Nhân chuyện "cổ vật Tây Nguyên" bị lấy trộm

Văn Công Hùng

Văn Công Hùng

Thứ 4, 10/04/2024 07:00

Ở cái khu trưng bày hiện vật Tây Nguyên ở quảng trường Pleiku gọi là “Thiên đường Tây Nguyên” ấy, vừa bị mất mấy món đồ trưng bày.

Camera an ninh thấy rõ 2 thanh niên vào khu để cái ghế bằng xương voi được coi là của vua voi Tây Nguyên lấy đi cây giáo. Và nhân đấy người ta mới soát lại thì thấy còn mất thêm một vài món nữa.

Hồi làm cái khu trưng bày này, ý muốn của nhà sưu tập và người tổ chức là sẽ có bảng giới thiệu từng hiện vật, cụ thể nó như thế nào, của dân tộc nào, công dụng của nó vân vân, nhưng tới giờ, người tham quan vẫn như lạc vào rừng vì hoàn toàn chưa có một bảng giới thiệu nào?

Và vì thế người ta vẫn gọi cái ghế làm bằng xương voi ghép lại, quấn bằng dây thừng là... ghế của vua voi.

Thực sự thì, ở Tây Nguyên có nhiều ông “vua”, như “vua” nước, “vua” lửa, “vua  gió, “vua” voi..., nhưng đấy là do chúng ta gọi, còn họ, đơn giản họ không phải vua, hay chính xác là vua... không ngai.

Đa chiều - Nhân chuyện 'cổ vật Tây Nguyên' bị lấy trộm

Cận cảnh ghế bằng xương voi.

Tôi đã điện cho nhà sưu tập Đặng Minh Tâm, người là chủ của khu trưng bày này, người sưu tập cổ vật nổi tiếng đang sống ở Lâm Đồng, ông bảo gọi đúng cái ấy là ghế xương voi thôi, do một người làm và tặng ông, chứ không phải là ghế, là ngai của vua voi.

Ở Tây Nguyên, cụ thể là ở buôn Đôn, Đăk Lăk ấy, có 2 ông được phong là “vua voi” là Y Thu Knul và con rể ông là Ama Kông. Sau này ông Ama Kông có món thuốc huyền thoại để tăng cường sinh lực nên nổi tiếng hơn cả bố vợ Y Thu Knul, chứ Y Thu Knul là người đã săn được tới 400 con voi, có con voi trắng ông tặng  cho vua Thái Lan và được vua Thái ban cho tước Khunjunop, dân làng dịch tạm ra giống như là vua săn voi.

Ông Ama Kông sau này cũng săn được con bạch tượng trong số 300 voi rừng ông bắt được, thua bố vợ hẳn 100 con, ông tặng cho vua Bảo Đại con bạch tượng, nghe đồn ông Bảo Đại đưa về Đà Lạt giao cho quản tượng chăm sóc để mỗi khi ông về đấy nghỉ thì cưỡi đi săn.

Cũng nghe đồn nó được đeo cái xích tới mấy cây vàng ở chân, và cũng nghe đồn là trong một cơn giận nó đã quật chết quản tượng rồi giật đứt xích lang thang vào rừng, rồi sau đấy không ai nghe nói về số phận của nó nữa.

Chuyện thì rất dài, nhưng tôi kể cắt ra một đoạn chỉ để nói là, cái ghế ấy không phải là ghế của “vua voi”, mà nó chỉ là cái ghế làm bằng xương voi. Một ông khéo tay nào đó đi nhặt các đoạn xương voi về, cột lại như một cái ngai, hình cái ghế, và cái ghế ấy, không thể ai ngồi được quá 5 phút, chỉ vì nó hết sức khấp khểnh gập ghềnh.

Cái giáo bị mất nó là dụng cụ dùng để hạ sát trâu trong các lễ hội mà có hiến tế trâu. Lâu nay chúng ta hay nhầm là có lễ hội đâm trâu, trong khi thực ra hoàn toàn không có một lễ hội nào như thế.

Tôi, vì đã sống ở Tây Nguyên nhiều năm, có hiểu biết chút chút về việc này, đã nhiều lần viết về nó. Là trong một lễ hội nào đó, phải là rất lớn, người ta mới tổ chức giết con trâu để cúng Giàng.

