ là công cụ giúp họ hồi sinh lại các loài động vật đã tuyệt chủng.
Nhân bản người - những cảnh báo đáng sợ
Rất nhiều cá thể được ra đời bằng phương pháp nhân bản vô tính, tuy nhiên, đa số đều là thất bại. Các cá thể động vật nhân bản có thể sống khi sau khi ra đời nhưng chúng cũng chết nhanh chóng ngay sau đó. Năm 2009, các chuyên gia đã tiến hành nhân bản một con sơn dương Pyrenea. Trứng lấy từ một con dê thuần chủng. Sau khi sinh, sơn dương Pyrenea con đã thở hổn hển và chết sau đó 7 phút. Nhiều thí nghiệm nhân bản cũng đã kết thúc theo cách này.
Thực tế, trong số tất cả các dự án nhân bản động vật, số lượng thành công chiếm chưa đầy 3%. Các nhà khoa học thừa nhận rằng gần như lần nhân bản nào, sản phẩm cũng gặp các vấn đề về gen. Động vật được nhân bản thường mắc những chứng bệnh nghiêm trọng như chậm phát triển, suy yếu hệ thống miễn dịch, bệnh về tim và phổi.
Ví dụ, có một số con chuột nhân bản đang khỏe mạnh, đột nhiên béo ra rất nhanh, thậm chí phát phì, mặc dù khẩu phần của chúng giống như chuột thường. Bò nhân bản thường có tim, phổi to và hoạt động không tốt. Ngay cả con cừu Dolly nổi tiếng, bề ngoài thì có vẻ khoẻ mạnh, nhưng đã béo ra nhiều. Người ta vừa phải cách ly nó khỏi những con cừu khác để cho Dolly ăn kiêng.
Việc nhân bản có thể đã gây ra nhiều sai sót trong gen, đưa đến những vấn đề nghiêm trọng không thể biết trước. Theo các nhà khoa học, giai đoạn trứng tái lập trình gen quá ngắn có thể chính là nguồn gốc của mọi rủi ro. Trứng phải làm nhiệm vụ này trong một khoảng thời gian tính theo phút, giờ, trong khi thông thường quá trình đó phải mất nhiều tháng, thậm chí là một năm và phải được thực hiện hoàn hảo, nếu không gen có thể bị sai sót bất kỳ lúc nào. ADN của động vật có thể bị hỏng, dẫn đến biến đổi gen, làm động vật chết ngay trong quá trình bào thai hoặc sau khi sinh, nếu không chết thì cũng mắc các bệnh nguy hiểm về sau này.
Cho đến nay, nguyên nhân gây ra các khiếm khuyết ở các con vật nhân bản vô tính vẫn chỉ được các nhà di truyền học phỏng đoán. Bà Sybille Klenzendorf, chuyên gia của WWF cho rằng: "Môi trường sống của động vật mới thực sự là điều quan trọng và chúng ta không thể nhân bản được. Liệu sử dụng nhân bản vô tính động vật có hiệu quả không, nếu chúng ta không có nhiều không gian cho các loài động vật sinh sống?".
Tất nhiên, các nhà nghiên cứu cũng đã nghĩ đến việc nhân bản con người. Tuy nhiên, không nói đến việc bị đả kích nặng nề về mặt đạo đức, nhân bản người nhìn chung không khả thi do các khó khăn về mặt kỹ thuật. Một số nhà khoa học đã "rùng mình" khi nghĩ đến những gì có thể xảy ra khi tiến hành nhân bản người bằng các công nghệ như hiện nay.
Tiến sĩ Rudolph Jaenisch, viện Công nghệ Massachusetts, đặt câu hỏi: "Chúng ta sẽ làm gì khi nhân bản vô tính cho ra những con người chỉ có nửa quả thận hay thiếu hẳn hệ miễn dịch?". Dù sao, việc nhân bản vô tính con người vẫn gây tranh cãi quyết liệt và liên quan lớn đến vấn đề đạo đức nên chưa một nước nào đứng ra thử nghiệm.
Nhân bản vô tính người sẽ được chấp nhận?
John Gurdon, nhà sinh học người Anh vừa đoạt giải Nobel Y học 2012 từng tuyên bố: "Trong vòng nửa thế kỷ tới, những phụ huynh mất con vì tai nạn có thể chi tiền để tạo bản sao giống hệt đứa con đã chết. Trước đây, dư luận cũng nghi ngờ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, nhưng bây giờ nó đã được chấp nhận rộng rãi. Và phương pháp nhân bản vô tính cũng sẽ được cả thế giới công nhận". Khoảng 40 năm trước, dư luận tỏ ra hoài nghi về kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm.
Nhưng sau khi Louise Brown, đứa trẻ đầu tiên được thụ tinh trong ống nghiệm ra đời tại Anh vào năm 1978, hàng vạn cặp vợ chồng hiếm muộn trên khắp hành tinh đã áp dụng phương pháp này để sinh con. Giáo sư Gurdon thừa nhận, phần lớn phôi thai động vật được tạo ra bởi kỹ thuật nhân bản đều biến dạng nên giới khoa học phải cải tiến các phương pháp nhân bản trong thời gian tới.
H.N