Tấm lòng cũng có thể “mặc cả”?!
Cách đây không lâu, GS. Phạm Song, cựu Bộ trưởng bộ Y tế cho rằng: “Gốc rễ của phong bì chính là sự quá tải ở các bệnh viện tuyến trên. Muốn giải quyết tình trạng này thì phải xử lý từ gốc". Cũng không ít ý kiến cho rằng, sự quá tải tại một số bệnh viện đang “tạo mầm”... thương mại. Và, trong một số tình huống, các lãnh đạo bệnh viện dùng sự quá tải làm "vũ khí" che đậy cho những sai sót về chuyên môn?!
Thực tế, tại các bệnh viện tuyến trung ương, tình trạng bệnh nhân phải nằm ghép 3-4 người/giường là chuyện bình thường. Thế nhưng, khi thanh toán ra viện, mỗi người bệnh vẫn phải nộp đủ tiền/giường bệnh. Bệnh nhân nộp tiền để được vào viện nhưng chưa phải đã yên tâm nên phải nhanh chóng đi tìm bác sỹ để nhờ vả và không quên gửi bác sỹ chiếc phong bì cảm ơn. Y tá, điều dưỡng đến tiêm, thay băng, người nhà bệnh nhân cũng dúi vài chục nghìn đồng cho nhanh, cho nhẹ nhàng. Khi bệnh viện quá tải đến 200%- 250%, thì rõ ràng số bệnh nhân phải đến nhờ cậy bác sỹ là vô kể.
Mới đây, một người bệnh phản ánh đến đường dây nóng ngành y tế theo số điện thoại 0973.306.306 và email: duongdaynongyte@gmail.com về tình trạng nhân viên y tế bệnh viện K nhận hối lộ. Theo đó, trước khi mổ, bệnh nhân phải chuẩn bị phong bì lớn, ghi rõ số tiền cho bác sỹ mổ chính đến y tá phụ khi vào phòng mổ để chuyển đến cho nhân viên ca mổ đó.
Ông Đặng Văn Chính- Chánh thanh tra bộ Y tế.Ông Đặng Văn Chính- Chánh thanh tra bộ Y tế.
Bộ Y tế cho biết, bệnh viện K có Công văn số 1014/BVK-CV phản hồi về thông tin có tình trạng đưa hối lộ bác sỹ rất tinh vi tại bệnh viện (cơ sở 1, phố Quán Sứ, Hà Nội). Bệnh viện cho biết, đã lập tức liên lạc với số máy phản ánh do đường dây nóng cung cấp nhưng chưa liên lạc được để tìm hiểu thêm thông tin. Tuy nhiên, ngay sau đó bệnh viện đã tổ chức ngay cuộc họp khẩn gồm các Trưởng, phó khoa, điều dưỡng trưởng tất cả các khoa ngoại, khoa gây mê hồi sức. Bệnh viện yêu cầu các Trưởng khoa nghiêm túc rà soát tình hình trong khoa, rà soát toàn bộ quy trình đón bệnh nhân vào phòng mổ, tuyệt đối không để bệnh nhân mang phong bì vào phòng.
Cách đây không lâu, Bộ trưởng bộ Y tế cho biết, không cấm cán bộ y tế nhận quà sau điều trị, vì đấy là tấm lòng của bệnh nhân... Nói như vậy, trong một vài tình huống bác sỹ vẫn được nhận phong bì nhưng xem ra tấm lòng của bệnh nhân đôi khi lại bị mang ra... "mặc cả"?!
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thu Nga, cần thay đổi quan điểm, bệnh nhân phải cảm ơn thầy thuốc. Nếu cho phép bác sỹ nhận phong bì sau khi điều trị dễ nảy sinh tâm lý chờ đợi bệnh nhân cảm ơn. Tại sao bệnh nhân - khách hàng đem tiền đến cho bệnh viện, nuôi sống các bác sỹ mà họ lại phải cảm ơn? Tại sao bác sỹ không chủ động cảm ơn bệnh nhân?
Phạt nặng cũng rất khó "bắt được tận tay"
Nhiều người thừa nhận, việc đưa và nhận phong bì trong các bệnh viện đã trở thành thông lệ. Trước thực trạng này, Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế được ban hành nhằm tiến tới ngăn chặn và đẩy lùi nạn đưa- nhận phong bì tại các bệnh viện. Nhiều ý kiến cho rằng, việc áp dụng phạt đến 30 triệu đồng đối với hành vi đưa, nhận, môi giới hối lộ trong khám, chữa bệnh sẽ là "liều thuốc" chữa "bệnh phong bì".
