Với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, tình trạng buôn bán, vận chuyển, kinh doanh trái phép gia cầm đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, thời gian gần đây các đối tượng buôn lậu gia cầm lại hoạt động trở lại với nhiều thủ đoạn tinh vi hơn để “qua mặt” cơ quan chức năng.
Xe chở gà nhập lậu bị bắt giữ.
Thủ đoạn ngày càng tinh vi
Ngày 2/4/2013 các lực lượng chức năng của tỉnh Lạng Sơn phát hiện chiếc xe ô tô du lịch 4 chỗ ngồi biển kiểm soát 30U – 0285 đã bị lột bỏ hết ghế trong xe để vận chuyển hơn 300 kg gà thải loại từ biên giới về.
Chủ hàng là Nguyễn Văn Dương ở Yên Thế (Bắc Giang) đã thừa nhận sai phạm có ý định đưa số gà này về Yên Thế để nhập vào đàn gà đang chăn nuôi để tiêu thụ với mức chênh lệnh rất cao. Các lực lượng chức năng Lạng Sơn cũng cho biết họ thực sự bất ngờ với những thủ đoạn tinh vi của các đầu nậu dùng xe ô tô du lịch 4 chỗ, 7 chỗ ngồi để vận chuyển gà lậu và qua mắt lực lượng chức năng. Dù chỉ với hơn 300kg gà nhưng trong số đó chỉ cần một vài con mang dịch bệnh có thể dẫn tới nguy cơ lây lan sang các hộ nuôi gà khác ở Yên Thế, vùng nuôi gà được biết đến là có quy mô lớn nhất nước ta hiện nay.
Trước đó, ngày 28/3, tổ công tác Đội 4 Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm (PCTP) về môi trường - CATP Hà Nội cũng đã phát hiện và bắt giữ xe hiệu Toyota Fortuner, BKS 31F – 0577 thuộc địa bàn xã Cổ Loa, huyện Đông Anh (Hà Nội) chở 334kg gà trong cốp xe. Tại thời điểm kiểm tra, phần lớn số gà đã chết, chủ hàng là Đỗ Thị Hường ở xã Nghĩa Hưng, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) đã không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc và kiểm dịch số gia cầm trên.
Tại địa bàn tỉnh Lào Cai, trong năm 2012, các cơ quan chức năng cũng đã phát hiện và bắt giữ những đối tượng buôn lậu sử dụng thủ đoạn rất tinh vi. Để tuồn được gà tiêu thụ sâu vào trong nội địa, các đối tượng thường giết mổ gà trước, rồi đưa thịt gà vào thùng xốp ướp đá để vận chuyển về xuôi bằng xe khách. Đơn cử, vào lúc 11 giờ ngày 20/12/2012, sau nhiều ngày mật phục, Công an huyện Bảo Thắng đã phát hiện xe khách BKS 21B -000.82 do lái xe Vũ Thành Nam ở Trấn Yên (Yên Bái) điều khiển, vận chuyển trái phép 120kg gà mổ sẵn và 110kg tim, nội tạng lợn đựng trong hộp xốp ướp đá đã có mùi hôi thối.
Theo ông Lê Hải Đăng, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1, Chi cục QLTT Lào Cai, sau khi bị làm “rát” ở Lạng Sơn, Quảng Ninh, các đối tượng buôn lậu biết rất khó đưa được gà sống vào qua các đường biên giới, nên họ quay sang sử dụng thủ đoạn mới là cũng nhập gà sống, song khi về đến gần cửa khẩu, sẽ giết mổ, rồi đóng thịt vào thùng xốp ướp đá để qua mặt các lực lượng chức năng.
Tại Hội nghị trực tuyến sơ kết 2 tháng thực hiện phương án ngăn chặn việc kinh doanh gà nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn Hà Nội và 1 tháng triển khai Đề án 2088 phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu trái phép, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo 3 tỉnh Thái Bình, Hải Phòng và Quảng Ninh cần đặc biệt lưu ý những thủ đoạn vận chuyển tinh vi của các đầu nậu, trong đó có việc vận chuyển bằng đường biển.
Như vậy, nếu tổng hợp lại các vụ việc cơ quan chức năng phát hiện và bắt giữ có thể thấy các đối tượng buôn lậu gia cầm đã sử dụng rất nhiều thủ đoạn khác nhau, như: vận chuyển bằng thuyền (ở Lào Cai), vận chuyển bằng đường biển ở (Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh); vận chuyển bằng xe khách; vận chuyển bằng xe máy, ô tô tải và mới đây nhất là bằng xe ô tô du lịch 4 chỗ ngồi…
Sẽ kiểm soát cả chim bồ câu
Theo thống kê của các cơ quan chức năng Trung Quốc, số người nhiễm virus cúm H7N9 phát hiện tại nước này đã tăng lên 14 người trong đó 5 người tử vong. Các ca cúm cũng nằm rải rác khắp Trung Quốc, 6 trường hợp ở Thượng Hải, 4 trường hợp ở Giang Tô, 3 trường hợp ở Triết Giang và 1 trường hợp ở An Huy. Hiện, Trung Quốc cũng đã tìm thấy virus H7N9 trên chim bồ câu tại một khu chợ nông sản ở Thượng Hải.
