Nhận diện 5 nguy cơ lớn từ an ninh phi truyền thống trong kỷ nguyên vươn mình

Nguyễn Thu Huyền

Nguyễn Thu Huyền

Thứ 5, 21/11/2024 14:57

Qua nghiên cứu có khoảng 30 nguy cơ đe doạ an ninh phi truyền thống đã, đang và sẽ tiếp tục nổi lên thời kỳ hiện nay. Trong đó có 5 nguy cơ đang nổi lên mà Việt Nam phải lưu tâm, sớm chủ động phòng ngừa, ứng phó.

Tại tọa đàm "Nâng cao năng lực quản trị an ninh phi truyền thống trong kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 21/11, GS.TS Nguyễn Xuân Yêm - Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống, Trường Quản trị và Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội đã chỉ ra những nguy cơ đe dọa an ninh phi truyền thống trên thế giới xuất hiện rất nhiều tại Việt Nam.

Theo ông Yêm, hiện nay xuất hiện rất nhiều vấn đề an ninh mà chúng ta gọi là an ninh phi truyền thống. Đây là những vấn đề an ninh hình thành dựa trên những tác động, nguy cơ phi quân sự, ví dụ như biến đổi khí hậu, an ninh mạng, an ninh lương thực, an ninh môi trường, nguồn nước...

"An ninh phi truyền thống thực chất là sự nối dài của an ninh quốc gia, của an ninh truyền thống và cấu thành thêm tổng thể của an ninh quốc gia trong điều kiện hiện nay", ông Yêm nói.

Nhận diện 5 nguy cơ lớn từ an ninh phi truyền thống trong kỷ nguyên vươn mình- Ảnh 1.

GS.TS Nguyễn Xuân Yêm - Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống, Trường Quản trị và Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội (Ảnh: VGP).

Theo GS.TS Nguyễn Xuân Yêm, qua nghiên cứu có khoảng 30 nguy cơ đe dọa an ninh phi truyền thống đã, đang và sẽ tiếp tục nổi lên thời kỳ hiện nay. Trong đó có 5 nguy cơ đang nổi lên mà Việt Nam phải lưu tâm.

Thứ nhất, vấn đề tội phạm xuyên quốc gia. Đây là vấn đề xuất hiện ở Việt Nam và nổi lên rất mạnh trong thời gian gần đây như tội phạm ma túy xuyên quốc gia, mua bán người xuyên quốc gia, tội phạm kinh tế xuyên quốc gia.

Thứ hai, an ninh kinh tế của Việt Nam. Nguy cơ chệch hướng phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa làm giảm tăng trưởng kinh tế, rơi vào bẫy thu nhập trung bình kể cả tại các địa phương, thành phố có mức tăng kinh tế lớn. Vấn đề nợ công của Nhà nước, địa phương, tội phạm vi phạm về kinh tế, nguy cơ đe dọa an ninh tài chính, an ninh doanh nghiệp.

Thứ ba, an ninh môi trường, an ninh nguồn nước. Đây là vấn đề gắn liền với biến đổi khí hậu, thảm họa thiên nhiên mà chúng ta vừa chứng kiến một ví dụ là cơn bão Yagi vừa qua.

Thứ tư, an ninh y tế, an ninh sức khỏe liên quan đến an toàn của các cơ sở y tế, an ninh dân số, già hóa dân số, mất cân bằng giới tính, an toàn thực phẩm…

Thứ năm, các nguy cơ đe dọa về an ninh mạng và an ninh mạng xã hội. Đây là một trong những loại tội phạm tăng trưởng nhanh nhất trong các loại tội phạm của Việt Nam.

"Như chúng ta thấy trong thời kỳ đại dịch Covid-19, Nhà nước đã tổng kết đại dịch làm thiệt hại tới 500.000 tỷ đồng. Trong cơn bão Yagi vừa rồi, tỉnh Yên Bái thu nhập cả tỉnh 2023 đạt 4.100 tỷ đồng nhưng chỉ sau 1 tuần bão lũ, sạt lở... tỉnh đã thiệt hại tới 4.600 tỷ đồng, làm giảm sự phát triển bền vững về kinh tế xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh quốc phòng của đất nước", GS.TS Nguyễn Xuân Yêm cho hay.

Nhận diện 5 nguy cơ lớn từ an ninh phi truyền thống trong kỷ nguyên vươn mình- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Sự - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Ảnh: VGP).

Cũng tại tọa đàm, ông Nguyễn Văn Sự - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết, với những doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, những sự cố về cháy nổ, xăng dầu… nếu kiểm soát không tốt sẽ gây mất an toàn và ảnh hưởng rất lớn.

Vì vậy doanh nghiệp rất chú trọng việc quản trị, tập trung đầu tư công nghệ hiện đại, phù hợp quy hoạch để ứng phó rủi ro. Cùng đó là việc quan tâm đào tạo nguồn nhân lực để làm chủ, bình tĩnh ứng phó trước mọi tình huống, dự báo. Đưa ra các quy định vận hành, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ.

Nhận diện 5 nguy cơ lớn từ an ninh phi truyền thống trong kỷ nguyên vươn mình- Ảnh 3.

PGS.TS Hoàng Đình Phi - Hiệu trưởng Trường Quản trị và Kinh doanh (Ảnh: VGP).

Để ứng phó các thách thức an ninh phi truyền thống, PGS.TS Hoàng Đình Phi - Hiệu trưởng Trường Quản trị và Kinh doanh cho rằng, cần tăng cường công tác truyền thông, đặc biệt là nơi có thể xuất phát rủi ro lớn, nguy cơ lớn để chủ động ứng phó.

Xây dựng các cơ chế, chính sách, chiến lược và kế hoạch hành động để chủ động phòng ngừa rủi ro, ứng phó. Đổi mới căn bản tổ chức và cách quản trị, đào tạo đội ngũ nhân lực để xây dựng chính sách, dự báo và thực hiện hiệu quả, cũng như ứng phó tốt hơn với rủi ro.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.