Nhân viên thu phí bị đánh: Hậu quả của phí chồng phí?

Nhân viên thu phí bị đánh: Hậu quả của phí chồng phí?

Chủ nhật, 12/05/2013 14:19

Giám đốc đơn vị quản lý trạm thu phí cầu Bãi Cháy đã xin từ chức vì áp lực thu phí và bảo vệ nhân viên. Ông này cho biết "khi mua quyền khai thác, chúng tôi vay toàn bộ ngân hàng, giờ vẫn còn nợ tiền gốc 180 tỉ đồng, tiền lãi 99 tỉ đồng" trong khi đó hàng ngày có đến 70 - 80% các chủ phương tiện khi qua cầu Bãi Cháy có thắc mắc tại sao khi có quyết định ngừng thu phí rồi mà trạm thu phí ở đây vẫn thu vé?

Đổ máu vì... phí

Trong mấy ngày gần đây, dư luận đang xôn xao quanh vụ nữ nhân viên thu phí bị đánh dã man tại trạm thu phí cầu Bãi Cháy (Quảng Ninh) và phải đưa đi cấp cứu trong tình trạng bị đa chấn thương. Theo thông tin từ công an TP. Hạ Long tỉnh Quảng Ninh, ngày 5/5 cả 4 đối tượng tham gia hành hung nữ nhân viên Nguyễn Thị Thoa của trạm thu phí cầu Bãi Cháy vào chiều 28/4 đã tự động đến công an trình diện và xin bồi thường cho người bị hại. Cụ thể danh tính của 4 đối tượng này là Bùi Quân Nam (30 tuổi, phường Giếng Đáy, TP. Hạ Long); Nguyễn Văn Hùng (32 tuổi, tổ 7, khu 3, thị trấn Trới, huyện Hoành Bồ); Nguyễn Thái Bình (41 tuổi, tổ 3, khu 9, phường Hồng Hà, TP. Hạ Long) và Đinh Phương Quỳnh (38 tuổi, phường Bạch Đằng, TP. Hạ Long).

Theo tài liệu của cơ quan điều tra, chiều 28/4, chị Nguyễn Thị Thoa được phân công làm nhiệm vụ bán vé và kiểm soát vé tại trạm thu phí phụ cầu Bãi Cháy thuộc khu 1, phường Bãi Cháy, TP. Hạ Long. Khoảng 14h, xe ô tô Mezcedes- Benz mang biển kiểm soát 19L-4036 đi hướng từ Hòn Gai về Bãi Cháy qua trạm thu phí không mua vé qua trạm, trái lại còn bấm còi inh ỏi.  Chị Thoa giải thích rằng tất cả các xe đi qua đều phải mua vé mới mở barie cho đi qua. Tuy nhiên, người lái xe nói rằng, đã nộp phí bảo trì đường bộ rồi nên không mua.

Hai bên đã xảy ra tranh cãi, chửi bới, bất ngờ 4 người đàn ông ngồi trên xe ô tô cầm hung khí lao vào hành hung chị Thoa và ẩu đả với nhân viên của trạm thu phí Bãi Cháy. Không dừng lại ở đó, 4 người này còn đập phá bốt thu phí cầu Bãi Cháy, sau đó mở thanh chắn đường rồi phóng xe đi.

Xã hội - Nhân viên thu phí bị đánh: Hậu quả của phí chồng phí?

Cảnh đánh nhau ở trạm thu phí cầu Bãi Cháy

Được biết, để tránh tình trạng phí chồng phí, Bộ GTVT đã có phương án giải tỏa và sắp xếp lại các trạm thu phí để trình lên Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, bộ GTVT sẽ dừng thu, xóa bỏ các trạm thu phí sử dụng đường bộ nộp ngân sách Nhà nước và trạm thu phí trả nợ vay. Các trạm thu phí khác (trừ các trạm thu phí hoàn vốn các dự án BOT) bộ GTVT chủ trì, phối hợp với bộ Tài chính và các cơ quan liên quan xử lý trong tháng 1/2013, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền. Phương án này đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý.

Hiện nay cả nước có 57 trạm thu phí, trong đó có 19 trạm thu phí của Nhà nước đầu tư thì cả 19 trạm thu phí đã dừng việc thu phí từ ngày 1/1/2013. Các trạm thu phí còn lại gồm các trạm đã được chuyển giao quyền cho doanh nghiệp, cho các nhà đầu tư tư nhân và các trạm thu phí hoàn vốn các dự án BOT, bộ GTVT lại đưa ra những đề xuất xử lý rất khác nhau, thậm chí là trái ngược nhau.

