Nhân duyên trên đất khách
Thời gian du học ở Trung Quốc về chuyên ngành lịch sử khảo cổ hơn nửa thế kỷ trước, chàng thanh niên Việt Nam Đỗ Đình Truật đã được gặp vị giáo sư đáng kính - nhà ngôn ngữ, sử học, phong thủy học GS. Trần Văn Giáp (viện Viễn Đông bác cổ), lúc đó đã 60 tuổi. Cuộc hội ngộ của hai trái tim nặng tình dân tộc trên đất khách đã tạo bước ngoặt trong hướng suy nghĩ bấy lâu về triều đại nhà Hồ của chàng trai trẻ Đỗ Đình Truật. Chính GS. Trần Văn Giáp đã truyền lửa, mở hướng và thôi thúc bước chân ông lên đường đi tìm mộ vua Hồ Quý Ly.
Ông Đỗ Đình Truật cùng cộng sự trong những chuyến sang Trung Quốc tìm mộ vua Hồ Quý Ly
Ông Truật kể lại: "Những năm cuối thập niên 50 đầu 60, thầy Giáp là một trí thức được đông đảo giới khoa học Trung Quốc biết đến như là Quách Mạt Nhược (1892-1978, nhà khoa học nổi tiếng Trung Quốc) thứ hai. Ông dạy và làm việc cho nhiều trường và thư viện lớn ở các thành phố danh tiếng như: Bắc Kinh, Thượng Hải, Quế Lâm, Quảng Tây.
Thầy luôn đau đáu thổ lộ với tôi câu hỏi về dấu tích của những người Việt thời nhà Hồ bị bắt sang Trung Quốc. Đây cũng là vấn đề mà tôi luôn day dứt bấy lâu nay. Và thế là hai người, một chuyên về khảo cổ, một chuyên về ngôn ngữ học, lịch sử đã gặp nhau trên con đường đi tìm di mộ của vua Hồ".
Lúc đó, ông Truật chỉ biết sơ sơ về tiếng Trung Quốc, chứ không hiểu sâu về các văn bản, thư tịch cổ. Ở nhiều trung tâm lưu trữ nơi đây, những sử liệu liên quan đến triều đại Việt Nam rất nhiều. Nhưng để được vào những nơi này rất khó, trừ khi có người quen giới thiệu và dẫn đường. Nhờ uy tín của GS. Trần Văn Giáp, ông may mắn được theo chân vào những chốn này. Chính ông đã tiếp cận được rất nhiều tài liệu liên quan đến triều đại nhà Hồ và những triều đại khác của Việt Nam, chỉ tiếc rằng, lúc đó không có phương tiện để sao chụp lại.
Sau thời gian vừa học tập, làm việc và nghiên cứu, hai thầy trò đã có một số manh mối về nơi đoàn người xưa bị lưu đày. Theo sử liệu của nhà Minh ghi lại, Hồ Quý Ly bị đày đi lính, rồi mất tại vùng Quảng Tây, cùng một vài người thân, họ tộc. Xác định một số nơi nghi vấn, hai thầy trò đã cùng nhau tìm đến. Nhưng khi lần tìm tới, hóa ra không phải, cần phải xem lại vấn đề xác minh địa điểm. Thời gian này công việc tìm mộ của hai thầy trò cũng chỉ là tự nguyện, phải tự bỏ tiền túi và tranh thủ đi những lúc nhàn rỗi mà thôi.
Đầu năm 1966, cuộc cách mạng văn hóa Trung Quốc nổ ra, tình trạng đất nước hết sức hỗn loạn, vô chính phủ, người nước ngoài không thể trú chân. Tạm gác ý định dang dở, ông đành chia tay GS. Trần Văn Giáp và về nước, tham gia vào viện Khảo cổ học.
