Nhân chứng lịch sử của một âm mưu đen tối

Nhân chứng lịch sử của một âm mưu đen tối

Thứ 5, 27/12/2012 23:45

Chúng sử dụng những đứa trẻ Việt Nam để tạo hình ảnh một quân đội nhân đạo, những đứa trẻ bị bắt cóc được giới thiệu là "trẻ mồ côi". Mục đích của chúng là sẽ xây dựng, đào tạo những đứa trẻ này thành "những chiến binh Việt Nam" nếu ý đồ thôn tính Đông Dương thành công.

Vào những năm 1940, trong đoàn quân của quân đội phát xít Nhật di chuyển từ miền Trung vào miền Nam Việt Nam trong đó có cậu bé 10 tuổi quê ở Nghệ An, Phan Văn Điền. Đứa trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ, đang sống lây lất, đói rách cùng bà nội trên đường di tản tìm cái ăn của nạn đói năm 1945 thì bị lính Nhật cho đi "chơi xa" trên một chuyến xe quân sự. Đứa trẻ đó không hề biết rằng đã trở thành một phần trong âm mưu của phát xít Nhật khi đó: Bắt cóc trẻ con Việt Nam để đào tạo thành lính để sau này làm tay sai cho chúng cai trị chính Việt Nam.

Thế giới - Nhân chứng lịch sử của một âm mưu đen tối

Ông Phan Văn Điền hiện nay.

Chuyến "đi chơi" định mệnh

Năm 1940, quân Nhật bắt đầu tiến chiếm Đông Dương qua ngõ Trung Hoa - Việt Nam bằng từng đoàn Công - voa hùng hậu (Công-voa là quân đội của Nhật Hoàng trong thế chiến thứ 2 -P.V). Trước sức mạnh của quân Nhật, quân đội Pháp đang chiếm đóng ở Lạng Sơn thất thủ, được thể, đội quân viễn chinh Nhật tiến sâu vào nội địa Việt Nam. Toàn quyền Pháp tại Đông Dương tê liệt không thể kháng cự. Nhật hạ lệnh cho Pháp phải cống nộp lương thực cho Nhật. Và, để có đủ điều kiện lương thực cống nộp cho Nhật, quân Pháp ra sức vơ vét, tận thu tài nguyên trên đất Việt Nam làm bùng phát nạn đói kinh hoàng năm 1945 khiến một phần mười dân số chết vì đói.

Trốn nạn đói Ất Dậu năm đó, một cậu bé 10 tuổi mồ côi cha mẹ, bám tay bà nội và ông bác ruột rời quê Cửa Lò (Nghệ An) xuôi về Diễn Châu để tìm cái ăn. Trên đường chạy đói, người chết nằm ngổn ngang chưa được chôn còn người sống thì lay lắt như những bóng ma cứ vật vờ mò mẫm, tìm kiếm bất cứ thứ gì có thể cho vào miệng. Hình ảnh tang thương ấy nhanh chóng đập vào mắt cậu bé Phan Văn Điền. Trong tâm trí non nớt khi ấy, những gã Tây đen, Tây trắng nhởn nhơ khắp nơi là thủ phạm của nỗi cơ cực, chết chóc này. Chúng chính là những bọn quỷ mắt xanh thường có trong mỗi câu chuyện cổ tích bà ru ngủ những đêm trằn trọc vì đói.

Tới một cái chân cầu, người bác gửi hai bà cháu vào một cái bè cùng một số công nhân rồi đi biền biệt. Chỗ ở mới tạm gọi là cái nhà để hai bà cháu trú nắng trú mưa và là nơi ngủ sau một ngày đi tìm cái ăn về. Cháu 10 tuổi cứ sáng ra là dắt bà đi men theo những đường ray tàu lửa để lượm than vụn sau đó đem về đổi lấy khoai lang, cơm độn sống qua ngày.

Thời gian sau, quân đội Nhật chính thức hất cẳng bọn Pháp ra khỏi Việt Nam. Mấy ngày sau đó, quân lính Nhật có mặt khắp nơi, máy bay quân đồng minh Anh - Mỹ quần đảo liên tục trên bầu trời Vinh, tìm kiếm những nơi có Nhật đóng quân để trút bom. "Nhà" của hai bà cháu bơ vơ, côi cút cũng bị bom đánh cho tan tành, may là hôm ấy bà và cháu đang đi "kiếm ăn" ở một cái lò vôi cách xa "nhà" mấy chục mét nên thoát nạn. Tiếng súng lắng dịu được mấy ngày, cuộc sống của hai bà cháu trở nên chật vật, lao đao hơn vì thiếu hụt cái ăn. Nhiều người thấy cảnh bà già, trẻ nhỏ thương tình cho miếng khoai, rau trái cứu vớt sự sống của hai bà cháu.

May là ngày đó, vùng này người ta trồng nhiều bông vải, cứ mỗi vụ thu hoạch, chủ ruộng thuê mướn nhân công bao gồm người lớn và trẻ con. Nhờ lanh lợi, Điền kiếm được một chân cán bông vải và thù lao cuối ngày là một ô khoai lang và làn cơm trộn đem về. Suốt thời gian dài, nhờ những ngày công của Điền mà hai bà cháu có thể duy trì sự sống.

Bọn Nhật tràn vào khắp nơi, chẳng mấy chốc mà chúng quen mặt những đứa trẻ hay chạy nhảy tung tăng ở đây. Phan Văn Điền cũng trở thành "người bạn nhỏ" của chúng. Mỗi khi cần gì là chúng sai cậu đi mua, chiến lợi phẩm sau mỗi buổi "làm bạn" với người Nhật là một làn cơm trắng tinh. Dần dần, Điền trở cũng bập bẹ được đôi từ tiếng Nhật. Một hôm, thấy những người lính đang tất bật thu dọn đồ đạc để chuyển bị rời khỏi đây, chúng hỏi Điền có muốn đi chơi không. Nghe thấy bảo được đi chơi quả là một thứ gì đó vừa thích thú lại vừa tò mò. Điền chạy nhanh về nhà xin phép bà. Bà chưa kịp hỏi thì đã thấy đứa cháu khuất sau ngọn cây. Từ trên xe, Điền nhìn thấy bà chạy với theo gọi thảm thiết: "Cháu ơi! về với bà đi cháu ơi". Điền khi ấy cũng vừa la vừa đòi xuống xe nhưng một người Nhật đã kịp thời ôm lại. Và đó cũng là lời cuối cùng Điền được nhìn thấy hình ảnh người bà. Chuyến "đi chơi" ấy dài hàng ngàn cây số đến một nơi hoàn toàn xa lạ.

Thế giới - Nhân chứng lịch sử của một âm mưu đen tối (Hình 2).

Quân đội phát xít Nhật đang tiến vào Sài Gòn. Ảnh tư liệu.

"Tên lính Nhật" cứng đầu

Đoàn xe khởi hành trong cái nắng gió Lào hanh hao, hướng về phía Nam chạy miệt mài ngày đêm, xuyên qua những bãi xác người chết đói, xuyên qua những đoàn bộ binh Nhật đeo kiếm trễ bên hông. Phan Văn Điền không ngờ rằng, ông đang ngồi trên chuyến công - voa mở đường xâm lược xuyên Đông Dương của quân đội Nhật Hoàng. Và một cậu bé như ông cũng không thể biết được rằng, đó là một trong những chuyến xe chạy trên sự kiện đệ nhị thế chiến của lịch sử. Toàn lãnh thổ Việt Nam, không khí kháng chiến chống ngoại bang xâm lược bùng nổ khắp nơi.

