Nhan nhản website giả mạo
Trong ngày 14/11, PV truy cập vào website http://vetau.com.vn để thử đặt mua vé tàu Tết. Tuy nhiên, chặng mà PV mua hiện không còn vé. Điển hình, PV đặt chặng đi từ Sài Gòn, ga đến là Hà Nội vào ngày 11/2/2018 (tức 26 Tết) nhưng không còn chỗ trống nào. Tuy nhiên, khi PV truy cập vào trang https://www.vietnamtrainxxx.com lại được nhân viên trực điện thoại cho biết: “Anh đợi để em kiểm tra trên hệ thống nhé, xem còn book được vé hay không”.
Trong lúc chờ đợi, PV hỏi, đây có phải là website của ngành đường sắt không. Người này có vẻ ấp úng sau đó trả lời: “Đây chỉ là đại lý”. Như có vẻ nghi ngờ sau câu hỏi trên, cô này liền tiếp lời: “Hiện nay, vẫn còn vé nhưng do bên đường sắt không cho đại lý bán nên có gì sẽ gọi lại cho anh sau”.
Thực tế, các trang này đang bán vé tàu với giá đắt “cắt cổ”. Điển hình, PV truy cập vào web ngành đường sắt tham khảo giá vé ngày 14/11 từ Sài Gòn đi Bình Thuận, giá chỉ có 117.000 đồng/vé/giường nằm điều hòa. Tuy nhiên, giá mà https://vietnam-railxxx.com đang bán cho chặng trên là 23 USD/vé (gần 500.000 đồng). Cũng tại trang này, PV đặt vé ga Sài Gòn đi Đà Nẵng (giá ngành đường sắt chỉ 521.000 đồng/vé/giường nằm điều hòa) nhưng trang này lại bán với giá 68 USD/vé (khoảng 1,5 triệu đồng).
Một trang khác là https://www.vietnamrailxxx.net cũng bán chặng Sài Gòn – Đà Nẵng với giá dao động từ 47 USD - 70 USD. Trong khi ngành đường sắt chỉ bán trong khung giá 315.000 đồng – 521.000 đồng/vé. Hay trang http://cheapvietnamxxx.com đang bán vé đắt đỏ kiểu “cắt cổ”. Điển hình chặng Sài Gòn – Đà Nẵng, ngành đường sắt đang bán với giá 175.000 đồng – 279.000 đồng nhưng trang này lại bán với giá 31 USD – 41 USD (650.000 đồng – 850.000 đồng/vé). Không chỉ là vé tàu, hiện nay, vé máy bay cũng đang được các đối tượng “buôn gian bán lận” tìm cách giăng bẫy người tiêu dùng. Qua quá trình tìm hiểu, điều tra, PV đã biết được một số trang đang hoạt động kiểu này.
Điển hình như các trang: http://vietnamairxxx.travel, http://www.vietnam-airxxx.org, http://wwwvietnamairxxx.com, đều là các trang giả mạo bán vé máy bay của các hãng hàng không. Trên các trang này, người dùng truy cập vào cũng được hướng dẫn đặt vé máy bay như các trang chính thức của các hãng đang tồn tại trên internet. Điều đáng nói, các trang này cũng được thiết kế hoàn toàn bằng tiếng nước ngoài (chủ yếu là tiếng Anh). Về giá cả, các trang trên cũng bán cao hơn rất nhiều, chênh lệch từ 15 – 30%, thậm chí có trang còn “ăn” tới 50% so với giá vé mà các hãng chính thức đang chào bán.
Dù các trang web này đang tồn tại nhưng để tìm các thông tin liên hệ lại rất khó khăn. Điển hình như trang http://www.vietnamairxxx.com, để mục liên hệ (Contact us) là bắt buộc người dùng phải điền thông tin và gửi đi. Đây cũng là chiêu bài của hầu hết các trang web hoạt động kiểu này. PV ít thấy trang nào để địa chỉ liên lạc. Theo tìm hiểu, điều tra của PV, chỉ có một số trang có thể tìm được chủ thực sự, ví như https://www.vietnamrailxxx.net là của công ty du lịch D.V ở Hà Nội.
Hay như trang https://www.vietnamtrainxxx.com, PV tìm hiểu thì được biết, đây là trang của công ty TNHH V.N.T. Công ty này có một văn phòng đại diện tại quận 1, TP.HCM và chuyên book vé tàu cho khách nước ngoài. Thông tin trên website cũng chỉ sử dụng 2 ngôn ngữ đó là tiếng Anh và Pháp, không hề có một chữ tiếng Việt nào. Tương tự, các trang còn lại cũng chỉ sử dụng tiếng Anh, thậm chí, có trang còn sử dụng cả tiếng Tây Ban Nha, như trang http://cheapvietnamxxx.com.
