Bất động sản công nghiệp có tỉ lệ lấp đầy ổn định
Nhiều năm qua, bất động sản công nghiệp đang là một trong những phân khúc thu hút mạnh mẽ sự chú ý và đầu tư phát triển. Khác biệt với nhiều phân khúc khác, bất động sản công nghiệp vẫn duy trì được sức sống và ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ ở hầu hết các tỉnh thành trên cả nước.
Theo báo cáo mới nhất từ Viện Nghiên cứu kinh tế, tài chính và bất động sản Datxanh Services, bất động sản công nghiệp tiếp tục chiếm ưu thế lớn trong lĩnh vực này trong năm 2024. Cụ thể, nguồn cung bất động sản công nghiệp ghi nhận sự tăng trưởng ổn định, đặc biệt là tại khu vực phía Bắc, với tổng nguồn cung tăng 9% so với năm trước, đạt 15.800ha.
Tại khu vực phía Nam, nguồn cung bất động sản công nghiệp đạt 28.100ha, tăng 2% so với năm trước. Nhiều địa phương tiếp tục phê duyệt quy hoạch và chủ trương đầu tư cho các dự án mới, trong đó có không ít dự án có quy mô lớn hơn 100ha.
Tỉ lệ lấp đầy tại khu vực phía Bắc hiện đạt 82%, giảm nhẹ 1 điểm phần trăm so với năm trước, trong khi tại khu vực phía Nam, tỉ lệ lấp đầy duy trì ổn định ở mức khoảng 91%. Giá thuê bất động sản công nghiệp tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ, dao động từ 6%-8% theo năm. Mức giá trung bình đạt 132 USD/m² tại khu vực phía Bắc và 185 USD/m² tại khu vực phía Nam.
Trong cuộc trao đổi với PV, ông Lưu Quang Tiến, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế, tài chính và bất động sản Datxanh Services cho rằng, bất động sản công nghiệp đang trải qua một sự "chuyển mình" rõ rệt.
Quỹ đất khu công nghiệp ngày càng mở rộng, với sự phát triển đa dạng các loại hình như nhà xưởng xây sẵn, nhà kho xây sẵn, kho xưởng theo yêu cầu và kho lạnh.
Ông Tiến cũng cho rằng, bất động sản công nghiệp tiếp tục là lĩnh vực hấp dẫn thu hút vốn đầu tư, nhờ vào sự gia tăng mạnh mẽ dòng vốn FDI, đặc biệt là từ các ngành công nghệ cao như chế biến, điện tử, linh kiện ô tô, công nghệ xanh và chất bán dẫn.
Theo ông, thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam trong năm 2024 đang có nhiều dấu hiệu tích cực. Nguồn cung và giá thuê đều tăng, tỉ lệ lấp đầy cao, điều này cho thấy sự phát triển bền vững của thị trường.
Đặc biệt, theo quy hoạch, từ năm 2024 đến 2026, cả nước sẽ bổ sung khoảng 15.000ha đất công nghiệp mới từ 23 khu công nghiệp (7 khu ở miền Bắc, 6 khu ở miền Trung và 10 khu ở miền Nam), đây là tín hiệu tích cực cho nền kinh tế.
"Cú hích" từ dòng vốn FDI và những khu công nghiệp kiểu mẫu
Theo ghi nhận của Người Đưa Tin, trong năm 2024, thị trường bất động sản công nghiệp tại các tỉnh phía Nam rất sôi động, khi nhiều nhà đầu tư quốc tế đã đổ vốn vào xây dựng và phát triển các nhà xưởng, công trình sản xuất.
Cụ thể, tại Tp.HCM, tính đến đầu tháng 12/2024, tổng vốn đầu tư vào các khu chế xuất và công nghiệp đã đạt 491,7 triệu USD, vượt hơn 89,4% so với kế hoạch đề ra trong năm.
Dự kiến, trong năm 2025, khu công nghệ cao Tp.HCM sẽ khởi công 12 dự án, bao gồm 5 dự án đang trong quá trình quy hoạch tổng mặt bằng, 2 dự án đã hoàn thành thẩm định quy hoạch tổng mặt bằng, 1 dự án đã được phê duyệt đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500, và 4 dự án khác đang thực hiện điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500.
