Người giúp AIC "nâng khống" giá thiết bị
Như tin đã đưa, sau khi được nhận được các dự án đấu thầu tại Trung tâm Công nghệ sinh học (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tp.HCM), Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) đã chỉ đạo cấp dưới nâng khống giá thiết bị để đảm bảo lợi nhuận 40% cho công ty.
Xem thêm: Tiếp tục truy tố vụ AIC, vì sao Phan Quốc Việt thoát tội?
Người “thân tín” được giao nhiệm vụ đó là Trần Đăng Tấn (SN 1975, quê Hoà Bình), Tấn giữ chức Trưởng văn phòng đại diện Công ty AIC tại Tp.Hồ Chí Minh.
Thực hiện theo chỉ đạo của Nhàn, Trần Đăng Tấn đã liên hệ với Dương Hoa Xô, cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học và giám đốc Trung tâm này sau đó là Nguyễn Đăng Quân để lập lại danh mục, nâng khống giá các thiết bị của Dự án tại các gói thầu.
Quá trình đấu thầu, Trần Đăng Tấn đã chỉ đạo Lê Thị Kim Sang và một số viên Công ty AIC nộp hồ sơ dự thầu thay cho các Công ty “quân xanh” tham gia dự thầu để Công ty AIC, Công ty Mopha trúng các gói thầu của Dự án.
Cáo trạng cho biết, bị can Tấn đã bỏ trốn ra nước ngoài, Cơ quan điều tra đã ra lệnh truy nã nhưng không có kết quả. Tuy nhiên, căn cứ vào lời khai của Dương Hoa Xô, Nguyễn Đăng Quân và các nhân viên Công ty AIC cùng các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án, có đủ cơ sở xác định Trần Đăng Tấn đã giúp sức tích cực cho Nguyễn Thị Thanh Nhàn.
Tấn đã chỉ đạo nhân viên cấp dưới liên hệ, phối hợp với Chủ đầu tư thực hiện các hành vi thông thầu giúp Công ty AIC và các Công ty do Công ty AIC chỉ định, cho tham gia đấu thầu, trúng 8 gói thầu, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 94 tỷ đồng.
Ngoài ra, Trần Đăng Tấn còn bị cáo buộc thực hiện hành vi bị cấm trong đấu thầu là đưa hối lộ cho đại diện Chủ đầu tư để được tạo điều kiện trúng thầu.
Nhân viên được "dựng lên" Tổng giám đốc
Bị can Đỗ Vân Trường (SN 1980, quê Phú Thọ) Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mopha (Công ty Mopha) do Nguyễn Thị Thanh Nhàn thành lập và trực tiếp quản lý, điều hành, giao nhân viên các phòng, ban thuộc Công ty AIC đứng tên đại diện pháp luật và bố trí người nhà đứng tên cổ đông.
Tại thời điểm đấu thầu, Đỗ Vân Trường vốn chỉ là nhân viên thuộc Ban 6 của Công ty AIC, nhưng đã được Nguyễn Thị Thanh Nhàn giao đứng tên làm Tổng giám đốc Công ty Mopha. Theo chỉ đạo của Nhàn, Trường đại diện Công ty Mopha ký HSDT (với danh thiết bị, đơn giá đã được Công ty AIC thoả thuận, thống nhất với Trung tâm Công nghệ sinh học), để tham gia đấu thầu và trúng thầu 2 Gói thầu của Dự án.
"Đỗ Vân Trường đã bỏ trốn ra nước ngoài, Cơ quan điều tra đã ra lệnh truy nã nhưng không có kết quả. Tuy nhiên, căn cứ kết quả điều tra, hồ sơ tài liệu thu thập, lời khai của Lê Thị Kim Sang, Nguyễn Chí Văn và Kết luận giám định chữ ký của Đỗ Vân Trường, đủ cơ sở kết luận Đỗ Vân Trường đã giúp sức cho Nhàn thực hiện hành vi thông thầu qua việc ký HSDT của Công ty Mopha để trúng 2 gói thầu, gây thiệt hại cho Nhà nước 17 tỷ đồng", cáo trạng nêu.
Cùng với Nguyễn Thị Thanh Nhàn đang bỏ trốn còn còn Trần Mạnh Hà (SN 1971, tại Ninh Bình) là Phó Tổng Giám đốc Công ty AIC.
Tại bản án hình sự sơ thẩm ngày 4/1/2023, của TAND Tp. Hà Nội và Bản án hình sự phúc thẩm ngày 24/5/2023 của TAND cấp cao tại Hà Nội xử phạt Trần Mạnh Hà 13 năm tù về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, 12 năm tù về tội “Đưa hối lộ”; tổng hợp hình phạt là 25 năm tù.
Như vậy, trong số 4 bị can được xác định bỏ trốn trong vụ án Trung tâm Công nghệ sinh học đều thuộc nhóm người của AIC.
Để đảm bảo giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật, Viện kiểm sát nhân dân tối cao yêu cầu 4 bị can đang bỏ trốn đến Cơ quan Công an hoặc Viện kiểm sát nhân dân nơi gần nhất đầu thú, hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước và thực hiện quyền bào chữa theo quy định. Nếu tiếp tục bỏ trốn, Viện kiểm sát nhân dân tối cao coi đó là từ bỏ quyền bào chữa và bị truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật.