Nhân chứng sống vụ treo trẻ sơ sinh lên cây cho... chết

Nhân chứng sống vụ treo trẻ sơ sinh lên cây cho... chết

Thứ 3, 26/11/2013 14:07

Chị Triệu Thị Thương (1986) là người sống sót trở về từ hủ tục rợn người ấy. Một câu chuyện như xé lòng của nhân chứng sống cùng gia đình đã tìm thấy và cưu mang Triệu Thị Thương trong suốt thời gian qua.

Sự sống sót diệu kỳ của bé gái bị treo 12 tiếng trên cây

Hầu như ở Xuân Sơn ai cũng nhớ như in thủ tục lạc hậu này, hỏi đến ai cũng biết câu chuyện về những đứa trẻ bị bỏ tại khu rừng già thật kinh hoàng: "Ngày xưa người Dao treo con nhiều lắm, thời bấy giờ củ mài còn không có mà ăn huống chi phải nuôi mấy đứa trẻ. Đến những năm 1980 thì ít dần. Không chỉ những cháu sinh ra tàn tật bị bố mẹ vứt bỏ, mà nhiều cháu lành lặn nhưng vì gia đình nghèo đói quá nên cũng nhắm mắt làm liều. Năm 1985, khi cháu Thương bị bỏ ngoài rừng thì cũng vào thời điểm đó còn hai đứa trẻ nữa cũng bị cha mẹ treo trên ngọn cây. Có nhiều cháu đã thoát khỏi hủ tục rợn người này, còn nhiều cháu chết là có thật. Ông Đặng Văn Hếnh, già làng bản Cỏi nói.

Xã hội - Nhân chứng sống vụ treo trẻ sơ sinh lên cây cho... chết

Gia đình nhỏ bé của Thương sống rất hạnh phúc

Tôi tìm đến nhà bà Bàn Thị Đoàn (SN 1948), người đàn bà giàu lòng yêu thương, hiền lành, chất phác, chịu nhiều lam lũ vất vả, quanh năm chỉ biết nương rẫy và lo miếng ăn qua ngày. Cách đây hơn 20 năm bà đã cứu thoát đứa trẻ bị treo trên ngọn cây 12 tiếng trong tình trạng chỉ còn thoi thóp. Bà nghẹn lòng khi nhắc lại đứa con nuôi mà gia đình bà cũng coi như con gái ruột.

Câu chuyện là một minh chứng cho tình người ở miền núi xa xôi hẻo lánh này: "Một ngày, đứa em trai tôi đi rừng về hoảng hốt thông báo trong rừng có tiếng khóc của đứa trẻ bị treo trên cây. Tôi nghĩ ngay tới hủ tục bỏ con lên rừng của bản mình và không ai khác tôi nghĩ tới gia đình nhà Ph đêm qua trở dạ sinh một bé gái. Gia đình nhà Ph. đông con, nó không nuôi nổi nên đem bỏ vào rừng mất rồi.

Nhà tôi có ba đứa con giờ mang thêm một đứa về cũng khó khăn, nhưng bỏ đứa trẻ đó trong rừng thì tội nghiệp. Bụng bảo dạ, tôi mang nó về cho con gái mình có chị có em. Trước khi đi lên rừng tôi sang nhà Ph. và nói với gia đình họ rằng: "Gia đình anh không nuôi được nó thì cho em xin. Anh để nó ở đâu chỉ đường để em lên xin đất trời, rừng thiêng, nước độc mang nó về". Tôi không ngờ ông Ph. lại nhẫn tâm khi thờ ơ với chính con đẻ mình đến thế. Nhưng nghĩ tới đứa trẻ đang sống thoi thóp giữa núi rừng, tôi cố van xin ông Ph. chỉ đường.

Tôi cùng con trai mình lên rừng trong tiết trời lạnh như cắt da cắt thịt. Cái rét của rừng già càng khủng khiếp hơn khi đứa trẻ mới sinh mà bà Đoàn vít ngọn cây mang về lại có thể sống sót sau nửa ngày treo trên ngọn cây, không một mảnh vải đắp thân. Đứa bé gào thét trong rừng già trước sự tàn nhẫn, lạnh lùng của những con người đã sinh thành ra mình.

Xã hội - Nhân chứng sống vụ treo trẻ sơ sinh lên cây cho... chết (Hình 2).

Người phụ nữ trở về từ ngọn cây.

Bà Đoàn lấy tay lau nước mắt khi nghĩ tới ngày mang Thương về: "Nó được sinh lúc 3h sáng. Bố mẹ nó kiên quyết không nuôi, đặt nó vào rọ và mang vào rừng vì nhà đông con quá không nuôi nổi. Khi lấy nó từ ngọn cây xuống, người nó không có một mảnh vải và sự sống của con bé chỉ còn trong gang tấc. Tôi ôm chặt nó và chạy một mạch về nhà. Dây rốn vẫn còn trên người nó. Không còn cách nào khác, tôi lấy thanh nứa ở vách nhà cắt rốn cho nó. Họ bỏ lạnh nó hơn 12 tiếng, bố nó còn nhẫn tâm nhét nắm lá ngón vào miệng nó để nó không thở, không khóc được". 