Ban quản lý khu công nghệ cao cũng đang đồng thời tiến hành các thủ tục đầu tư xây dựng và điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Bên cạnh đó, Tp.HCM cũng công bố Quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó bổ sung 2.465ha quỹ đất công nghiệp mới.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, trong 11 tháng của năm 2024, tỉnh đã thu hút hơn 1,8 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI), đạt 120% so với cùng kỳ năm 2023. Ước tính cả năm, tỉnh Bình Dương sẽ đạt trên 2 tỷ USD, vượt kế hoạch đề ra.
Tỉnh Bình Dương hiện là một trong những tỉnh đi đầu trong việc xây dựng các khu công nghiệp kiểu mẫu, nhờ đó thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư lớn, như Tập đoàn Giant và Tập đoàn Lego, đến đầu tư và sản xuất.
Chia sẻ với PV, ông Giang Quốc Dũng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp CTCP (Becamex IDC), cho biết: "Hiện nay, với hạ tầng giao thông phát triển nhanh chóng, nhiều khu công nghiệp cũng được xây dựng để thu hút các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, các khu công nghiệp ngày càng được quy hoạch bài bản, hướng đến phát triển công nghiệp đô thị dịch vụ, xanh, ứng dụng công nghệ cao và thân thiện với môi trường. Các nhà đầu tư cũng được lựa chọn kỹ càng hơn, không chỉ để phát triển kinh tế mà còn phải đáp ứng các tiêu chuẩn chung và hướng đến mục tiêu "net zero"".
Ông Lưu Quang Tiến, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế, tài chính và bất động sản Datxanh Services, nhận định rằng năm 2024 chứng kiến sự dịch chuyển của các chủ đầu tư từ lĩnh vực bất động sản nhà ở sang bất động sản công nghiệp, bao gồm cả các chủ đầu tư trong và ngoài nước.
Chính sách chuyển đổi quy hoạch các khu công nghiệp theo hướng phát triển xanh, ứng dụng công nghệ cao và thân thiện với môi trường đang được chú trọng hơn, nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn chung và hướng đến mục tiêu "net zero" của Việt Nam vào năm 2050.
Dự báo về thị trường bất động sản công nghiệp trong năm 2025, ông Tiến nhận định, nguồn cung sẽ tăng nhẹ từ 2% đến 5%, nhờ vào các dự án đã được phê duyệt và đang triển khai xây dựng, dự kiến sẽ đi vào hoạt động.
Bất động sản công nghiệp tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong năm 2025, nhờ vào dòng vốn mạnh mẽ từ các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là trong bối cảnh xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, nhằm giảm thiểu rủi ro từ các cuộc xung đột thương mại quốc tế.
Giá thuê dự báo sẽ tiếp tục tăng nhẹ từ 1% đến 2% hàng năm, do nguồn cung còn hạn chế so với nhu cầu. Khu vực phía Bắc có mức giá thuê cạnh tranh hơn, trong khi tỉ lệ lấp đầy ở các khu công nghiệp duy trì ổn định ở mức cao, đạt 83% ở miền Bắc và 92% ở miền Nam, với tỉ lệ tăng trưởng khoảng 1 điểm phần trăm mỗi năm.
Xu hướng bất động sản công nghiệp trong tương lai
Các loại hình, mô hình khu công nghiệp (KCN) mới cũng bắt đầu xuất hiện nhiều hơn để đáp ứng được các tiêu chí ngày càng khắt khe hơn của các khách thuê quốc tế, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao.
Thương mại điện tử tiếp tục phát triển nhanh tại Việt Nam dẫn đến xu hướng phát triển mạnh của các loại hình Bất động sản logistic, Data center, nhà kho dịch vụ, RBW (Ready-built warehouse)…
Xuất hiện nhiều hơn các loại hình KCN xanh, KCN sinh thái, hài hòa với cảnh quan, môi trường tự nhiên, KCN linh hoạt chuyển đổi giữa nhà kho và nhà máy, RBF (Ready-built factory), nhà xưởng xây theo yêu cầu…
Thị trường M&A kỳ vọng sẽ sôi động hơn khi Luật Đất đai 2024 mở rộng về đối tượng được tham gia đầu tư, chuyển nhượng Bất động sản công nghiệp.
Phùng Sơn