Nhận quả đắng vì nhắm mắt đưa chân 'ghép tình'

Nhận quả đắng vì nhắm mắt đưa chân 'ghép tình'

Thứ 5, 24/10/2013 09:53

Vì "quá lứa lỡ thì" hay đã qua một lần đò, nhiều phụ nữ đã nhắm mắt đưa chân tìm một người bạn đời để lấp đi những khoảng trống cuộc đời. Không đăng ký kết hôn, không nghi lễ cưới hỏi, chỉ cần một tấm ảnh cưới, đôi uyên ương coi như đã hoàn thành thủ tục về sống với nhau. Để rồi, họ phải tự dằn vặt mình với biết bao nỗi đau, sự thiệt thòi mà sự lựa chọn bột phát đã đưa lại.

Nước cờ cuối cùng

Chị Thảo là giảng viên của trường cao đẳng ở Hà Nam lên Hà Nội học cao học, ở trọ chung phòng với tôi mấy năm trước. Lúc đó, chị đã có chồng và đang mang thai tháng thứ 5. Mỗi buổi tối, thay vì "nấu cháo" điện thoại với chồng như các cặp vợ chồng sống xa nhau khác, chị tâm sự với tôi về cuộc sống hôn nhân nhàm chán. Mâu thuẫn với mẹ chồng, chồng ít quan tâm nên vợ chồng chị thường "bằng mặt", không ai mở lòng để nói ra những suy nghĩ của mình. Chị đau đớn nhận ra sự hời hợt của chồng khi đứa trẻ trong bụng ngày một lớn lên. Đêm nào chị cũng khóc nhưng vẫn cố gắng duy trì mối quan hệ với anh trong khi chị biết anh vẫn luôn chịu tác động của mẹ bắt chia tay với chị.

Và sau gần 6 năm gặp lại, vẫn gương mặt đau khổ đó, chị Thảo kể cho tôi câu chuyện khốn khó mình đang phải chịu đựng. Sau 2 năm cố gắng níu kéo tình cảm với chồng vì đứa con, chị vẫn phải ra tòa ly hôn vì không chịu được áp lực của mẹ chồng. Bà luôn gây khó dễ cho con dâu từ chuyện bát cơm đến từng câu nói. Dường như bà phủ nhận hoàn toàn sự có mặt của chị trong gia đình chồng. Trong hoàn cảnh ấy, bỗng dưng chị thành người thừa trong gia đình của chính mình. Qúa tủi hờn chị đành ký vào đơn ly hôn để lại đứa con trai hơn 1 tuổi cho chồng nuôi. Chị ra đi với vài bộ quần áo và sau một năm thì chuyển công tác ra Hà Nội.

Xã hội - Nhận quả đắng vì nhắm mắt đưa chân 'ghép tình'

Chị Thảo tại ngôi nhà của một người bạn.

Nỗi nhớ thương con không nguôi nhưng nguyện vọng chính đáng của người mẹ được về thăm con chị cũng không có. Bởi mỗi lần về, chị không thể bước qua cánh cổng nhà chồng để vào nhà với con. Trước hôm chị ra đi bà mẹ chồng đã nói: "Từ lúc này, cô sẽ không còn bổn phận gì trong gia đình này. Cô cũng không phải về thăm con vì chúng tôi sẽ không để cô nhìn thấy nó". Quả nhiên rất nhiều lần, chị về thăm con là mẹ chồng lại bế cháu bé vào trong nhà mặc cho lời kêu khóc cầu xin đến lạc cả giọng của chị.

Nỗi nhớ con quay quắt, đến nỗi chỉ cần bất giác nhìn cặp đôi nào dắt tay qua đường hay đứa trẻ con đang nô đùa trong công viên là chị lại giật mình khao khát để rồi sau đó lại vùi mặt vào gối khóc hết nước mắt.  

Để đối mặt với cuộc sống, chị quyết định tu chỉnh lại bản thân, chị ăn diện và cởi mở hơn với mọi người ở cơ quan. Gái 30, một con, chị Thảo nhanh chóng lọt vào sự chú ý của người đàn ông góa vợ cùng phòng. Lửa gầm rơm, hai người có tình cảm với nhau. Chị tâm sự: "Lúc đó, chị có cảm giác mình như người khát tình khi tiếp xúc với anh. Sự khao khát một mái ấm gia đình, có tiếng con trẻ đã khiến chị có những quyết định quá dễ dàng để bây giờ, khi mọi chuyện không được như ý, chị chỉ còn biết đổ cho "số phận".

