Để trở thành một nhân viên chạy bàn chuyên nghiệp, những người theo nghề phải trải qua một quá trình khổ luyện lâu dài. Ngay cả tại những quán bình dân, họ cũng phải mất 1-2 tuần học việc rồi mới trở thành nhân viên chính thức.
Trò chuyện với PV báo Người Đưa Tin, Quang Anh (20 tuổi, Thanh Hóa) chia sẻ: “Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, tôi vừa học vừa tìm việc làm thêm. Được bạn bè giới thiệu, tôi xin làm chạy bàn cho một quán ăn Hàn Quốc. Nói chung, để được nhận chính thức vào đây, tôi phải trải qua một lớp đào tạo kỹ năng. Chi phí học hành ban đầu, đều do tôi chi trả. Vì thế, áp lực để theo đuổi được việc là rất lớn. Nếu mình trượt coi như chi phí học hành trở thành muối bỏ bể”.
Cũng bởi sự nỗ lực, Quang Anh đã trở thành nhân viên chạy bàn chính thức với đồng lương 7 triệu đồng/tháng. Dù thế, áp lực công việc đôi khi khiến cậu sinh viên trẻ muốn bỏ cuộc: “Thời gian đầu, do chưa quen việc và phải đứng thường xuyên khiến tôi ê ẩm cả mình mẩy. Đôi khi, tôi chỉ muốn ngồi xuống nghỉ ngơi, nhưng vừa quay lưng đã bị quản lý gọi đưa đồ cho khách. Có hôm, đêm ngủ đau chân quá, tôi phải dậy lấy đá chườm để chân đỡ nhức mỏi”.
Dần dần, Quang Anh quen với công việc, tuy nhiên, để được tăng lương, chàng sinh viên phải nỗ lực gấp đôi. Thậm chí, nhiều hôm Quang Anh phải ở lại để học hỏi kinh nghiệm từ các anh chị đi trước.
“Ở chỗ tôi làm, khách chủ yếu là người Hàn Quốc, do đó việc bất đồng về ngôn ngữ nhiều lúc khiến tôi bối rối vô cùng. Có lúc, khách gọi mỳ lạnh, tôi lại ghi là mỳ sốt,... bởi vậy, nhiều hôm tôi bị anh chị chủ cửa hàng phê bình nghiêm khắc. Dù thế, tôi không dám lơ là, bởi vì đây là chỗ làm trả lương cao nhất trong số những cửa hàng tôi từng tham khảo. Các anh chị tôi quen, có người làm tới 4-5 năm ở đây”, Quang Anh kể.
Trái ngược với hoàn cảnh Quang Anh, cô gái Thanh Thảo (Lạng Sơn) hiện đang học trường đại học Lao động- Xã hội là một sinh viên có hoàn cảnh gia đình khá giả nhưng với tính cách độc lập, thích trải nghiệm, Thanh Thảo đã xin làm chạy bàn cho một nhà hàng hải sản. Mới đầu rất hào hứng, nhưng làm được 1 tháng cô mới vỡ lẽ, kiếm tiền thực không dễ dàng...
Thanh Thảo kể: “Thực ra, nói làm chạy bàn, nhưng tôi phải kiêm cả ship hàng, order, phụ bếp... Vì thế, công việc không hề đơn giản. Có những hôm khách đông làm tới hơn 11h đêm mới về. Nói chung, nếu đã đi làm thì xác định không có thời gian nghỉ ngơi nữa”.
Cũng theo Thanh Thảo, làm việc tại các nhà hàng thực khách đông con trai, với uống nhiều bia rượu, không tránh khỏi những tình huống nhạy cảm, nhiều khi còn bị khách trêu đùa, có thái độ khiếm nhã.
Thanh Thảo tâm sự: “Thực khách đến quán chủ yếu là nam giới, bị trêu đùa là chuyện bình thường. Bản thân tôi không ít lần bị khách chèo kéo bắt ngồi rót bia uống cùng. Có nhiều khách, khi say không kiểm soát được bản thân còn có hành động sàm sỡ. Tôi phản ứng lại thì họ chửi bới, nói năng tục tĩu, khi đó tôi chỉ biết cách tránh đi... Dù thế, có những vị khách “lầy” vẫn cố chạy theo bắt bẻ bằng được thì thôi”.
Cũng theo Thanh Thảo, vì có hình thức ưa nhìn nên cô lọt vào tầm ngắm của một gã đàn ông đã có vợ. Từ ngày biết Thảo, gần như hôm nào anh ta cũng ra nhà hàng uống bia, có hôm gọi cả bạn bè đi cùng, thi thoảng còn đùa: “Đây là người yêu tao đấy”. Chính vì trò đùa tai quái đó, mà Thảo bị vợ của anh ta tìm đến dọa dẫm. May cho Thảo, các đồng nghiệp của cô đã khéo léo giải thích giúp cô nên cô thoát khỏi trận đánh ghen nhớ đời.
Chưa dừng lại ở chuyện tai bay vạ gió, có lần Thảo còn bị vạ lây khi hai khách say xỉn lao vào đánh nhau ầm ĩ. “Hôm đó, hai vị khách bất đồng rồi dùng chai bia dọa đánh nhau. Tuy nhiên, không ai khuyên nhủ được họ, kể cả bạn bè đi cùng. Sau khi đập vỡ chai bia, một vị khách bỏ đi. Tôi đứng gần đó, chẳng may bị xô ngã, trượt chân giẫm vào mảnh chai đang nằm vương trên sàn nhà”, Thanh Thảo nhớ lại.
Sau hôm đó, Thanh Thảo phải nghỉ một tuần ở nhà. Cũng theo cô, việc đi làm thêm không phải vì áp lực kinh tế mà vì cô muốn trải nghiệm. Vì thế, cô vẫn luôn nỗ lực để làm tốt công việc của mình.
(Còn nữa)
Nguyễn Lâm- Vân Anh