Liên quan đến dự án nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn thải xuống biển Bình Thuận, nhiều nhà khoa học lên tiếng cho rằng, cần dừng lại và không đánh đổi môi trường bằng mọi giá.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, TS. Ngô Quang Toàn, Phó Viện trưởng viện Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ biển nhận định: “Khi xây dựng nhà máy có những loại bùn thải cần xử lý và có thể chọn cách thức chôn lấp trên cạn hoặc nhận chìm dưới biển. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra ở đây, bùn thải đó là gì, mức độ độc hại ra sao? Nếu bùn thải không độc hại, vì sao các đơn vị liên quan đến dự án cũng như cơ quan quản lý không tính đến phương án chôn lấp trên đất liền mà phải nhận chìm xuống biển?”.
Cũng theo TS. Toàn, quy trình nhận chìm phải được kiểm duyệt chặt chẽ và nghiên cứu kỹ lưỡng.
“Khi đổ bùn thải xuống biển, nếu là bùn thải độc hại sẽ hòa tan các chất độc, chảy theo ven bờ xuống Vũng Tàu và phía Nam thì rất nguy hiểm. Tôi xin nhấn mạnh, điều cơ bản mà các nhà quản lý cần làm rõ là bùn thải có độc hại không. Các đơn vị tham gia tư vấn, thẩm định dự án phải công bố minh bạch điều này.
Đồng thời, khi có dư luận, các nhà quản lý phải đưa ra những bằng chứng xác đáng, kết quả phân tích mẫu trong 1 triệu m3 bùn thải đó có độc hại hay không, chứ không phải lấy bùn ở dưới đáy biển lên phân tích thì thành chuyện ngược đời, nực cười”, TS. Ngô Quang Toàn bày tỏ sự lo ngại.
Vị Phó Viện trưởng viện Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ biển cho rằng, gần 1 triệu m3 độc hại như thế nào chưa biết, việc cơ quan quản lý hay các đơn vị liên quan mời nhà khoa học vào để “dẹp” dư luận hơn là giải quyết căn bản vấn đề.
Đáng chú ý, khi dự án này đang trở thành “tâm bão”, một số nhà khoa lên tiếng khẳng định không phải là thành viên dự án nhận chìm gần 1 triệu m3 vật chất xuống biển Bình Thuận nhưng vẫn được “điểm mặt”.
“Theo tôi, đó là sự gian dối, mượn danh nhà khoa học để "đánh lận con đen". Dự án cần sự đánh giá tác động môi trường rất cẩn trọng lại được triển khai một cách “tù mù”, dư luận đặt nghi vấn cũng có cơ sở”, ông Toàn thẳng thắn nêu quan điểm.
Cũng theo ông Toàn, cơ quan quản lý mà trực tiếp là bộ TN&MT cần xem lại quy trình cấp phép nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn thải xuống biển Bình Thuận. Hơn nữa, các nhà khoa học cần đến trực tiếp lấy mẫu bùn thải phân tích để có hướng xử lý chôn lấp khác.
Cũng liên quan đến dự án nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn thải xuống biển Bình Thuận, trao đổi với PV, TS. Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch hội Nghề cá Việt Nam cho biết, Hội này vừa có kiến nghị gửi Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương về việc đổ bùn thải ra vùng biển Bình Thuận.
Nội dung công văn, hội Nghề cá Việt Nam đề nghị làm sáng tỏ 6 điểm trong giấy phép 1517 của bộ TN&MT cấp cho công ty Điện lực Vĩnh Tân 1; đồng thời đề nghị thành lập tổ chức độc lập kiểm tra, xem xét báo cáo đánh giá tác động môi trường do việc đổ chất thải nạo vét; xem xét quy trình thẩm định dẫn tới cấp giấy phép 1517 của bộ TN&MT, đặc biệt là tính khách quan, trung thực, đại diện của Bộ này.
Lan Thơm