Đất nước trải qua cuộc chiến tranh lâu dài và cực kỳ ác liệt, hàn gắn vết thương chiến tranh, những năm bao cấp và bước vào thời kỳ mở cửa và hội nhập, chúng ta đã xây dựng được đội ngũ trí thức với trên 1.000 GS và trên 7.000 PGS. Đội ngũ trí thức KH-CN chúng ta đã làm được nhiều việc cho đất nước, tuy còn nhiều mặt yếu.
Về mặt tâm lý, trong xã hội còn nặng nề tình trạng theo đuổi nền học khoa cử, quan trường, hư văn, hàn lâm (theo nghĩa xấu). Hơn nữa, điều kiện làm việc thiếu chế độ ưu đãi nhân tài nhiều khi thấy mà ngậm ngùi.
GS Viện sỹ Phạm Minh Hạc
Thực tế, một số địa phương làm được vấn đề đào tạo và thu hút nhân tài như Nghệ An, TP.HCM, Bình Dương là nơi nổi lên do có đội ngũ lãnh đạo có chính sách tốt trong việc thu hút người tài. Có năm, TP.HCM gửi 300 cán bộ đi đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ ở nước ngoài với chi phí rất cao. Sau khi trở về có bằng thì các tiến sỹ đó được mời vào biên chế, cấp nhà...
Tuy nhiên đó chỉ là số ít, còn tại một cuộc điều tra - khảo sát lấy ý kiến của đề tài này cho biết: Ở hầu hết các địa phương đều có chính sách thu hút trí thức về tỉnh, thành mình, có chương trình đào tạo, kể cả chi phí rất cao cho một khóa học ở nước ngoài nhưng thực tế trọng dụng không được bao nhiêu. Chính vì lẽ đó, có không ít người nghi vấn việc trải thảm đỏ vẫn mang tính hình thức?
Gần đây có 2 trường hợp một cử nhân tốt nghiệp loại giỏi của đại học Kinh tế Quốc dân bị từ chối không cho vào cơ quan nhà nước, đến khi có chủ tịch UBND can thiệp mới nhận. Hay trường hợp một em ở Bắc Ninh học đại học không được nhận nhưng một em có trình độ trung cấp thì nghiễm nhiên vào vị trí đó.
Và một thực tế khác, năm nào Hà Nội cũng tổ chức làm lễ Tuyên dương cho hàng trăm thủ khoa đại học nhưng sau đó chẳng mấy em trụ lại. Thậm chí có năm cả đội ngũ chỉ có 1 em vào được cơ quan Nhà nước.
Điều đó nói lên rằng, chúng ta không chỉ vinh danh theo hình thức. Bởi chỉ đề cao nhưng sau đó nhiều em không có việc làm, hoặc có nhưng lương rất thấp thì không nói nên điều gì. Có em tham gia khóa học ở nước ngoài hết 150.000 USD, nhưng khi về nước các em cũng chỉ làm một công việc văn phòng bình thường. Em nào cao lắm cũng chỉ làm phiên dịch tiếng Anh.
Tôi biết có trường hợp tốt nghiệp tiến sỹ ở Đức nhưng khi về Việt Nam làm ở cơ quan nhà nước mỗi tháng chỉ được 2 triệu đồng, trong khi một trường ở Singapo trả với mức lương là 50 triệu. Đào tạo như thế rất lãng phí, vô ích.
Vì vậy, cần phải có chính sách thu hút nhân tài, tiếp đó là môi trường hoạt động nghề nghiệp; và đặc biệt là thái độ của nhà quản lý phải thực sự trọng dụng nhân tài. Chẳng hạn với các tỉnh miền núi khó khăn như Hà Giang có thể có chính sách tốt nhưng họ lại không có môi trường hoạt động tốt để phục vụ cho chuyên môn. Điều đó nói lên thực tế không phải nơi nào cũng có đủ điều kiện đảm bảo cho người giỏi hành nghề. Phải cải tạo được môi trường tốt thì mới thu hút được người giỏi.
Tôi có 6 năm làm chủ tịch Hội đồng Chức danh GS Nhà nước, trong số hàng ngàn GS, PGS chỉ có 7% được trọng dụng ở những vị trí lãnh đạo, con số này không nhiều. Bởi thế, đằng sau chữ trọng dụng, tin dùng là một loạt chính sách, chế độ, như chính sách dùng người, chính sách phát triển giáo dục, phát triển khoa học rồi cụ thể như chế độ lương, điều kiện làm việc...
Tất nhiên, không theo bao cấp, hành chính, mà vận dụng linh hoạt cơ chế thị trường định hướng XHCN, như làm việc theo chế độ khoán sản phẩm, cho cạnh tranh, đặc biệt coi trọng hiệu quả. Gốc rễ của việc thay đổi các chính sách, chế độ này là làm sao có thái độ thực sự khoa học, khách quan đối với giáo dục và khoa học.
Hiền tài là nguyên khí quốc gia, chính vì thế việc sử dụng và thu hút người tài là hệ trọng với quốc gia, đất nước không có người giỏi, người tài thì đất nước không thể đi lên được.
Với đội ngũ có khả năng cao, có thể tạm gọi là tài năng, họ chính là đầu tầu. Đầu tàu mà yếu thì cả đoàn tàu cũng chậm!
Nguyệt Hà