Thông tin trên vừa được sở Nội vụ TP.Đà Nẵng đưa ra trong cuộc họp báo mới đây. Theo đó, từ lâu nay tại TP.Đà Nẵng có Đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (Đề án 922) với mục đích dùng ngân sách tuyển chọn các sinh viên giỏi đưa đi đào tạo ở nước ngoài. Quy định đề án nêu rõ, các học viên phải làm việc cho địa phương ít nhất 7 năm. Tuy nhiên, đến nay, đã có nhiều học viên "dứt áo" ra đi.
Giám đốc Sở Nội Vụ TP.Đà Nẵng Võ Ngọc Đồng nhìn nhận, đây là một chủ trương tốt và thành quả nó mang lại đều không thể phủ nhận. Đề án đã đóng góp đáng kể về nguồn cán bộ có trình độ làm việc tại các sở ngành hiện nay. Cụ thể, đã có 460/616 học viên theo học đã được bố trí công tác tại các sở, ngành, trong đó có trên 50 người hiện giữ các chức vụ từ trưởng, phó phòng đến Phó giám đốc sở.
Tuy nhiên, đến nay bắt đầu xuất hiện hiện tượng học viên trong đề án xin nghỉ. Cụ thể, có 93 học viên xin rút khỏi đề án và được thành phố đồng ý với các lý do như đoàn tụ gia đình, giải quyết việc gia đình, muốn thay đổi công việc, do sức khỏe. Bên cạnh đó, có 47 học viên bị buộc ra khỏi đề án.
Lãnh đạo sở Nội vụ TP.Đà Nẵng cũng thông tin rằng, ngay khi biết các "nhân tài" xin ra khỏi đề án, cơ quan quản lý đều mời phụ huynh đến làm việc để tìm cách giải quyết các vướng mắc và động viên họ tiếp tục công tác. Nhiều trường hợp đã gắn bó trở lại, nhưng cũng không ít người "dứt áo". Từ đó, Đà Nẵng cũng thông báo cụ thể đến "nhân tài" và phụ huynh tất cả thủ tục, quy định liên quan việc bồi hoàn kinh phí trong trường hợp xin ra khỏi đề án...
Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc sở Nội vụ TP.Đà Nẵng nhìn nhận việc "nhân tài" ra đi có phần vì nhu cầu lương bổng, chế độ ở ngoài Nhà nước hấp dẫn hơn. TP.Đà Nẵng cũng đã cố gắng nhưng vẫn không đủ điều kiện tốt nhất để các học viên nguồn nhân lực chất lượng cao được tham gia công việc phù hợp do địa phương không thể ưu đãi biên chế, tiền lương. "Trước đây, Đà Nẵng có chính sách hỗ trợ thêm cho các học viên 1 triệu đồng/tháng/người. Tuy nhiên chính sách này trái với quy định hiện hành của Nhà nước nên đã phải dừng lại", ông Chiến thông tin.
Cũng theo ông Chiến, học viên xin ra khỏi đề án sẽ bị truy thu 50% kinh phí. Với các trường hợp bị buộc ra khỏi đề án thì phải bồi thường hoàn toàn kinh phí đào tạo. Đến nay, TP.Đà Nẵng đã khởi kiện hơn 30 người ra tòa án các cấp để yêu cầu bồi thường, hoàn trả lại kinh phí đã đầu tư.