Về nước, vẫn làm công việc khảo cổ nhưng khi có thời gian ông lại sưu tầm, nghiên cứu và tập hợp tư liệu về họ Hồ. Những sử liệu của nước ta thì hầu như không có, vì sau khi nhà Hồ sụp đổ đã để lại một khoảng trống lịch sử, chẳng ai ghi chép, có chăng sau này sử liệu mới có một ít trang ghi lại cảnh đoàn người bất lực phận tù binh, ngậm ngùi bước qua ải Nam Quan (Lạng Sơn) mà thôi. Hơn nữa, sau khi bắt đoàn người đi, bọn giặc đã thâm độc thủ tiêu hết manh mối liên quan có thể, nên cứ liệu vốn ít lại càng thêm mù mờ. Tuy ở Việt Nam nhưng ông vẫn giữ liên lạc với GS. Trần Văn Giáp bên Trung Quốc để nhờ cung cấp sử liệu.
Những năm vừa làm khảo cổ, ông tranh thủ lần tìm đến những di tích lịch sử có liên quan với nhà Hồ. Như thành Tây Giai (thành nhà Hồ ngày nay), miếu ông Hồ Quý Công là cháu của Hồ Quý Ly sau cơn biến loạn đã thoát thân vào Quảng Ngãi. Gặp ai ông đều hỏi han, ghi chép cẩn thận, mong hướng đến khâu đầu tiên là giải mã được địa điểm người Việt bị đày.
Ông suy luận rằng, nếu đoàn người bị đày năm xưa bị giam ở tỉnh Quảng Tây thì việc trốn thoát, hay những thông tin liên quan không phải đến nỗi hiếm hoi như thế, vì Quảng Tây cách biên giới Việt Nam không quá xa. Chắc chắn là vùng đất hoang vu, xa xôi nào đó thì nhà Minh mới thực hiện được dã tâm giữ chân hàng vạn người Việt Nam (có tài liệu ghi là 16.000 người).
Cuối cùng, qua nhiều nguồn sử liệu, thu hẹp vùng tìm kiếm, ông chú ý đến một nơi trên bản đồ đại lục Trung Quốc - đó là Giang Tô, một vùng xa xôi thuộc miền Đông Bắc của phía Bắc Trung Quốc. Đây là nơi mà trong sử liệu có nhắc đến ngọn núi Lão Hổ Sơn ở thôn Kim Lăng, thuộc thành phố Nam Kinh là điểm đến của những đoàn người Việt bị lưu đày.
Ông Đỗ Đình Truật tại thành Nam Kinh
Gian nan đến Lão Hổ Sơn
Thế nhưng, mãi hàng chục năm sau, ý định đi tìm mộ Hồ Quý Ly của nhà khảo cổ Đỗ Đình Truật mới thực hiện được. Ông nhớ lại: "Không hiểu sao, từ khi xác định được địa điểm mới, tôi có lòng tin thật lạ, rằng không nơi nào khác ngoài vùng thôn Kim Lăng, cụ thể núi Lão Hổ Sơn là nơi đoàn người Việt năm xưa bị giặc Minh đày ải. Ý nghĩ cứ nung nấu và ngày càng mãnh liệt, đêm tôi thường gặp những giấc mơ thôi thúc. Cứ như ai đó thúc chân tôi lên đường, rồi mộng cho tôi biết, nếu không đi thì việc này còn chìm sâu vào những nốt thăng trầm của lịch sử".
Biết ông trót mang duyên nợ với vua Hồ Quý Ly, năm 2004, một số bạn hữu và người họ Hồ ủng hộ ít kinh phí, ông đã đáp chuyến bay thẳng đến Thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc). Hành trang là niềm tin và chiếc va ly nhỏ chứa những cứ liệu lịch sử quan trọng mà ông đã cất công hàng chục năm sưu tầm.
Những ngày tháng ở xứ người, bước chân của một nhà khảo cổ lão thành nặng tình với dân tộc dường như chưa bao giờ cô đơn. Ngay khi xuống sân bay Bắc Kinh, ông đã bất ngờ khi được một du học sinh Việt Nam ra đón. Hóa ra, biết ông sang Trung Quốc tìm mộ vua, người nhà cô gái đã liên hệ sang, nguyện dẫn đường và thuyết minh cho ông.