Và cái thủ tục giết trâu ấy nó đầy chất nghi lễ chứ không phải đưa ra sân vận động trước hàng ngàn người giữa thanh thiên bạch nhật rồi đâm hàng chục nhát máu me nhoe nhoét như chúng ta đã từng rồi gọi là “lễ hội đâm trâu”. Nó là một thành tố của lễ hội chứ không phải là lễ hội, bản thân nó không phải là lễ hội.

Nôm na nó như mâm cỗ người Kinh thì phải có con gà luộc, nơi thì chặt ra, nơi thì để nguyên con giang cánh ngậm bông hoa hồng hùng dũng giữa mâm, nhưng con gà luộc thì không phải là cỗ, nó là thành tố làm nên mâm cỗ. Bình thường người ta vẫn làm thịt gà để ăn.

Người ta dùng cái giáo ấy đâm một nhát rất ngọt vào nách con trâu, con trâu gục xuống ngay, bởi nách trâu chính là chỗ trái tim. Nhưng, vâng, lại nhưng, là trước khi có giáo thì người ta dùng một cây le vót nhọn, một thanh niên hoặc trung niên nhanh nhẹn, khỏe mạnh, lao cây le ấy cũng vào nách con trâu, và con trâu cũng chết ngay.

Tóm lại là, chuyện ghế vua voi và giáo cổ vật nó nôm na là thế.

Đa chiều - Nhân chuyện 'cổ vật Tây Nguyên' bị lấy trộm (Hình 2).

Ghế xương voi trong lều trưng bày.

Và vấn đề là, giờ đã có luật về cổ vật, thì mấy ông trộm vừa rồi ăn đủ, camera rõ mặt mũi đến thế kia mà, dù tôi cũng chưa hiểu họ ăn trộm làm gì, bởi bán sẽ rất khó, một là chỉ ai sưu tập như ông Tâm mới mua, mà số này rất ít, và hai, vác nghễu nghện đi bán sẽ lộ ngay.

Như chuyện tượng mồ. Ai ở Tây Nguyên đều biết, những pho tượng mồ rất đẹp ấy người Tây Nguyên đẽo để ở nhà mồ khi làm lễ bỏ mả. Họ đặt ở đấy để vĩnh viễn chia tay người chết, và những pho tượng ấy cũng sẽ theo nắng theo mưa theo thời gian mà hỏng cùng với nhà mồ, với cả cái mồ ấy.

Người Tây Nguyên bỏ mả xong là xong, cắt đứt hoàn toàn với người chết chứ không như người Kinh vẫn thờ cúng tới nhiều đời. Những cái tượng mồ vất chỏng chơ trong các khu nhà mồ. Nhưng có thời người ta lấy về bán, vì có nhà sưu tập mua. Rồi rộ lên phong trào mua bán tượng nhà mồ, chính quyền phải ra tay, có bắt mấy vụ người đi gom tượng về bán.

Vấn đề là, nếu cứ để đấy thì nó cũng hỏng, và bán thì quả là, tôi cũng chưa hiểu người ta mua làm gì? Hồi mới lên Tây Nguyên đi công tác xuống làng, khi về thấy mấy pho tượng mồ đẹp, chúng tôi hỏi xin, về để lù lù trong căn phòng tập thể, nửa đêm dậy giật cả mình. Sau có mấy ông đoàn phim ghé chơi, thấy tượng bèn mượn để quay, rồi khi về các ông ấy cũng... quên trả, chả biết rồi giờ nó lưu lạc nơi nao?

Tóm lại là, với Tây Nguyên vẫn còn rất nhiều điều bí ẩn. Bí ẩn ấy có thể do chính nó, nhưng cũng có khi do chính chúng ta huyền thoại nó lên. Thuốc Ama Kông chẳng hạn, nhiều người tin nhưng tôi thì không?

Ông cụ này rất khỏe, “vua săn voi” mà, năm bảy tám mươi tuổi gì đấy, lấy cô vợ 40 tuổi và có con, thì chính cô này là thuốc Ama Kông chứ người Tây Nguyên chỉ dùng rượu ủ, là rượu cần ấy, nhưng loại thuốc được đồn là biệt dược cường dương này lại phải ngâm rượu cất, là rượu nấu, rượu gạo.

Nhưng mà cuộc đời, nhiều khi cứ phải mờ mờ ảo ảo mới thi vị. Dẫu thế, tôi vẫn mong cái khu trưng bày “Thiên đường Tây Nguyên” ấy có những bảng chỉ dẫn, giới thiệu rõ ràng để người vào xem biết, chứ như bây giờ, ngay người Tây Nguyên bản địa lạc vào cũng không hiểu.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.