Nhân tài quay lưng: Mấu chốt vẫn là “cơm áo gạo tiền”

Nhân tài quay lưng: Mấu chốt vẫn là “cơm áo gạo tiền”

Thứ 5, 27/12/2012 23:48

Nhiều chuyên gia cho rằng, mấu chốt để thu hút nhân tài vào các cơ quan hành chính là phải giải quyết vấn đề “cơm áo gạo tiền”.

Thực tế, ở Việt Nam, hầu như các công chức Nhà nước nhảy việc ra ngoài chứ hiếm khi có người bên ngoài vào làm việc cho cơ quan nhà nước. Điều này có thể được lý giải bằng nhiều lý do khác nhau nhưng chế độ đãi ngộ, môi trường làm việc, cách sử dụng người tài... của chúng ta còn quá nhiều vấn đề phải bàn.

Bất động sản - Nhân tài quay lưng: Mấu chốt vẫn là “cơm áo gạo tiền”

Ở nước ta, hầu như chỉ có cán bộ Ngân hàng Nhà nước ra làm cho các ngân hàng thương mại, còn chuyện số cán bộ ngân hàng Thương mại về đầu quân cho Ngân hàng Nhà nước là rất hiếm hoi. Đây cũng là một trong những lý do giải thích tại sao rất nhiều chế độ, chính sách mới được ban hành, thậm chí chưa kịp có hiệu lực đã phải sửa đổi, bổ sung do công chức thiếu kinh nghiệm thực tiễn. Chính vì vậy, vấn đề đặt ra là tại sao không xây dựng một đội ngũ công chức làm việc có hiệu quả và thu hút những người giỏi từ khu vực tư nhân về làm cho các cơ quan nhà nước.

Trao đổi với PV Người đưa tin, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc chia sẻ, ông thực sự buồn trước thực trạng các thủ khoa sau khi tốt nghiệp thường không thích làm việc ở cơ quan nhà nước. Ông cho rằng, môi trường làm việc ở nhà nước có nhiều bất cập so với môi trường làm việc bên ngoài. Chính vì vậy, nhiều người sau khi ra trường thường chọn một cơ quan tư nhân để làm việc, thậm chí ra nước ngoài làm để hưởng đồng lương cao, xứng đáng với năng lực bản thân.

“Qua tìm hiểu tôi thấy rằng, môi trường làm việc của nước ngoài hay chính những cơ quan tư nhân trong nước chế độ rất tốt. Họ coi trọng người làm việc và tạo điều kiện để họ phát huy khả năng làm việc tốt nhất. Còn ở Việt Nam lại là một nghịch lý khác, những người công chức thường nhàn rỗi, áp lực công việc thấp. Họ chỉ nghĩ làm việc Nhà nước là có quyền lực, cho “oai”. Thực tế, những người làm việc trong môi trường Nhà nước vẫn phải kiếm thêm những khoản thu nhập ngoài mới phát triển kinh tế được”.

Cùng trao đổi về vấn đề này, GS. NGND Nguyễn Lân Dũng cho biết, khi những công chức có năng lực rời bỏ cơ quan nhà nước vì đồng lương ít ỏi mới chỉ là một điều đáng buồn. Nếu họ phải rời bỏ công sở chỉ vì không có cơ hội cống hiến mới thực sự là một nguy cơ đáng báo động. Vậy thì phải đề cập đến vấn đề chính sách, môi trường làm việc của Nhà nước. Họ không trọng dụng người có năng lực, không cho người ta cơ hội khẳng định bản thân thì tất yếu họ sẽ có sự dịch chuyển lao động”.

ĐBQH Dương Trung Quốc phân tích, muốn cải cách triệt để nền hành chính, trước hết cần phải làm một cuộc cách mạng đối với đội ngũ công chức. Nếu không xử lý được vấn đề biên chế và không tạo ra được sự cạnh tranh lành mạnh, công bằng trong môi trường công chức thì sẽ chẳng bao giờ xử lý được vấn đề tiền lương. Khi mức lương tương xứng với hiệu quả công việc, chắc chắn công chức sẽ toàn tâm toàn ý và nỗ lực hết mình. Mặt khác, niềm tự hào khi được đứng trong hàng ngũ công chức và không phải chịu sức ép của chuyện cơm áo, gạo tiền sẽ góp phần làm giảm tình trạng tham nhũng, sách nhiễu.

TS Nguyễn Hữu Dũng (Viện khoa học Lao động và Xã hội) chia sẻ: Công chức là người làm công, ăn lương từ ngân sách nhà nước. Họ thực thi công vụ được phân công trong hệ thống hành chính nên lương của họ phải được trả theo vị trí công tác trên cơ sở tiêu chuẩn chức danh và hiệu quả làm việc. Hiện nay, nhiều công chức sống nhờ những khoản thu nhập ngoài lương là nhiều. Chính vì vậy, cần công nhận giá trị của sức lao động, tiền lương là giá cả của sức lao động, thì trong nền kinh tế thị trường, công chức có quyền đòi hỏi được trả lương đúng với giá trị sức lao động của họ.

Bên cạnh đó, phải nghiên cứu lại chức năng của các cơ quan nhà nước để giảm bớt biên chế. Lợi dụng sự ra đi hiện nay như là một trong những biện pháp “trời cho” để giảm số lượng công chức. Và lộ trình co dần của số lượng, quy mô của các cơ quan công quyền phải phù hợp với dòng ra đi của cán bộ. Và quan trọng là phải thay đổi chất lượng. Tức là thay vì để người giỏi đi thì để người kém đi, thay vì để người tốt đi thì để người xấu đi.

Tuân Đức


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.