Địa ốc “đóng băng”, đất cho người chết… “sốt” giá
Với dân số ngày càng đông, diện tích đất đai ngày một bị thu hẹp thì vấn đề mồ mả, nơi chôn cất cho người chết tại các thành phố lớn đang là vấn đề được rất nhiều người dân quan tâm.
Nhiều cụ già không cần đến con cháu đã tự mình mua một mảnh đất bất động sản nghĩa trang để phòng thân. Trung niên, thanh niên có đủ điều kiện kinh tế cũng thi nhau mua bất động sản nghĩa trang. Họ cho rằng, thời nay không mua, thì chỉ vài năm nữa biết đâu lại lâm vào cảnh “chết mà không có chỗ chôn”. Chính tâm lí này cũng là lí do để thị trường bất động sản nghĩa trang ngày càng “sốt” giá.
Chỉ cần gõ cụm từ “mua bán đất nghĩa trang Hà Nội” trên trang tìm kiếm Google dễ dàng nhận thấy sự sôi động trong "phân khúc" này với hàng ngàn tin rao vặt, thậm chí còn thấy cả những chương trình "khuyến mãi".
Tại một số nghĩa trang như Quán Dền (Nhân Chính, Thanh Xuân), nghĩa trang Láng Hạ (27 Vũ Ngọc Phan), nghĩa trang Xuân Đỉnh (Từ Liêm)… giá đất dao động từ khoảng 15– 20 triệu đồng/m2. Như vậy, với mỗi phần mộ khoảng 4 – 4,5 m2, người mua phải bỏ ra khoảng 60-100 triệu đồng.
Tại các nghĩa trang thôn thì giá có vẻ “mềm” hơn. Theo quản trang tại nghĩa trang thôn Trù 2 (xã Cổ Nhuế, Từ Liêm, HN) thì, mỗi phần mộ ở đây có giá khoảng 10 triệu đồng, nhưng đó là với người trong thôn, còn với người ngoài thôn thì phải trả giá cao hơn nhiều, và phải thông qua một kì họp thống nhất ý kiến của đại diện bà con trong thôn thì mới mua được.
Ở Hà Nội, để có được một suất đất làm "nhà" cho người chết còn khó hơn tìm đất xây nhà cho người sống.
Quản trang tại nghĩa trang Quán Dền (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “Nếu không phải người làng hoặc không có người quen thì dù có bao nhiêu tiền cũng không mua được một suất đất xây mộ ở đây. Từ giữa năm đến giờ, chúng tôi đã từ chối không biết bao nhiêu người rồi”.
Chị Mai (Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Sợ mai kia bố mẹ về già không còn chỗ để yên nghỉ, mình đã tìm đến khá nhiều nghĩa trang để lo việc này nhưng đến nay vẫn không thể yên tâm được. Do gia đình đang sống gần khu nghĩa trang Xuân Đỉnh nên đã tìm đến hỏi mua một suất nhưng quản trang ở đó nói đã hết chỗ, điều lạ hơn là việc không bán cho người tỉnh ngoài dù khách có trả giá cao hơn…”.
Mất vài ngày bở hơi tai lang thang khắp các nghĩa trang quanh nhà để tìm chỗ xây “nhà” cho người cha bị ung thư, anh Hùng (Phố chùa Láng, Láng Hạ) mệt mỏi kể: “Giờ tìm chỗ xây nhà cho người chết còn khổ hơn cho người sống. Mỗi m2 đất nghĩa trang giờ đắt ngang với tiền mua đất mặt phố. Mặc dù nhà gần ngay nghĩa trang Láng Hạ (số 27 Vũ Ngọc Phan) và nghĩa trang Quán Dền (Nhân Chính, Thanh Xuân), nhưng tôi cũng không sao tìm cách đăng ký được một suất cho cụ…”.
Trong vai người đi mua đất cho người nhà mới mất, PV tìm đến nghĩa trang Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Vừa đặt vấn đề muốn mua 1 suất đất ở đây, quản trang liền lắc đầu nói: “Hết chỗ và không nhận người ngoài”.
Sau một hồi hỏi han những nhà dân xung quanh, PV được một người mách nước. Theo anh này, cách dễ nhất để có đất ở đây là tìm cò đất mà mua. Muốn tìm cò đất ở đâu thì ra các quán nước lề đường hoặc vào trong làng nói hỏi mua đất nghĩa trang, sẽ có người chỉ cho.
“Mua như vậy, đất đắt đấy. Ít nhất cũng hơn tầm chục triệu/suất. Nếu chị cần gấp thì hãy mua”, anh này cho biết.
Xem ra, việc mua được một suất đất “âm” cho người quá cố ở Hà Nội còn khó hơn cả mua đất cho người dương. Chấp nhận mua đắt, tiền nhiều cũng không dễ gì chọn được một chỗ ưng ý.
Việc một số doanh nghiệp đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang, tuy rất đẹp nhưng giá còn cao, người dân nghèo đô thị không thể tiếp cận... (Ảnh minh họa)
Dân nghèo không đủ tiền mua đất
Quy hoạch nghĩa trang Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050 đã xác định sẽ “xóa sổ” nghĩa trang thôn và từng bước đóng cửa 6 nghĩa trang lớn. Mặt khác, trước tình trạng quá tải của các nghĩa trang ở nội thành, mấy năm gần đây, nhiều gia đình có xu hướng tìm đến những công viên nghĩa trang do các doanh nghiệp đầu tư.
