22 năm khao khát được mang thai
Lấy chồng từ năm 18 tuổi, chị N.T.T và anh N.V.S (ở Kim Động, Hưng Yên) vẫn sống với nhau hạnh phúc dù gánh nặng cơm áo đè nặng. Nhưng hạnh phúc ấy tắt dần khi năm này qua năm khác chị T không thể có thai. Sau hai năm đằng đẵng ngóng chờ, vợ chồng chị đành “nhắm mắt”, dốc tiền trong nhà đi khám. Kết quả xét nghiệm cho thấy vợ chồng chị đều có khả năng sinh con như bao cặp vợ chồng khác. Nhưng, càng đợi càng mỏi mòn, khả năng mang thai của chị vẫn chỉ là ước mơ xa vời.
Ảnh minh họa
Nuôi hi vọng, nỗ lực cố gắng trong 7 năm không có kết quả, anh chị nghĩ đến chuyện giải phóng cho nhau. Chị kể: “Mỗi khi quyết định chia tay, tôi không cất lên lời. Những lúc ấy, hai vợ chồng lại nhìn nhau mà khóc. Có lần tôi bỏ vào miền Nam được vài tháng thì chồng tôi đi tìm, gặp tôi, anh nói đừng bỏ mặc anh ấy một mình, không có con thì thôi, hai vợ chồng sống với nhau tình cảm, hạnh phúc là được. Vợ chồng đầu gối tay ấp suốt bao năm nay chỉ vì chưa có con mà bỏ thì tội lắm”.
Sau lần ấy, hễ có người mách ở đâu chữa được hiếm muộn, anh chị lại tìm tới. “Tôi đã uống không biết bao loại thuốc bổ, thuốc “đậu” thai và sinh hoạt vợ chồng theo hướng dẫn, nhưng chẳng mang lại kết quả. Cuối cùng, chúng tôi thôi nuôi hi vọng mình sẽ có con”, chị kể lại.
Hi vọng có con bị lung lay dần theo thời gian khiến vợ chồng chị T thay đổi tính nết. Từ người hòa nhã, được mọi người yêu mến, anh chị trở nên cáu gắt, nóng nảy, khó chịu. “Mới đầu, những người quen biết vợ chồng tôi cũng cảm thông, nhưng lâu dần chúng tôi bị người làng kỳ thị. Trong con mắt hàng xóm, vợ chồng tôi là những kẻ cay nghiệt, chanh chua, khinh người… Việc làm ăn của chúng tôi sa sút hẳn do mọi người xa lánh. Cuộc sống không tiếng cười con trẻ cứ thế trôi đi trong sự buồn tẻ”, chị T buồn bã nhớ lại.
Khi ở tuổi 40, qua sự mách bảo của họ hàng, anh chị quyết định nhận con nuôi để khi về già có người chăm sóc, nương tựa. Qua mối quen biết, vợ chồng chị tìm được người cho con, hiện đang là một sinh viên một trường Đại học tại Hà Nội. Chị kể: “Vì trót dại, nữ sinh này có con với người mình yêu nhưng không muốn bỏ con, nên đã giữ cái thai. Nhưng vì đang học và không có điều kiện để sinh và nuôi con, cặp đôi này quyết định cho vợ chồng chị nuôi đứa bé ấy”.
Khác với chị T, Vợ chồng chị T.X và anh A.Đ (Thanh Xuân, Hà Nội) rơi vào cảnh éo le, ngang trái. Cưới nhau được 1 năm, chị T.X mang thai nhưng đến tháng thứ 4 thì bị sẩy. Kể từ đó, mỗi lần mang thai đứa tiếp theo, cứ đến tháng thứ 3, hay thứ 4, chị lại bị sẩy thai dù rất giữ gìn. Mỗi lần nhưng vậy, chị như chết đi được. Chị rất lo lắng, không hiểu tại sao lại như vậy. 6 năm với 3 lần mang thai nhưng cả 3 lần đều không giữ được khiến chị vô cùng chán nản. Đi kiểm tra sức khỏe, mọi chỉ số sức khỏe của chị đều ổn định, không có vấn đề gì.
Vợ chồng chị lặng lẽ sống trong đau đớn mà không thể lý giải nguyên nhân vì sao. Khát khao có con ngày càng lớn, khiến mỗi lần đi qua trường mẫu giáo hay bế những đứa con của họ hàng, bạn bè, chị lại thấy tủi thân vô cùng. Chị chia sẻ: “Ông trời thật bất công, cho tôi thiên chức làm mẹ, được mang thai nhưng lại không cho tôi được làm một người mẹ trọn vẹn, đúng nghĩa với đứa con của mình”.
