Tội phạm và vi phạm pháp luật về trật tự xã hội vẫn tăng
Ngày 6/9, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 14 để thẩm tra, cho ý kiến về các Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2024; Công tác thi hành án năm 2024; công tác phòng chống tham nhũng năm 2024; về Báo cáo của Chánh án tòa án nhân dân Tối cao và Báo cáo của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao năm 2024.
Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản thống nhất với Báo cáo của Chỉnh phú về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2024, Báo cáo công tác của Chánh án tòa án nhân dân Tối cao, của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, báo cáo công tác thi hành án năm 2024 và báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024;
Đồng thời, đánh giá cao và đồng tình các báo cáo một số ý kiến nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp về các nội dung này. Các báo cáo đã bám sát vào các yêu cầu theo đề cương báo cáo của Ủy ban Tư pháp.
Các ý kiến nhận thấy, Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2024 đã đánh giá được tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật, chỉ ra những mặt đạt được, hạn chế và nguyên nhân của công tác này;
Đã đưa ra dự báo về tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2025 và những kiến nghị cụ thể nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc để nâng cao chất lượng công tác; đồng thời triển khai có hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội trong hoạt động phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật.
Báo cáo cũng đã thống kê được cụ thể nhiều loại tội phạm, kết quả thực hiện những kiến nghị của Ủy ban Tư pháp đã nêu ra trong năm 2023, trong đó có báo cáo về việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính, kết quả thực hiện quy định của pháp luật về ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can.
Nhìn chung, kết quả một số loại tội phạm giảm so với cùng kỳ như: Giết người giảm 23,03%; cướp tài sản giảm 7,18%; xâm phạm trật tự, quản lý kinh tế giảm 16,09%, tội phạm về môi trường, an toàn thực phẩm giảm 43,38%, tội phạm liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông giảm 16,40%...
Mặc dù đã có nhiều cố gắng, nhưng tội phạm và vi phạm pháp luật về trật tự xã hội vẫn tăng cả về số vụ và thiệt hại về số người bị thương, tài sản;
Một số loại tội phạm tăng mạnh, trong đó có một phần nguyên nhân từ công tác phòng ngừa như: Phạm tội có tổ chức tăng 89,47%, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản tăng 89,90%, đánh bạc trên mạng Internet tăng 113,2%...
Về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trên không gian mạng, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an và các Bộ, ngành hữu quan tiếp tục tuyên truyền thông tin về phương thức, thủ đoạn phạm tội để nâng cao cảnh giác của người dân;
Đồng thời, đưa ra những giải pháp cụ thể, bồi dưỡng kiến thức, tăng cường đội ngũ cán bộ, trang bị kịp thời các phương tiện nghiệp vụ đối với lực lượng công an cấp tỉnh, cấp huyện để kịp thời phát hiện, xử lý loại tội phạm này.
Tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng
Về Báo cáo phòng, chống tham nhũng năm 2024, các ý kiến cho rằng, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua tiếp tục được đẩy mạnh, có bước tiến mới, quyết liệt và hiệu quả hơn cả ở Trung ương và địa phương;
Nhiều chính sách, quy định mới về công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực được Đảng và Nhà nước ban hành, quán triệt triển khai thực hiện nghiêm túc.
Cùng với việc điều tra, xử lý nghiêm các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực, các cơ quan hữu quan đã chú trọng phát hiện những sơ hở, thiếu sót, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật, trong công tác quản lý Nhà nước trong một số lĩnh vực để kịp thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền khắc phục, hoàn thiện, góp phần nâng cao hiệu quả phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý tham nhũng, tiêu cực.
Tuy nhiên, tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, nổi lên là các sai phạm lớn trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, xây dựng, đấu thầu, hoạt động ngân hàng, quản lý tài nguyên, khoáng sản...,gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng;
Có sự câu kết giữa cán bộ thoái hóa, biến chất với doanh nghiệp, tổ chức để trục lợi. Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công vẫn còn diễn ra.
Các ý kiến cơ bản nhất trí với những đánh giá về tồn tại, hạn chế trong công tác phòng chống tham nhũng và nguyên nhân được nêu trong Báo cáo của Chính phủ.
Đồng thời cho rằng, những sai phạm về tham nhũng, tiêu cực thời gian qua cho thấy có sự buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm của nhiều tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu trong công tác quản lý Nhà nước trong một số lĩnh vực.
Nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác phòng chống tham nhũng là thực trạng đã được nhận diện rõ từ nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả.
Vì vậy, đề nghị Chính phủ cần tổng kết, đánh giá, nhận diện đầy đủ các hạn chế và nguyên nhân để dự báo đúng tình hình tham nhũng; trên cơ sở đó xác định rõ nguyên nhân chủ yếu và đề ra giải pháp đột phá để phòng, chống có hiệu quả.
Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị Thường trực Ủy ban Tư pháp hoàn thiện các Báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội và sau khi có báo cáo cả năm của các cơ quan tư pháp, Thường trực Ủy ban Tư pháp tiếp tục hoàn thiện để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 tới.