Các nhà khoa học ở Trung Quốc đã lần đầu tiên nhân bản thành công loài khỉ bằng công nghệ tương tự cách tạo ra chú cừu Dolly hơn 20 năm trước. Đây một bước đột phá y học được cho là sẽ thúc đẩy hơn nữa các giải pháp hữu hiệu giúp chữa bệnh ở người. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những ý kiến khiến nhiều người giật mình suy ngẫm…
Hai chú khỉ đuôi dài (Macaca fascicularis) có tên Trung Trung và Hoa Hoa vừa được sinh ra tại viện Khoa học thần kinh thuộc viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc ở Thượng Hải. Đây là thành quả sau nhiều năm nghiên cứu kỹ thuật nhân bản chuyển DNA từ hạt nhân của tế bào sang tế bào trứng hiến, vốn đã được loại bỏ DNA.
“Rào cản đã bị phá vỡ bởi thành công mới của chúng tôi”, đồng tác giả công trình nghiên cứu, Poo Muming, Giám đốc viện Khoa học thần kinh cho biết. Cho đến nay, kỹ thuật này đã được sử dụng để nhân bản hơn 20 loài động vật khác nhau, bao gồm chó, lợn và mèo, nhưng với loài linh trưởng thì chưa từng thành công. Các nhà nghiên cứu nói, hai chú khỉ được Trung Quốc nhân bản đang được cho bú bình và phát triển một cách bình thường. Họ mong đợi nhiều con khỉ đuôi dài nhân bản sẽ được ra đời những tháng tới.
Sự ra đời của hai chú khỉ Trung Trung và Hoa Hoa cũng làm dấy lên câu hỏi về đạo đức khi các nhà khoa học đang tiến gần hơn đến khả năng nhân bản con người. Theo Tiến sĩ Poo Muming, về mặt lý thuyết, con người có thể được nhân bản bằng kỹ thuật này. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu của ông muốn tập trung vào công nghệ nhân bản phục vụ cho mục đích y học.
Theo đó, công nghệ nhân bản có thể được sử dụng để tạo ra số lượng lớn các con khỉ giống hệt nhau về mặt di truyền và phục vụ cho việc nghiên cứu, tránh việc phải sử dụng đến những con khỉ sống trong hoang dã. Theo Tiến sĩ Poo, các công ty dược phẩm ở Mỹ mỗi năm nhập khẩu từ 30.000 đến 40.000 con khỉ cho mục đích nghiên cứu của mình. Do đó, khỉ nhân bản có thể trở thành nguồn thí nghiệm dồi dào và làm giảm bớt những chỉ trích về mặt đạo đức. Nhiều năm qua, khỉ thường được sử dụng trong nghiên cứu y học về các bệnh lý thần kinh, ung thư, rối loạn chuyển hóa và miễn dịch.
Cô cừu Dolly đã tạo nên lịch sử cách đây 20 năm khi được nhân bản thành công tại viện Roslin ởEdinburgh. Đó là lần đầu tiên các nhà khoa học có thể nhân bản một động vật có vú từ một tế bào gốc trưởng thành, lấy từ bầu vú. William Ritchie, một thành viên trong nhóm nhân bản cừu Dolly tại viện Roslin thuộc đại học Edinburgh, cho biết: “Phương pháp sử dụng cho nhân bản khỉ là tương tự cách sao chép cừu Dolly” vào năm 1996, nhưng có một số cải tiến mới.
Quá trình này bắt đầu bằng việc loại bỏ hạt nhân từ một trứng khỏe mạnh và thay vào đó bằng một hạt nhân từ một tế bào cơ thể của sinh vật hiến. Sinh vật nhân bản sẽ giống hệt sinh vật hiến về mặt di truyền. Các nhà khoa học Trung Quốc được cho là mất 3 năm thực hành nhiều phương pháp khác nhau trong quá trình trên, nhưng đều thất bại liên tục trước khi thành công. Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Cell, các nhà khoa học Trung Quốc cho biết, Trung Trung và Hoa Hoa là kết quả sau 79 lần thử nghiệm. Đã có hai con khỉ khác được nhân bản nhưng không sống sót.
Tiến sĩ Sun Qiang trong nhóm nghiên cứu nói: "Chúng tôi đã thử một số phương pháp khác nhau, nhưng chỉ có một phương pháp thành công. Chúng tôi đã thất bại nhiều lần trước khi chúng tôi tìm ra cách để nhân bản thành công một con khỉ".
Có những ý kiến cho rằng phương pháp nhân bản này kém hiệu quả, không an toàn và vô nghĩa. Giáo sư Robin Lovell-Hiệu trưởng của viện Francis Crick, London, cho biết kỹ thuật được sử dụng để nhân bản Trung Trung và Hoa Hoa là "không hiệu quả và nguy hiểm". Ông nói: "Công trình nghiên cứu này không phải là một bước tiến để thiết lập các phương pháp nhân bản vô tính con người”.
Darren Griffin, Giáo sư di truyền học tại đại học Kent ở Anh, bày tỏ “lạc quan thận trọng” với thành công từ đồng nghiệp Trung Quốc và gọi đây là tiến bộ ấn tượng về mặt kỹ thuật. “Thành công đầu tiên về nhân bản linh trưởng sẽ dẫn đến các tranh luận vấn đề đạo đức, khi các nhà phê bình sẽ chỉ trích viễn cảnh nhân bản con người”, ông nói thêm.
Tuy nhiên, những lợi ích của phương pháp này là rất rõ ràng. Một cá thể linh trưởng được tạo ra với nền tảng di truyền thống nhất chắc chắn sẽ rất hữu ích trong việc nghiên cứu, tìm hiểu và điều trị các bệnh tật có yếu tố di truyền trên người.
Các nhà khoa học Trung Quốc cho biết, họ tuân theo các nguyên tắc quốc tế chặt chẽ về nghiên cứu động vật do bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ đặt ra. Tiến sĩ Poo Muming nói: "Chúng tôi rất ý thức rằng các nghiên cứu trong tương lai về linh trưởng trên thế giới phụ thuộc nhiều vào việc các nhà khoa học tuân thủ các nguyên tắc đạo đức nghiêm ngặt".