Trong dòng hồi ký, nhà khảo cổ Đỗ Đình Truật nhớ lại: "Đón tôi là một nữ sinh, cô này tự giới thiệu tên là Hồ Thị Thu Vân, hiện là sinh viên năm 3 của đại học Bắc Kinh. Lại là một cô gái họ Hồ, cô ấy hồ hởi dẫn đường và làm phiên dịch cho tôi". Vậy là chuyến hành trình của nhà khảo cổ lão thành đã bớt đi một phần khó khăn. Vì Thu Vân nói rất sõi tiếng Trung Quốc, biết nhiều thổ ngữ địa phương, rất tiện cho ông trao đổi thông tin, trong quá trình điền dã, tìm kiếm.
Cả hai bác cháu ngược xuống Thượng Hải. Trên chuyến tàu đi từ trung tâm thành phố Thượng Hải đến tỉnh Giang Tô, trong lòng nhà khảo cổ lão thành chất chứa bao tâm trạng. "Trên con tàu từ Thượng Hải đến Giang Tô sao mà nó xa vậy. Tàu lao đi vun vút, bỏ lại sau lưng bao nhiêu đồi núi vào thu, vàng như tranh vẽ. Tôi nhìn qua cửa kính với một tâm trạng bâng khuâng", ông Truật nhớ lại. Rồi dường như có sự dõi theo của tiền nhân vọng về từ quá khứ, trên chuyến tàu đông đảo ngược phía Bắc hôm ấy, đã diễn ra một cuộc gặp gỡ bất ngờ giữa hai bác cháu với một thanh niên cũng mang họ Hồ.
Ông Truật tiếp tục hồi tưởng lại: "Thấy chúng tôi, anh bạn ngồi đối diện tò mò hỏi, cô Thu Vân nhanh nhảu thay tôi đáp lại bằng thổ ngữ Giang Tô. Anh ta cho biết là công nhân khai khoáng, người mang họ Hồ, sống ở Giang Tô. Biết ý nguyện của chúng tôi, anh ấy đã lấy bút vẽ bản đồ hướng dẫn cách đi đến Giang Tô. Anh ấy còn nhiệt tình chỉ chi tiết cho chúng tôi đường đến thôn Kim Lăng, núi Lão Hổ Sơn. Tôi vui mừng chưa kịp cảm ơn thì anh đã xuống xe lẩn khuất phía sau dòng người. Lúc ấy, tôi có linh tính như chuyến đi của tôi có sự khơi nguồn của những người nhà Hồ, của vị vua vong quốc. Cuộc gặp ngắn ngủi với người thanh niên trên tàu ấy đã rút ngắn quãng đường tìm kiếm đối với hai người lạ lẫm trên xứ người. Và cũng thật lạ, những gì người thanh niên đã hướng dẫn, chỉ đường, những địa điểm đến giống như một sự sắp xếp ngẫu nhiên", ông Truật kể.
Rồi ông nhớ lại: "Khi đến thôn Kim Lăng, chúng tôi tìm đến một đồn công an trình bày ý nguyện đi tìm cha ông bị lưu lạc. Những vị công an xác nhận là có một vùng mộ hoang được cho là của người nước ngoài ở khu đồi mang tên là Lão Hổ Sơn cách đó không xa. Nghe vậy, chúng tôi hết sức vui mừng. Điều đặc biệt là khi biết chúng tôi từ phương xa đến đây tìm gốc gác của mình từ 600 năm trước, có người rất cảm động, bày tỏ sự khâm phục ý chí, tình yêu nòi giống của người Việt. Rồi cả công an địa phương cũng nguyện đưa xe chở chúng tôi đến Lão Hổ Sơn".
Vậy là ý nguyện nung nấu hàng chục năm qua sắp thành hiện thực, ông sắp được đặt chân xuống những vỉa đất mà ông tin rằng, những nắm xương người Việt đang bị lấp vùi ở đâu đó.
Kỳ Anh
(còn tiếp)