Trao đổi với PV báo ĐS&PL, Ủy viên uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, bà Nguyễn Thị Khá cho rằng: “Hành vi nhận phong bì của bác sỹ trước đây đã được các lãnh đạo bệnh viện ra "lệnh cấm" và giờ cũng vẫn cấm. Nhưng quan trọng nhất là làm sao để người dân tự giác thì hay hơn. Còn vấn đề phạt thì cũng rất là khó bắt được. Chỉ có cách tổ chức, có người theo dõi thì may chăng mới bắt được quả tang bệnh nhân "lót tay" bác sỹ. Còn tự nhiên phát hiện, bắt thì cũng rất là khó".
Theo quan điểm của bà Khá, mức phạt quy định tại Nghị định 176 sẽ khiến nhiều bác sỹ sợ. Vì bệnh nhân nếu đưa phong bì cũng chỉ từ vài trăm đến tiền triệu nhưng mức phạt đến 30 triệu đồng là đủ sức răn đe. Tuy nhiên, người dân không khỏi băn khoăn là làm sao để bắt tận tay và phạt bác sỹ nhận phong bì từ đó chặn đứng nạn phong bì trong y tế? Mức phạt nhiều như vậy có thể hạn chế được phần nào nhưng người ta sẽ có cách này, cách khác, khéo léo, tinh vi hơn trong việc nhận phong bì.
“Tôi cho rằng, quan trọng và hiệu quả lâu dài là giáo dục tinh thần, y đức, thái độ phục vụ, mọi người phải tự giác. Tiếp theo là lương phải đủ đảm bảo cho cuộc sống của bác sỹ để họ yên tâm không nghĩ đến việc là phải “moi” chỗ này, “móc” chỗ nọ, "hành hạ” bệnh nhân để có tiền", bà Khá thẳng thắn nhìn nhận.
Phập phồng chờ... “khai đao”
Một ĐBQH khác cho rằng: “Mỗi người có một tinh thần, trách nhiệm, nhận thức khác nhau. Ngành y tế đã có những quy định chuẩn đạo đức, y đức nhưng tại sao người bác sỹ này thực hiện tốt, bác sỹ khác lại có hành động vòi vĩnh bệnh nhân? Điều đó cũng cần phải nhìn nhận lại. Nhưng thực tế, đôi khi nạn phong bì xuất phát từ phía người bệnh và người nhà bệnh nhân. Ai cũng muốn được trước người khác, muốn được ưu tiên hoặc cũng sợ nếu không đưa phong bì thì bác sỹ tỏ thái độ, “nặng tay” với bệnh nhân. Cứ với suy nghĩ như vậy thành ra chính người dân chủ động, tìm mọi cách đưa tiền cho bác sỹ. Giáo dục thầy thuốc cương quyết không nhận phong bì nhưng cũng phải giáo dục bệnh nhân đừng "tập" cho thầy thuốc thói quen nhận phong bì".
Trao đổi với PV, ông Đặng Văn Chính - Chánh thanh tra bộ Y tế nêu quan điểm: “Quy định phạt đã có, giờ dư luận trông chờ việc “mạnh tay” của các bệnh viện nói riêng và ngành y tế nói chung. Tuy nhiên, người bệnh phải có ý thức, thậm chí phát hiện giường bệnh bên cạnh đưa phong bì, hối lộ cho bác sỹ cũng phải phản ánh ngay. Không chỉ có nhà báo mà cả người dân cũng góp tay vào việc phát hiện, tố cáo việc này. Các đơn vị chức năng, lãnh đạo bệnh viện khi được phản ánh cần phải vào cuộc làm rõ, xử lý ngay để làm gương".
Thanh tra bộ Y tế sẽ tăng cường thanh kiểm tra tại các bệnh viện Ông Đặng Văn Chính- Chánh thanh tra bộ Y tế cho biết: “Bộ Y tế đã có cuộc họp liên quan đến vấn đề triển khai Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Thanh tra Bộ sẽ chỉ đạo thanh tra sở các tỉnh, thành phố đồng thời tiến hành thanh tra kiểm tra tại các bệnh viện nhằm xoá nạn phong bì, sách nhiễu bệnh nhân, người nhà bệnh nhân”. |
Đỗ Thơm