Khi "nhà giàu" chơi bóng đá
Trong số các đội tuyển bóng đá trên thế giới, Qatar đang là đất nước có đội tuyển "quốc tế" thú vị nhất.
Được biết đến là quốc gia giàu có nhưng dân số ít, các quan chức Doha từ lâu đã vạch ra kế hoạch tận dụng nguồn tài chính khổng lồ để khỏa lấp những hạn chế của nền bóng đá nước nhà, hướng tới mục tiêu trở thành cường quốc bóng đá châu lục và thế giới.
Bên cạnh kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển học viện bóng đá, Qatar còn tích cực thu hút các cầu thủ và huấn luyện viên ngoại đến làm việc và trả họ mức lương hậu hĩnh.
Để tăng cường sức chiến đấu, nhiều cầu thủ ngoại được tạo điều kiện trở thành hạt nhân nòng cốt của đội tuyển quốc gia.
Đội hình mới nhất từng chiến thắng cúp vùng Vịnh 2014 của Qatar có không ít hơn 11 cầu thủ đến từ 10 quốc gia khác nhau. Một số chiến thắng gần đây trong năm 2017 cũng ghi dấu ấn đậm nét đến từ số lượng các cầu thủ có gốc gác nước ngoài trong đội hình.
Hai trong số ba thủ môn được sinh ra bên ngoài Qatar, trong đó có Khalifa Ababacar đến từ Senegal và Oumar Barry đến từ Guinea. Trung vệ Mohammed Kasola, Ibrahim Majid và Ro-Ro được sinh ra ở Ghana, Kuwait và Bồ Đào Nha.
Tiền vệ sinh ra ở Pháp Karim Boudiaf – người có thời gian thi đấu cho các câu lạc bộ Lorient và Nancy từng xuất sắc ghi bàn vào lưới Bắc Ireland và Nga trong sự nghiệp thi đấu quốc tế của mình.
Ngoài ra, có hai cầu thủ Brazil là Rodrigo Tabata và Luis Junior, đá cùng với một cầu thủ Nam Mỹ khác là Sebastian Soria. Soria được sinh ra tại Uruguay và chơi cho Liverpool de Montevideo trong thời gian bắt đầu sự nghiệp.
Trong đội hình còn có cầu thủ gốc Bahrain Ali Assadalla và tiền vệ Ahmed Abdul Maqsoud, người được sinh ra ở Ai Cập.
Nhiều cầu thủ nhập tịch, điểm mạnh hay điểm yếu?
Mặc dù có nhiều cầu thủ nhập tịch như vậy, Qatar không vi phạm luật của FIFA khi liên đoàn bóng đá này quy định một cầu thủ nước ngoài có thể được phép thi đấu cho đội sở tại sau khi sống ở đây liên tục ít nhất 5 năm.
Năm 2004, ba cầu thủ gốc Brazil thi đấu cho đội tuyển quốc gia Qatar nhưng không đáp ứng đủ điều kiện trên đã buộc FIFA phải can thiệp.
Trên thực tế bất kỳ quốc gia nào cũng có thể gọi cầu thủ nhập tịch lên tuyển để tăng cường sức mạnh cho đội bóng. Tuy nhiên “màu cờ sắc áo” và tinh thần dân tộc là điều khiến không nhiều quốc gia lạm dụng điều này.