Giăng bẫy khách ngoại
Một số trang khác tù mù thông tin nhưng thực chất đây đều là của các công ty, đại lý du lịch. Vì vậy, các trang này cũng ít khi bán vé cho người Việt. Nếu ai hỏi vé thì họ có thể vẫn bán nhưng thường là nghi ngờ, không bán. Mục đích họ tạo ra các trang này là nhằm giăng bẫy khách du lịch, người nước ngoài, những người có ít thông tin.
Ông Nguyễn Hùng Phát, Giám đốc một hãng lữ hành tại TP.HCM cho biết: “Thực chất, đây là các trang họ lập ra để cho khách du lịch nước ngoài tìm mua vé tàu, máy bay qua mạng. Vì hình thức đặt vé qua mạng là phổ biến ở nước ngoài và khách du lịch nước ngoài thường sử dụng hình thức này để đặt vé”.
Ông Phát phân tích thêm: “Tận dụng ưu thế đó, họ lập ra các trang này để bán vé cho du khách. Đương nhiên, du khách sẽ không am tường được bằng người bản địa. Hơn nữa, họ cũng không biết được đâu là trang chính thức của ngành đường sắt, hãng hàng không. Điều quan trọng với họ là làm sao dễ truy cập, dễ tìm kiếm các thông tin, dễ đặt vé là được, giá cả đối với họ thì không có cơ sở để so sánh. Các website này được khách nước ngoài lựa chọn rất nhiều”.
Theo quan sát của PV, đặc điểm giống nhau của các trang này là có tên miền “.com” hoặc “.net”, có thiết kế tương đối giống với trang của ngành đường sắt hay các hãng hàng không. Thêm vào đó, họ không để bất cứ công ty hay dịch vụ tên gì trên các trang này. Có trang để địa chỉ văn phòng còn có trang không có thông tin gì, chỉ có form đăng ký cho khách điền các thông tin cá nhân và gửi về cho họ. Việc báo giá cũng chỉ bằng ngoại tệ (USD là chủ yếu), không hề có đồng tiền Việt, giao dịch cũng bằng hình thức chuyển khoản.
Ông Nguyễn Văn Tấn, chủ đại lý chính thức của một hãng hàng không tại TP.HCM cho biết: “Đối với vé máy bay, nhiều người mất tiền oan khi giao cho các đại lý “mù”, từ các website lừa đảo. Theo đó, khi khách yêu cầu đặt vé, các đại lý này vẫn nhận bình thường. Sau khi tiến hành đặt chỗ xong, các đối tượng đề nghị khách hàng xác nhận thông tin vé từ hãng bay và các thông tin đều trùng khớp”.
Tuy nhiên, theo ông Tấn thì, lợi dụng chính sách vé có thể hoàn, trả của một số hãng, các đối tượng này đã yêu cầu trả, hoàn vé và lấy lại tiền, khi trong tay đã có toàn bộ thông tin của khách hàng. Chiêu thức này được các đại lý “mù”, trang web lừa đảo sử dụng nhiều đối với hạng vé thương gia hoặc phổ thông. Thậm chí, đối với các hãng bay giá rẻ, các đối tượng này cũng chịu “bỏ tép”, khi chấp nhận mất bao nhiêu phần trăm để “bắt cò”, lấy phần còn lại khi trả, hoàn vé.
Hãng hàng không Vietnam Airlines cũng cảnh báo, khi khách hàng mua vé trên các trang website giả mạo thì giá vé có thể cao hơn giá vé thực tế mà Vietnam Airlines đang bán. Hơn nữa, các website này không đảm bảo về các dịch vụ sau khi mua vé như: Hoàn, hủy hay đổi vé, thông báo thay đổi giờ hoặc lịch bay... và Vietnam Airlines sẽ không chịu trách nhiệm các vấn đề liên quan nếu như khách hàng mua vé tại các website này. Nguy hiểm nhất chính là khách hàng mua vé tại các website này có thể dẫn đến nguy cơ bị ăn cắp các thông tin cá nhân bao gồm cả thông tin thẻ tín dụng.
Đều là giả mạo Ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn khẳng định: “Những website nói trên bán vé tàu đều là g mạo. Những trang này có tên miền khá giống với trang website chính thức của ngành đường sắt. Nhưng về giá cả, họ bán cao gấp 4, 5 lần so với giá bán của ngành đường sắt đưa ra. Các webiste này đang gây ra hiểu nhầm cho hành khách, đặc biệt là hành khách người nước ngoài. Đồng thời, khi khách hàng mua vé tàu thông qua các trang này thì sẽ bị ảnh hưởng, thiệt hại khi họ bán với giá vé cao”. |