Ngồi trên xe cùng Điền khi ấy cũng có 5 đứa trẻ trạc tuổi Điền, không biết chúng bị bắt từ tỉnh nào đến nhưng tất cả đều mang dáng vẻ lấm lem, còi cọc của đói ăn, thiếu mặc. Những ngày đoàn xe dừng chân nghỉ ngơi, Phan Văn Điền bắt đầu cảm thấy nhớ bà nội da diết, cậu khóc lóc đòi về nhưng mỗi lần như vậy đều nhận được sự im lặng hay lời hăm dọa. Một lần, được sai đi ra quán tạp hóa mua đồ cho lính Nhật, Điền non nớt kể hoàn cảnh của mình và nhờ ông chủ tạp hóa đưa mình về với bà. Chủ quán từ chối nhưng hứa sẽ giúp viết thư về cho bà. Điền đọc nội dung thư cho người chủ quán ghi: "Bà ơi! Cháu rất nhớ bà. Cháu đã bỏ bà đi chơi, bỏ bà một mình. Cháu hứa sẽ về với bà. Bà thứ lỗi cho cháu nhé". Không hiểu lá thư có đến được tới tay bà không nhưng trong lòng Điền cảm thấy ấm áp, an tâm hơn.

Xe chạy mải miết nhiều ngày, qua những cánh đồng ngút ngàn khói trắng của tàn tích bom đạn, qua những làng mạc đất trắng, khô cằn và những con người lơ thơ, dật dờ trước gió. Vài ngày sau, đoàn xe đến Sài Gòn, những chú nhóc tuy không ở trong biên chế quân đội nhưng vẫn được phát quân phục và lương 20 đồng một tháng. Đó là một trong những chiêu thức của quân đội Nhật Hoàng. Chúng sử dụng những đứa trẻ Việt Nam để tạo hình ảnh một quân đội nhân đạo, những đứa trẻ bị bắt cóc được giới thiệu là "trẻ mồ côi". Mục đích của chúng là sẽ xây dựng, đào tạo những đứa trẻ này thành "những chiến binh Việt Nam" nếu ý đồ thôn tính Đông Dương thành công.

Sống ở thành phố sôi động, náo nhiệt luôn có những trò chơi thú vị, dần dà nỗi nhớ bà trong Điền bị khuất lấp. Bản năng sinh tồn của đứa trẻ mồ côi đã tạo cho Điền biết cách xử lý khôn khéo trong ứng xử hàng ngày, biết cách phân tích từng vấn đề để không làm mất lòng bọn Nhật. Một hôm, khi vừa ra khỏi doanh trại, một quang cảnh náo nhiệt xảy ra trước mắt Điền, một đoàn người nối thành hàng dài cầm lá cờ đỏ sao vàng hô vang các khẩu hiệu: "Hồ Chí Minh muôn năm, Việt Nam độc lập, tự chủ. Đả đảo thực dân Pháp". Không khí sôi sục, náo loạn toàn bộ khu vực đã khiến cậu lính nhóc hòa vào dòng người lúc nào không hay và theo phản xạ có điều kiện, Điền cũng hô theo đoàn người kia.

Đi theo hò reo cả buổi, khàn cả tiếng nhưng Điền cảm thấy vui và phấn khích trong người, có lẽ đây là lần đầu tiên Phan Văn Điền có cảm giác niềm vui thật sự. Đó là lần đầu tiên ý thức về Tổ quốc Việt Nam hình thành trong đầu Điền, tuy chưa rõ nét lắm nhưng cũng đủ để biết đất nước mình có một lá cờ Tổ quốc khác với lá cờ ba màu của Pháp hoặc lá cờ mặt trời của Nhật. Liên tục những ngày sau đó, đám nhóc "lính Nhật" tiếp tục tham gia hô hào cùng đoàn người đủ mọi thành phần kia. Bài học về Tổ quốc, về Bác Hồ về bọn xâm lược bắt đầu với Điền trong hoàn cảnh như thế.

Hoa Nguyên - Hương Lam

Kỳ tới: Đánh giặc từ thuở 12


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.