Nỗi đau không biết ngỏ cùng ai

Chỉ sau nửa tháng nói chuyện qua lại với nhau, chị đã qua đêm với anh để thỏa mãn những suy nghĩ điên dại của mình. Giọng chị như nghẹn lại, chị bảo, lúc đó không còn nghĩ được gì mà dường như những khao khát về người đàn ông và những đứa con khiến chị như mê đi. Sau đó, chị cũng chiều ý anh về sống chung để tiện cho sinh hoạt của hai người. Anh không phải đưa đón nhiều và có điều kiện quan tâm, chăm sóc chị. Anh gạt mọi suy nghĩ ái ngại trước mọi người của chị bằng quan điểm: "Chúng mình đều là người có hoàn cảnh éo le và có học thức nên mọi người sẽ đồng cảm và chia sẻ". Chị tin theo và chấp nhận. Tiếp đó, chị lại càng yên tâm hơn khi anh thủ thỉ: "Hiện nay, những người có hoàn cảnh giống chúng ta tự ghép đôi về sống với nhau không phải là hiện tượng đặc biệt. Họ chỉ cần một tấm ảnh cưới về quê xin phép mọi người nhìn nhận là đủ. Họ thường đăng tải tấm ảnh lên trang mạng cá nhân để thông báo với bạn bè thân thiết là họ đã kết hợp với nhau theo kiểu mô hình gia đình. Thế là hoàn thành cho cuộc sống gia đình".

Anh đưa chị đi chụp tấm ảnh cưới để treo trong nhà, cũng là để minh chứng cho mối quan hệ của họ. Anh dẫn chị về nhà thưa chuyện với bố mẹ, xin phép bố mẹ chị cho anh chị sống với nhau. Anh cũng chỉ làm một mâm cơm nhỏ để hai bên gia đình biết nhau. Chuyện đăng ký kết hôn, bố mẹ chị có nhắc nhở thì anh cũng chỉ "vâng, dạ" cho xong. Anh nói với chị, khi nào có con, con đi học thì đăng ký kết hôn cũng chưa muộn. Một lần nữa chị lại ngoan ngoãn gật đầu.

Câu chuyện sẽ có cái kết đẹp với hiện tại anh chị có đứa con gái 2 tuổi rất kháu khỉnh. Nhưng nghiệt ngã thay, đúng lúc này chị phát hiện chồng có quan hệ với gái quán bar và có ý định bỏ mẹ con chị để đến với cô gái kia. Bây giờ, chị rơi vào trạng thái khủng hoảng khi phải đối diện với hàng loạt suy nghĩ: "Sẽ phải đăng ký giấy khai sinh cho con thế nào? Họ của con sẽ phải lấy họ nào? Sẽ thế nào khi sau này nó đi học? Bạn bè nó có dè bỉu nó không?...". Những ký ức đau khổ về đứa con đầu lại trở về. Chị như người điên dại, hoảng loạn tìm tới tôi để tìm kiếm câu trả lời của cuộc đời.

Chị dẫn tôi tới tiệm ảnh cưới, nơi chị đã chụp ảnh cưới với người chồng thứ hai trong hy vọng. Anh Hải Thanh, chủ tiệm ảnh cưới V.H.C ở gần Tây Hồ (Hà Nội) cho biết: "Từ năm trước đã có nhiều đôi đến đặt chụp một tấm ảnh cưới. Mới đầu, anh chỉ đoán là ảnh cưới của họ bị hỏng hoặc phai màu nên muốn chụp lại. Nhưng qua một số đồng nghiệp anh được biết đó là nhu cầu của những đôi "rổ rá cạp lại" thôi. Trong chuyện này, cũng có phần nào thông cảm cho họ nhưng cũng không thể không lo ngại cho những biến cố có thể xảy ra với mô hình gia đình mong manh như vậy".                              

Một liều ba bảy cũng liều

Quan điểm của anh là không có sự can thiệp của pháp luật thì không phải chịu bất cứ một sự ràng buộc nào. Theo đó, mọi áp lực về hai bên gia đình cũng giảm đi nhiều. Anh cho rằng tư tưởng thoải mái sẽ có nhiều động lực giúp hai người xây dựng hạnh phúc gia đình. Điều duy nhất họ phải khắc phục là quyền lợi của những đứa con sau này. Nhưng những người đã qua một lần đò như chị, hoặc quá lứa lỡ thì, họ chỉ cần có một đứa con thì gần như thỏa mãn mọi mong ước trong cuộc đời nên chị tặc lưỡi chấp nhận.  

Bình Minh

* Tên nhân vật đã thay đổi 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.