Những ngày đi tác nghiệp, chúng tôi đã gặp không ít giáo viên vùng cao cùng nhiều trăn trở với nghề. Ở những miền biên viễn như Pa Ủ (huyện Mường Tè, Lai Châu); hay Pu Sam Cáp, Noong Hẻo rồi đến Mùa Sì San, Nậm Thố,… nơi nào cũng khó khăn vất vả nhưng chúng tôi đi qua chưa một lần thấy vắng bóng giáo viên vùng cao. Ở những bản xa xôi trên khắp miền biên viễn, các thầy cô giáo vẫn đang hằng ngày ở nhà vách liếp, mái gianh, ăn cơm với cá khô, rau rừng để hoàn thành nhiệm vụ “gùi chữ ngược ngàn”.
Nơi ấy, các cô giáo, thầy giáo vẫn đang phải ăn uống kham khổ, thiếu thốn đủ bề. Đã vậy, học sinh còn chưa ý thức được tầm quan trọng của việc học: học sinh nam thì bỏ học đi nương, đốn củi, học sinh nữ thì bỏ học lấy chồng… là những khó khăn mà các thầy cô giáo phải từng bước vượt qua. Không ít người trong số họ phải chùn chân bỏ cuộc bởi sự khắc nghiệt của hoàn cảnh, của nghề, song phần lớn vẫn gắn bó một lòng với sự nghiệp cao cả ấy. Những khó khăn mà họ gặp phải chẳng sá gian nan, lòng yêu trò như con níu chân họ với bản nghèo.
Trong nỗi truân chuyên vất vả ấy, việc kiếm tìm hạnh phúc cho riêng mình cũng là những điều thầm kín khó sẻ chia. Sẽ chẳng có mấy hạnh phúc trong mơ khi giáo viên vùng cao lấy được anh biên phòng và cũng chẳng còn nhiều mối tình cổ tích giữa cuộc sống bộn bề khó khăn. Đâu đó vẫn còn có những cô giáo vùng cao mải mê đến lớp để tuổi thanh xuân qua trong vội vàng và tiếc nhớ. Những chấp nhận hi sinh và thiệt thòi để “gùi chữ lên non” và từ những điểm trường “vách liếp, mái gianh ấy”, đã có bao cuộc đời được đổi thay. Hạnh phúc của các thầy cô, chính là những thành quả như thế. Phần quà tri ân của các con chỉ là đóa hoa rừng, là vài chiếc bắp ngô, con gà, mớ rau,… Ngày nhà giáo Việt Nam đến với các thầy cô giáo vùng cao rất dung dị, mộc mạc nhưng không vì thế mà thiếu đi sự ấm áp, chân thành.Những câu chuyện chúng tôi từng nghe kể bên bếp lửa trên điểm trường, nơi mà những cơn lốc có thể cuốn bay mất ngôi trường đi bất cứ lúc nào. Có những đêm mưa gió lạnh, giữa điểm trường hoang vắng, thân nữ nhi như các cô phải nằm nép trong góc nhà để đề phòng lớp sập… Và chúng tôi còn được nghe nhiều câu chuyện về nỗi vất vả của các giáo viên trong những chuyến tác nghiệp đến vùng sâu, vùng xa của mình.
Sẽ chẳng thể so sánh được giữa giáo viên vùng cao và giáo viên miền biên viễn về đức hi sinh cho sự nghiệp trồng người. Thế nhưng, nhìn những ngày phố xá đang tràn ngập hoa và những lời chúc mừng tri ân của phụ huynh và học sinh với giáo viên nơi thành phố khiến không ít người chạnh lòng. Còn những ngày này, ở nơi nào đó trên những điểm trường vùng cao, việc sĩ số đủ, học sinh vang tiếng ê a ngọng nghịu giữa trập trùng núi non có lẽ là hạnh phúc lớn nhất với những cô giáo vùng cao. Hạnh phúc nhỏ chỉ cần có thế. Nghề giáo chưa bao giờ hết cao quý, và vẫn mãi là nghề cao quý nhất của những nghề cao quý.
Trần Phương
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả