Tin tức cập nhật cho thấy, thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra việc lãnh đạo chính quyền bị đe dọa bằng tin nhắn khiến dư luận xã hội có nhiều lo ngại.
Việc nhắn tin đe dọa chủ tịch tỉnh, chủ tịch xã do các đối tượng bị động chạm quyền lợi đang coi thường pháp luật hay chỉ là những biểu hiện ngông cuồng của kẻ yếu thế? PV báo Người Đưa Tin đã phỏng vấn ĐBQH Nguyễn Minh Đức, Ủy viên Thường trực ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội.
PV: Đối tượng nhắn tin đe dọa Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh cùng một số lãnh đạo (vì cương quyết không để khai thác cát trái phép trên địa bàn - PV) vừa bị khởi tố thì mới đây, Chủ tịch xã Hố Nai 3, Trảng Bom, Đồng Nai tiếp tục nhận tin nhắn từ sim rác “xin đôi mắt” hay cánh tay khi tổ chức ra quân kiểm tra, xử lý các hộ dân lấn chiếm hành lang đường sắt. Ông có suy nghĩ thế nào khi hành vi vi phạm pháp luật kiểu khủng bố các cấp lãnh đạo đang có xu hướng gia tăng?
ĐBQH Nguyễn Minh Đức: Xã hội ngày càng phát triển, việc kẻ xấu dùng công nghệ thông tin đe dọa lãnh đạo là điều không tránh khỏi. Cũng giống các hành vi vi phạm pháp luật khác, bất cứ đối tượng nào vi phạm sẽ bị pháp luật trừng trị.
PV: Cần có biện pháp mạnh tay hơn, xử lý triệt để, giúp người làm công tác công quyền yên tâm. Ý kiến của ông thế nào?
ĐBQH Nguyễn Minh Đức: Bất cứ mối quan hệ xã hội nào, các lực lượng chức năng đều đã có những biện pháp bảo vệ rất tốt. Nhưng cũng có việc không thể suốt ngày suốt đêm ngăn chặn, bảo vệ một cách toàn diện, từ đó nảy sinh một số vụ lãnh đạo nhận tin nhắn đe dọa như thời gian qua. Giống như việc va chạm ngoài xã hội dẫn đến đánh nhau, nhắn tin đe dọa là chuyện bình thường trong xã hội.
Tôi nghĩ rằng, công tác tuyên truyền phải được đẩy mạnh. Tuyên truyền làm sao để tất cả người dân có thể hiểu, mọi hành vi vi phạm pháp luật đều bị xử lý nghiêm minh. Đe dọa bằng tin nhắn hay gọi điện thoại từ sim rác với mục đích xấu, khủng bố, muốn giết người đều sẽ bị xử lý nếu thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm. Tôi chắc chắn không đối tượng nào có thể thoát được.
Càng dùng điện thoại - kể cả sim rác, càng không bao giờ thoát được. Bởi các cơ quan chức năng đều có biện pháp như định vị số điện thoại đang ở đâu, chủ nhân là ai. Thậm chí, nhắn tin ở nước ngoài cũng sẽ bị bắt. Do đó, tất cả các đối tượng hiện còn ý định đe dọa lãnh đạo bằng tin nhắn như vậy hãy chấm dứt và đừng có bất kỳ hành vi nào.
PV: Việc bị nhắn tin đe dọa sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của người đang công tác?
ĐBQH Nguyễn Minh Đức: Tôi nghĩ, các cán bộ, lãnh đạo không có điều gì phải lo sợ. Nếu có một tin nhắn hay cuộc gọi với nội dung đe dọa cần báo ngay cho lực lượng công an để nhận được sự hỗ trợ và bảo vệ kịp thời. Cơ quan công an có trách nhiệm bảo vệ, điều tra, ngăn chặn, bắt giữ các đối tượng. Tất nhiên, trong những thời điểm nhạy cảm như vậy, bản thân những vị lãnh đạo cần cảnh giác cao với mọi mối quan hệ, đi lại.
PV: Liên quan đến những lo ngại đối tượng tội phạm ngày càng tinh vi và lộng hành, coi thường luật pháp, cá nhân ông nhìn nhận vấn đề này thế nào?
ĐBQH Nguyễn Minh Đức: “Lộng hành” là một thuật ngữ tôi nghĩ không nên dùng trong các trường hợp này. Pháp luật, trật tự xã hội luôn trong tầm kiểm soát. Lực lượng công an, lực lượng bảo vệ pháp luật, hệ thống luật pháp là đầy đủ và đều có thiết chế bảo vệ tất cả mọi người. Bất kỳ một công dân nào cũng nằm trong sự an toàn.
Bởi thế, tôi thấy cần tuyên truyền mạnh các vụ việc đã được lực lượng công an xử lý để người dân có niềm tin vào pháp luật. Người dân hay công chức, cán bộ đều được bảo vệ một cách tuyệt đối. Những kẻ vi phạm pháp luật đều nhanh chóng bị xử lý.
Tôi muốn nhấn mạnh lại, tất cả những ai đang có ý định phạm tội dù bằng phương thức, thủ đoạn nào cũng đều trái pháp luật và sớm bị đưa ra ánh sáng, sẽ bị trừng trị. Càng là cán bộ, lãnh đạo, nếu làm đúng, càng không phải lo sợ. Vì nhân dân chính là hành lang bảo vệ quan trọng nhất, sống trong lòng nhân dân luôn được an toàn.
Tất cả những người đang làm cán bộ Nhà nước, thực thi đúng pháp luật, đấu tranh với cái sai trái, cái ác đều sẽ được nhân dân ủng hộ, bảo vệ. Người dân luôn tìm đến bảo vệ điều đúng, điều tốt, không bao giờ thờ ơ trước hành vi xấu.
Đối tượng xấu thường nghĩ đơn giản là dùng sim rác nhắn tin, gọi điện thì cơ quan chức năng sẽ không thể tìm được, nhưng dù thế nào cũng bị điều tra làm rõ. Công nghệ rất hiện đại, chỉ cần nhắn tin cũng có thể định vị. Nếu chạy trốn ra nước ngoài, chúng ta cũng có cách để bắt. Nhắn tin, gọi điện, dùng mạng xã hội đều sẽ bị phát hiện.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Dương Thu (thực hiện)