Nghe lời rủ rê của bạn, chị tìm đến thầy bói. Sau một ngày lặn lội về tận Hải Dương xem bói, chị được “thầy” phán phải nhận con nuôi. Theo lời “thầy bói”, nhận con nuôi về, vợ chồng chị mới có thể có những đứa con thật sự của mình. Bởi đứa con nuôi này là nhân tố cân bằng âm khí, mang lại may mắn, lợi lộc cho gia đình chị.
Phát tài nhờ con nuôi
Thật bất ngờ, từ ngày nhận con nuôi, công việc buôn bán của vợ chồng chị N.T.T ngày càng khấm khá. Chị tâm sự: “Từ ngày nhận nuôi bé Tâm Đoan (Tên chị T đặt cho con), công việc buôn bán làm ăn của vợ chồng tôi thuận lợi hẳn, hiện giờ kinh tế gia đình tôi rất ổn”.
Muốn thử vận may, vợ chồng chị T.X quyết định về quê nhận con nuôi. Sau khi nhận con nuôi khoảng 1 năm, chị T.X có thai lần thứ 4. Chị kể: “Mang thai đến tháng thứ 3, tôi lo tới mất ăn, mất ngủ. Đến tháng thứ 9, niềm vui của tôi mới được trọn vẹn. Hiện nay gia đình tôi rất hạnh phúc với 2 đứa con đẻ và một đứa con nuôi”. Với chị T.X, Tuấn Anh (tên người con nuôi) như “vị thần” mang may mắn cho gia đình. “Bên cạnh đó, nó còn là một đứa con vô cùng hiếu thảo và quyến luyến bố mẹ”, chị T.X hồ hởi kể về cậu con nuôi của mình.
Trên quan điểm của một nhà khoa học, ông Dư Quang Châu, Giám đốc Trung tâm cảm xạ địa sinh học, Đại học Quốc tế Hồng Bàng cho rằng: “Trong cuộc sống, những trường hợp nhận con nuôi sau đó một thời gian là có con của chính mình rất nhiều. Bên cạnh đó, nhiều gia đình còn giàu có, phát đạt hơn kể từ khi đứa con nuôi bước chân vào nhà. Với những trường hợp này, theo quan niệm dân gian, đứa con nuôi đã “gánh hết tội lỗi” cho gia đình và mang may mắn tới. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, những trường hợp này chỉ là ngẫu nhiên bởi vấn đề có con, giữ được thai hay may mắn, phát tài… liên quan đến nhiều yếu tố khác nhau như: Tâm lý, thể trạng của từng người và công việc làm ăn có gặp thời, được người khác giúp đỡ hay không…”.
Khát vọng có con, bằng mọi giá phải có con khiến nhiều cặp vợ chồng bị ức chế về mặt tâm lý dẫn đến không ổn định về tinh thần khiến công việc, các mối quan hệ giao tiếp, làm ăn giảm sút… Nhưng sau khi nhận con nuôi, họ dồn hết tình yêu thương, sống có trách nhiệm với đứa trẻ khiến cuộc sống có ý nghĩa hơn. Khi làm được những điều này, tâm lý thoải mái khiến công việc làm ăn thuận lợi hơn… Tuy nhiên, ông Châu cũng cho biết thêm, việc nhận con nuôi phải xuất phát từ tình yêu thương, hết lòng chăm sóc đứa con ấy mới đem lại hạnh phúc thật sự cho gia đình.
Theo Quảng Tuệ Lương Gia Tĩnh, Khoa Triết học trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội: “Việc nhận con nuôi, dù chỉ nhìn từ góc độ tâm lý tâm linh, nếu thực hiện với một tâm thành trong sáng chắc chắn sẽ mang ý nghĩa tích cực. Hiệu quả trước mắt sẽ tạo tâm lí an vui và tin tưởng cho những gia đình hiếm muộn, tạo mối quan hệ tình cảm gia đình mở rộng. Tuy nhiên, biện pháp khắc phục tình trạng khó sinh hoặc khó nuôi con phải căn cứ vào y học (Tây và Đông) là căn bản, nhận con nuôi chỉ là một trong muôn vàn biện pháp. Biện pháp nhận con nuôi dù chưa được khoa học chứng minh một cách chặt chẽ nhưng nó vẫn tồn tại (không phải mọi vấn đề của đời sống hiện thực đều đã được khoa học chứng minh) và đưa lại hiệu quả khách quan, ít tốn kém, mang ý nghĩa tâm lý xã hội tích cực”.
H.M