Đứa trẻ bị vứt bỏ lớn lên giữa tình thương của bản Cỏi

Hủ tục đã được bài trừ

Hơn chục năm nay, hủ tục treo con lên đã bị bài trừ, những bản làng tại Xuân Sơn không còn những đứa trẻ bị bố mẹ mình vứt đi, đem vào rừng sâu treo lên cây, mặc cho mưa bào rừng già quăng quật. Những đứa trẻ may mắn như Thương cũng đã được sống và trưởng thành trong sự đùm bọc của dân bản. Bà Đoàn mỉm cười và thầm cảm ơn ông trời đã ban cho mình cô con gái xinh đẹp, hiền lành, chất phác  và luôn một lòng báo hiếu người có ơn nuôi dưỡng mình. Cho dù những hệ lụy của hủ tục một thời có làm ảnh hưởng tới tinh thần những đứa trẻ nơi đây, nhưng chúng ta tin tưởng rằng họ là những đứa trẻ cuối cùng trở về từ ngọn cây oan nghiệt.

Có lẽ những đứa trẻ được cứu sống như Thương tại bản Cỏi không nhiều. Hầu hết những đứa trẻ bị treo trên ngọn cây đều không chống chọi nổi số phận và sự khắc nghiệt của thời tiết. Khi hỏi về câu chuyện của mình, Thương tủi trong lòng.

Người phụ nữ đã từng bị cha mẹ mình đẩy tới cái chết ngậm ngùi nói: "Nghe mẹ nuôi nói rằng em không phải con đẻ, em chỉ được mẹ Đoàn nhặt mang về, em đã òa khóc và không thừa nhận điều đó. Sau này khi lớn lên, dân bản cũng nói cho em biết về số phận của mình, em thấy mình thật may mắn hơn những đứa trẻ đã từng bị cha mẹ mình vứt bỏ". Thương đã từng hận bố mẹ mình. Đã rất nhiều lần Thương tìm đến bố mẹ ruột nhưng chỉ có mẹ là hỏi han quan tâm, còn người cha đã nhẫn tâm vứt em đi vẫn giữ thái độ lạnh lùng đến ghê sợ.

Thương ngồi bên bếp lửa bập bùng và nghĩ về cuộc đời mình. Nếu không có bố mẹ nuôi và sự yêu thương đùm bọc của anh chị em trong gia đình, có lẽ Thương đã không sống được đến bây giờ. Thương tâm sự trong nước mắt: "Đã nhiều lần em hỏi mẹ đẻ tại sao bố mẹ đẻ con ra, lại vứt con đi trong khi các anh chị con thì được sống cùng bố mẹ, được nuôi lớn thành người. Mỗi lần em hỏi mẹ đẻ chỉ khóc và nói rằng do nghèo đói, bố mẹ chỉ sợ không nuôi nổi em".

Bố mẹ đẻ đã lên Sơn La làm ăn sinh sống nhưng Thương vẫn một mực tìm được họ để hỏi nguyên nhân tại sao cùng là giọt máu mà họ lại bỏ mình đi? "Bây giờ bố mẹ đẻ đã mất, em không còn oán hận họ nữa. Em thương mẹ Đoàn và các anh chị đã vất vả nuôi nấng, chăm lo cho em được như ngày hôm nay", Thương nói.

Xã hội - Nhân chứng sống vụ treo trẻ sơ sinh lên cây cho... chết (Hình 3).

Bà Bàn Thị Đoàn

Anh Kế, anh trai nuôi của Thương tâm sự: "Mẹ mang nó về nuôi trong khi gia đình tôi còn quá vất vả. Nhưng thương nó chỉ còn thoi thóp thở, gia đình chúng tôi vẫn quyết định mang nó về nuôi, hơ lửa sưởi ấm cho nó cả đêm". Cô bé lớn lên trong sự nghèo khổ, thiếu thốn nhưng đầy ắp tình yêu thương của bố mẹ và các anh chị. Cuộc sống của người phụ nữ đã từng sống trên ngọn cây 12 tiếng chưa bao giờ hết khó khăn và đau đớn.

Cô luôn phải chống chọi với những cơn đau do chính cha mẹ ruột mình gây nên: "Cứ trái nắng trở trời là sống lưng em đau buốt, những cơn ho kéo dài hàng tháng và nhất là em hay bị tức ngực, khó thở". Giờ Thương đã có gia đình riêng và hai đứa con nhỏ, gánh nặng ngày càng đè lên vai người phụ nữ đã từng giành giật giữa sự sống và cái chết. Cuộc sống hiện tại của gia đình Thương hiện vất vả vô cùng, lấy chồng, sinh con nhưng không một tấc ruộng, hai vợ chồng đi làm thuê, kiếm mướn sống qua ngày. Dù nghèo, dù đói khổ nhưng Thương luôn mong muốn có thể nuôi hai đứa con học hành nên người, để không phải sống cuộc đời cơ cực như bố mẹ chúng.                 

Chuyện cũ kể lại

Tại bản Cỏi, Xuân Sơn, Tân Sơn, Phú Thọ - nơi sinh sống của người Dao Tiền hơn mười năm về trước vẫn còn quá nhiều các hủ tục lạc hậu. Những đứa trẻ sinh ra vì gia đình khó khăn vất vả, người làm cha  làm mẹ nhắm mắt mang con mình mới lọt lòng treo lên cây, cầm nắm lá ngón nhét chặt vào miệng đứa trẻ. Họ phó mặc chúng cho đất trời, quỷ dữ và coi như vứt bỏ đứa con sinh nhầm thời. Sự trở về và sống sót kì lạ của chị Triệu Thị Thương tại vùng núi Xuân Sơn heo hút vừa lạ lùng, vừa đau xót đến nghẹt thở và đây cũng là nhân chứng sống của hủ tục đã từng "ăn sâu bám dễ" của người dân nơi đây.  

Mai Hằng

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.