Sau hàng chục năm gắn bó với rừng, vào cuối năm 2023, anh Trần Văn Đát và các thành viên Ban Quản lý rừng cộng đồng A Tin, xã Thượng Nhật, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã nhận được tiền bán tín chỉ carbon rừng được mọi người gọi vui là tiền “bán không khí”.
Theo anh Trần Văn Đát, ngoài tiền bán tín chỉ carbon rừng, Ban Quản lý rừng cộng đồng A Tin còn được nhận 50 triệu đồng để cho các thành viên vay, làm kinh tế từ rừng. Sau đó, anh Đát đã vay thêm 5 triệu đồng để mua cây giống, phân bón, trồng gần 3.000 cây keo trên hơn 1ha đất, nhờ đó mà cuộc sống có thêm thu nhập. Được biết, số tiền anh Đát cùng các thành viên Ban Quản lý rừng cộng đồng A Tin nhận là từ tiền giảm phát thải khí nhà kính năm 2023, do Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Thừa Thiên-Huế chi trả.
Ông Nguyễn Tất Tùng, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Thừa Thiên-Huế, tính đến thời điểm hiện tại đơn vị đã chi trả gần 35 tỷ đồng tiền giảm phát thải khí nhà kính năm 2023 cho người dân giữ rừng. Số tiền này xuất phát từ nguồn thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính Bắc Trung Bộ (ERPA) để thanh toán cho các chủ rừng, UBND cấp xã và các tổ chức khác được Nhà nước giao quản lý rừng tự nhiên. Cụ thể, hiện tỉnh Thừa Thiên-Huế thực hiện chi trả nguồn ERPA cho hơn 205.602ha rừng tự nhiên thông qua tài khoản ngân hàng hoặc dịch vụ bưu chính công ích đến 800 chủ rừng. Trong đó có 721 chủ rừng là cộng đồng, nhóm hộ, hộ gia đình, 11 chủ rừng tổ chức; 58 UBND xã và 10 tổ chức khác được giao quản lý rừng tự nhiên.
Ngoài ra, có 105 cộng đồng tham gia thoả thuận quản lý rừng với các chủ rừng tổ chức. Mỗi cộng đồng này được nhận khoán bảo vệ rừng 300 - 450 ngàn đồng/ha và nhận hỗ trợ phát triển sinh kế 50 triệu đồng/năm. Tính đến nay, diện tích rừng của địa phương này đã được chi trả tiền là gần 200.000ha (đạt 96%), tương đương số tiền 35 tỷ đồng.
Diện tích còn lại hiện đang được Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Thừa Thiên-Huế hướng dẫn hồ sơ, thủ tục để hoàn tất việc chi trả. Nỗ lực chi trả trên đã giúp tỉnh Thừa Thiên-Huế dẫn đầu trong 6 tỉnh được chọn thí điểm triển khai ERPA tại khu vực Bắc Trung Bộ. Ông Nguyễn Tất Tùng khẳng định, việc chi trả tiền được thực hiện minh bạch, kèm với việc hướng dẫn các chủ rừng sử dụng nguồn kinh phí này một cách hiệu quả.
Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Thừa Thiên-Huế chia sẻ thêm, nguồn tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng từ nguồn giảm phát thải sẽ là nguồn tài chính bổ sung quan trọng góp phần hỗ trợ các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng thôn/bản trên địa bàn tỉnh nâng cao đời sống, đảm bảo cuộc sống nhờ rừng, hỗ trợ tăng cường năng lực quản lý bảo vệ rừng và là nguồn tài chính hỗ trợ cấp thiết đầu tư các công trình, trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác bảo vệ rừng góp phần gia tăng hiệu quả giảm mất rừng, phát triển rừng bền vững.
Hiệu quả từ các nguồn thu dịch vụ môi trường rừng sẽ góp phần hỗ trợ, phát triển bền vững màu xanh của rừng và cuộc sống của cộng đồng.
Mới đây, 10,3 triệu tấn carbon dioxide giảm phát thải từ rừng, tương đương với 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng đầu tiên của Việt Nam, đã nhận được chi trả 80% tổng kinh phí, tương đương hơn 41 triệu USD. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tích cực đưa thêm nhiều diện tích rừng của Việt Nam tham gia vào thị trường giao dịch chuyển nhượng tín chỉ carbon, khi rừng Việt Nam được nhận định là còn nhiều tiềm năng cho thị trường này. Hơn 41 triệu USD từ bán tín chỉ carbon rừng đầu tiên mà Việt Nam nhận được là kết quả của thỏa thuận chi trả giảm phát thải 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ với Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD), gọi tắt là ERPA, ký kết năm 2020. Số tiền này sẽ được chuyển toàn bộ về các địa phương tham gia để chi trả cho các chủ rừng và cộng đồng quản lý bảo vệ và phát triển rừng, việc chuyển nhượng sẽ được thực hiện đến ngày 31/12/2025.
Để quy định cách thức các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình cộng đồng được hưởng lợi từ nguồn thu dịch vụ môi trường rừng giảm phát thải khí nhà kính từ ERPA này, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 107/2022/NĐ-CP ngày 28/12/2022 về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ. Đến nay, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam đã tiếp nhận số tiền thanh toán đợt 1 từ WB là 41,2 triệu USD (tương đương 997 tỷ đồng) và đã giải ngân chuyển về để chi trả cho các chủ rừng thuộc 6 tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ, trong đó có Thừa Thiên-Huế.
Lê Kông