Từ chức vì áp lực thu hồi

Được biết việc thắc mắc, khó chịu ở trạm thu phí Bãi Cháy cũng không phải là trường hợp hiếm gặp. Ông Trịnh Quang Thông - giám đốc Chi nhánh công ty CP An Sinh, đơn vị quản lý trạm thu phí cầu Bãi Cháy  cho biết: "BOT thu phí trạm Bãi Cháy - Quảng Ninh được thực hiện theo hợp đồng số 27/HĐ-CĐBVN giữa cục Đường bộ Việt Nam (nay là tổng cục Đường bộ Việt Nam) và công ty CP An Sinh. Công ty này được giao quản lý và khai thác trạm thu phí Bãi Cháy - Quảng Ninh trong vòng 5 năm (từ 1/1/2010) với giá trị hợp đồng 332 tỷ đồng. Tuy nhiên, do thực hiện việc thu phí bảo trì đường bộ nên trạm thu phí này nằm trong diện dừng hoạt động từ năm 2013. Sau khi áp dụng thu phí quỹ Bảo trì đường bộ, một số bộ, ngành đã làm việc với công ty để đàm phán mua lại trạm này, nhưng đến nay vẫn chưa có quyết định cuối cùng".

Ông Thông cũng cho hay: "Có đến 70 - 80% các chủ phương tiện khi qua cầu Bãi Cháy có thắc mắc tại sao khi có quyết định ngừng thu phí rồi mà trạm thu phí ở đây vẫn thu vé... Đơn vị chúng tôi vẫn chưa nhận quyết định chính thức nào bằng văn bản của Bộ GTVT gửi xuống yêu cầu dừng việc thu phí nên chúng tôi vẫn tiếp tục hoạt động. Chính vì thế đã gây nên sự bức xúc cho các chủ phương tiện khi qua đây mà vẫn phải nộp phí...".

Được biết sau nhiều ngày bị người đi đường phàn nàn và nhất là sau việc nhân viên bị đánh hội đồng, ông Thông đã viết đơn xin từ chức bởi áp lực phải hoàn thành chỉ tiêu thu vốn cho công ty, trong khi đồng thời phải đảm bảo an toàn cho thuộc cấp của mình.

Trước sự việc ông Thông xin từ chức, trao đổi với PV, ông Hoàng Quyết Tiến - chủ tịch HĐQT công ty CP An Sinh (đơn vị quản lý trạm thu phí cầu Bãi Cháy) cho hay, ngay sau khi nhận được thông tin ông Trịnh Quang Thông, GĐ công ty An Sinh chi nhánh tại Quảng Ninh xin từ chức, phía công ty cũng chưa có kế hoạch hay phương án nào để thay thế. "Trước mắt chỉ còn biết động viên anh em tiếp tục làm việc, nếu không tình hình sẽ rất căng cho doanh nghiệp", ông Tiến cho hay.

Trao đổi với PV, đại diện Bộ GTVT cho biết, đến nay Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT chưa có văn bản nào chỉ đạo về việc dừng thu tại các trạm thu phí nói trên. Ngày 2/4/2013, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý Bộ GTVT phối hợp với bộ Tài chính đàm phán thống nhất với nhà đầu tư về phương án tài chính, nguồn vốn mua lại và thời điểm dừng thu đối với trạm Bãi Cháy (QL18). Theo đề nghị của bộ GTVT, ngày 2/5, Văn phòng Chính phủ cũng đã có văn bản gửi bộ Kế hoạch Đầu tư, bộ Tài chính để lấy ý kiến về phương án xử lý trạm thu phí này.

Còn ông Bùi Danh Liên - chủ tịch Hiệp hội GTVT Hà Nội nói: "Việc thu phí bảo trì đường bộ áp dụng với tất cả các phương tiện giao thông, sau khi áp dụng loại phí này, Nhà nước đã chủ trương loại bỏ việc thu phí ở các trạm. Tuy nhiên, do yếu tố lịch sử để lại, hiện còn khoảng 10 trạm thu phí trên các tuyến đường vẫn tồn tại. Đây là những trạm Nhà nước đồng ý bán quyền thu phí cho nhà đầu tư tư nhân có thời hạn, nên việc xóa bỏ cần có thời gian vì nó liên quan đến kinh phí mua lại. Tuy nhiên Nhà nước cũng nên sớm có biện pháp giải quyết để người dân không phải chịu thiệt thòi".

Không hẳn là phí chồng phí?

Nhìn nhận sự việc này, nhiều người bất bình với cách hành xử xã hội đen của bốn thanh niên trên, tuy nhiên cũng dấy lên những lo ngại về việc phí chồng phí. Trao đổi với PV, TS Đinh Thị Thanh Bình, viện trưởng Viện Quy Hoạch & Quản lý GTVT cho rằng trạm thu phí ở Bãi Cháy thuộc diện do doanh nghiệp tư nhân quản lý nên họ vẫn thu phí. Nói là phí chồng phí thì cũng không hoàn toàn đúng bởi lẽ doanh nghiệp thu phí thì doanh nghiệp lại bỏ tiền tu bổ sửa chữa trên đoạn đường đó. Tuy nhiên từ khi Nhà nước thu phí bảo trì đường bộ thì xét ở phương diện nào đó thì người dân bị thu thêm tiền. Người dân cũng nên hiểu rằng, có một số trạm thu phí do doanh nghiệp bỏ tiền ra đầu tư và họ được quyền thu phí trong một thời gian nhất định. Từ vụ việc này, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng xử lý để tránh xảy ra những sự việc tương tự.

Trần Quyết - Thành Huế

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.