Nhưng theo nhìn nhận của các chuyên gia, việc một số doanh nghiệp đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang, tuy rất đẹp nhưng giá quá đắt nên chỉ người giàu mua được. Người nghèo, đặc biệt là người dân nghèo đô thị không thể tiếp cận...
“Với dân công chức nhà nước như vợ chồng tôi, hưởng mức lương theo đúng quy định thì tổng thu nhập của cả 2 vợ chồng mỗi tháng là gần 10 triệu đồng.Với mức lương như thế này, việc lo đủ chi tiêu cho gia đình đã là vô cùng khó khăn, chưa tính đến tiền thuê nhà và các khoản tiền khác phải chi trả như: tiền học cho con, tiền ma chay cưới hỏi… Lo cho cuộc sống đã vô cùng chật vật, vì vậy có một căn nhà nhỏ vẫn chỉ là một giấc mơ. Nhà ở lúc sống đã không có được, nhà ở lúc chết, xem ra cũng không mấy dễ dàng…”, chị Thủy (Ba Đình, Hà Nội) than thở.
Đại diện của Công ty cổ phần đầu tư và Xây dựng Toàn Cầu, chủ đầu tư dự án Lạc Hồng Viên, Công viên nghĩa trang có quy mô vào loại lớn nhất Đông Nam Á, cho biết: Trong vài năm trở lại đây, nhu cầu mua đất dự phòng làm nơi mai táng khi chết đã trở nên phổ biến, đặc biệt từ khi một số nghĩa trang lớn tại Hà Nội ngưng phục vụ. Bắt đầu từ tháng 7 âm lịch hàng năm cho đến gần Tết nguyên đán, giao dịch mua đất nghĩa trang lại trở nên sôi động, đặc biệt là tình trạng mua để làm quà tặng. Nhiều người còn sẵn sàng xuống tiền hàng tỷ đồng để mua đất làm khu mộ cho cả gia tộc hoặc để biếu tặng các đối tác kinh doanh. Hiện giá đất ở Lạc Hồng Viên dao động 7-15 triệu đồng/m2 tùy vị trí, độ cao và hướng đất.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết: "Thời gian qua, một số doanh nghiệp đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang, tuy rất đẹp nhưng giá quá đắt nên chỉ người giàu mua được. Người nghèo đặc biệt là người dân nghèo đô thị không thể tiếp cận gây nên áp lực cho Thủ đô. Nghĩa trang là vấn đề rất lớn của Thủ đô, không chỉ Thủ đô giải quyết được vấn đề mà các tỉnh khác trong vùng thủ đô cần chia sẻ trách nhiệm cũng như áp lực hạ tầng cùng Hà Nội. Và việc mọc lên các nghĩa trang tự phát tại địa phương là điều khó tránh khỏi".
Sinh lão bệnh tử là quy luật, ai cũng phải trải qua. Trước đây, người Việt thường né tránh nhắc đến chuyện ma chay, hậu sự cho người đang còn sống, nhưng bây giờ, đất nghĩa trang ngày càng co hẹp, việc phòng xa đất mai táng đối với chính mình, với người thân nhất là người cao tuổi là chuyện nghiêm túc đối với nhiều gia đình.
Theo Quy hoạch nghĩa trang Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thành phố Hà Nội sẽ từng bước đóng cửa 6 nghĩa trang: Yên Kỳ 1, Sài Đồng, Mai Dịch 1, Hà Đông, Xuân Đỉnh, Văn Điển (đã đóng cửa hung táng từ tháng 7/2010) trước năm 2015. Cùng với đó, Thành phố sẽ sử dụng nghĩa trang tập trung mới. Ở khu vực phía Bắc sông Hồng sẽ sử dụng nghĩa trang Xuân Nộn (Đông Anh), nghĩa trang Thanh Tước (Mê Linh); Riêng nghĩa trang Minh Phú (Sóc Sơn), ngoài phục vụ đô thị Sóc Sơn, còn phục vụ nhu cầu cải táng và quy tập mộ di chuyển của các đô thị phía Bắc và Đông Hà Nội khi hết quỹ đất ở nghĩa trang Thanh Tước và Đông Anh. Ở phía Đông sông Hồng, đô thị Long Biên, Gia Lâm sẽ chuyển đến nghĩa trang Trung Màu (Gia Lâm). Ở phía Nam, mộ di dời và chôn mới sẽ chuyển đến nghĩa trang Chuyên Mỹ (Phú Xuyên) cho đến khi nghĩa trang này hết khả năng mai táng, sẽ chuyển lên mai táng ở nghĩa trang Vĩnh Hàng, Yên Kỳ 2 (Ba Vì). Ở phía Tây và đô thị trung tâm, chuyển đến nghĩa trang Mai Dịch 2 (Thạch Thất), Vĩnh Hằng, Yên Kỳ 2 (Ba Vì) và nghĩa trang huyện Chương Mỹ. |
Ngọc Phạm