Nhập gia tùy… tật: Ai cũng phải cật lực chạy theo cơ chế ‘bẩn'

Nhập gia tùy… tật: Ai cũng phải cật lực chạy theo cơ chế ‘bẩn'

Thứ 4, 26/10/2016 11:42

Các cụ ta có câu “nhập gia tùy tục”, có vẻ đúng trong rất nhiều trường hợp. Nhưng ở thời hội nhập - kinh tế thị trường hiện nay, câu nói này còn một biến thể nữa đúng không kém: ‘nhập gia tùy tật’!

Trong thời kỳ hội nhập, hẳn không ít lãnh đạo có tâm đã mong muốn các doanh nghiệp nước ngoài đặt chân vào Việt Nam và mang theo những tiến bộ, sự chuyên nghiệp, bài bản của nước họ để “nâng tầm” cho mặt bằng chung ở nước ta.

Nếu điều đó xảy ra, quả là một điều mừng!

Dân gian có câu “nhập gia tùy tục” nên nhiều tổ chức đầu tư, doanh nghiệp quốc tế khi vào Việt Nam, dù mang theo những thứ mới mẻ những cũng đã tìm cách tiếp cận và thích nghi phù hợp. Đó cũng là một điều đáng mừng nữa!

Nhưng…

Khi mà sự tiến bộ, chuyên nghiệp và bài bản chưa kịp “lan” sang các đối tác Việt Nam để doanh nghiệp nội địa cải thiện phong cách, chất lượng làm việc, thì chính một số doanh nghiệp nước ngoài lại tự biến tấu câu “nhập gia tùy tục” theo hướng xấu, thành… “nhập gia tùy tật”.

Một dẫn chứng rất điển hình là những bất cập ở dự án đường hành lang ven biển phía Nam vừa được báo điện tử Người Đưa Tin đăng tải. Nhà thầu chính của dự án là Công ty TNHH tư vấn và xây dựng Ssangyong của Hàn Quốc.

Xi nhan Trái Phải - Nhập gia tùy… tật: Ai cũng phải cật lực chạy theo cơ chế ‘bẩn'

 Dự án xây dựng lộ những khoản phí bôi trơn kiểm định và tiếp khách.

Sau khi giành được gói thầu, Ssangyong thuê các nhà thầu phụ của Việt Nam để thi công từng phần. Khi bất đồng với nhà thầu phụ xảy ra và hủy hợp đồng giữa chừng, Ssangyong lộ sáng những khoản “chung chi” nhạy cảm khi bắt nhà thầu phụ phải chịu cùng, như phí “bôi trơn” kiểm định công trình, phí “tiếp khách”… trị giá 1,9 tỷ đồng.

Đến đây, những người Việt có tâm mới thấy phiền lòng biết bao!

Thay vì truyền cảm hứng, phong cách làm việc chuyên nghiệp, kỹ thuật bậc cao… cho các doanh nghiệp Việt, thì nhà thầu Hàn Quốc lại “nhập gia tùy… tật” một cách xuất sắc, khi uốn mình theo những thói xấu còn tồn tại trong cơ chế quản lý hiện hành.

Với một nhà thầu phụ mà đã bị “bổ đầu” chia tiền bôi trơn, đút lót như thế, thì tổng số tiền “bẩn” của cả dự án này sẽ lên đến con số bao nhiêu?

Và cũng qua đây, người ta mới thấy những lĩnh vực “nghe tới, kiểu gì cũng có bôi trơn” vẫn tồn tại lỗ hổng quản lý quá lớn mà chưa hề bị sờ tới hay có phương án giải quyết nào triệt để.

Và thế là một vòng tròn luẩn quẩn vẫn cứ tiếp diễn mãi: Doanh nghiệp nước ngoài “chạy tiền” theo “tật” xấu trong cơ chế quản lý – Rồi kéo theo các đối tác trong nước cũng bị ép chạy theo cái tật ấy, không tài nào thoát ra nổi…

Rồi đương nhiên, chất lượng công trình sẽ bị kéo xuống theo, khi nhà thầu chi những khoản phí “bôi trơn” kiểm định. Cứ thế, cả mặt bằng chung kinh tế, xã hội bị ảnh hưởng theo chiều hướng vô cùng tiêu cực, khi tất thảy các nhà đầu tư, nhà thầu học được “tuyệt chiêu” nhập gia tùy… tật.

Rõ ràng, nếu không thay đổi ngay cơ chế quản lý, thanh tra, giám sát hiện hành theo hướng minh bạch, hiệu quả thì những doanh nghiệp, dự án, công trình… cứ theo các tật xấu cố hữu mà lao theo chiều hướng tiêu cực.
Những cố tật ấy, buồn thay, đang lớn tới nỗi đồng hóa cả những doanh nghiệp nước ngoài tưởng như chuyên nghiệp và sòng phẳng nhất có thể. Để rồi chúng ta cứ phải than: Người Việt có nhiều tục đẹp để noi theo, mà sao người ta cứ thích nghi với những… tật xấu đến vậy?

Bút Lãng

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.