Ông Đoàn Duy Ái, chi cục trưởng Chi cục Thú y Quảng Ninh cho biết trước đây, nhiều đối tượng buôn lậu đã lấy lý do thu gom chim bồ câu từ các hộ dân để tới xin giấy kiểm dịch vận chuyển. Tuy nhiên, bằng việc xác minh rõ nguồn gốc mới cấp giấy, cơ quan thú y địa phương đã hạn chế cơ bản tình trạng buôn lậu bồ câu. Về tình trạng ở một số tỉnh như Lạng Sơn xuất hiện buôn lậu gia cầm bằng cả xe hạng sang nên trong thời gian tới cơ quan chức năng sẽ lưu ý.
Thời gian gần đây, lực lượng chức năng của tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp làm “rát” nên các đối tượng buôn lậu đã giảm nhưng nếu chỉ hơi lơi lỏng một chút là những kẻ buôn lậu có thể hoạt động trở lại bất cứ lúc nào.
Tại một số địa bàn được coi là “điểm nóng” khác, tình trạng buôn bán, vận chuyển, kinh doanh trái phép gia cầm cũng vẫn còn diễn biến phức tạp, dù các cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc quyết liệt.
Theo thống kê của cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn, 3 tháng đầu năm 2013, đã bắt giữ và xử lý tới 276 vụ buôn lậu gia cầm, trong đó gà gần 48 tấn, giống gia cầm hơn 136.000 con, thịt vịt mổ sẵn hơn 12 tấn, 14 tấn phủ tạng cùng hàng chục nghìn quả trứng, chim bồ câu… Như vậy chỉ trong 3 tháng đầu năm nay, số vụ bắt giữ đã bằng 50% cả năm 2012, lượng gia cầm nhập lậu tương đương cả năm 2012. Chi cục Thú y Lạng Sơn cũng cho biết, xét nghiệm hơn 260 mẫu gia cầm nhập lậu trong thời gian qua đã phát hiện gần 3,5% số mẫu gia cầm nhiễm virus H5N1.
TS. Nguyễn Đức Trọng, phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết hiện mỗi ngày vẫn có khoảng 3- 5 tấn gia cầm lậu từ Trung Quốc được đưa về chợ Hà Vỹ (Thường Tín, Hà Nội) để tiêu thụ với những thủ đoạn mới tinh vi hơn. Riêng khu vực Phú Xuyên (Hà Nội), thời gian gần đây cũng đã xuất hiện trở lại tình trạng nhập lậu gia cầm giống trái phép, có ngày không có con nào nhưng cũng có ngày số lượng lên tới vài chục nghìn con. Ngoài ra, ở một số địa bàn của Cao Bằng như Quảng Uyên, Trùng Khánh... vẫn xuất hiện việc buôn bán, vận chuyển, kinh doanh trái phép gia cầm.
Còn ông Phạm Văn Đông, cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT) cho biết dù chưa phát hiện loại virus mới H7N9 xuất hiện ở nước ta, nhưng nguy cơ chúng xuất hiện là rất cao. “Hiện nay, loại virus H7N9 chưa có vaccine phòng chống, trên thế giới cũng chưa có nước nào sản xuất được loại vaccine này. Vì thế, cuộc chiến với loại vi rút H7N9 chẳng khác gì ra trận mà không có súng”, ông Đông nói.
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, sau 3 tháng đầu năm triển khai Đề án 2088, phần lớn các chỉ tiêu của đề án đều đạt được nhưng vẫn chưa ngăn chặn triệt để tình trạng buôn bán, vận chuyển, kinh doanh trái phép gia cầm. Dù các lực lượng chức năng từ trung ương tới địa phương đều vào cuộc quyết liệt nhưng vì sao các đối tượng buôn lậu vẫn bất chấp những quy định của pháp luật, sử dụng tất cả các thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt để buôn bán, vận chuyển, kinh doanh trái phép gia cầm?
Theo lý giải của các cơ quan chức năng, 1 kg gà nhập lậu từ Trung Quốc giá chỉ 10.000 đồng, nhưng bán ở thị trường trong nước gấp 7-8 lần (khoảng 70-80.000 đồng/kg). Đây là mức siêu lợi nhuận nên các đối tượng buôn lậu vẫn bất chấp mọi thủ đoạn để buôn bán, vận chuyển, kinh doanh, trái phép gia cầm.
Với việc xuất hiện loại virus mới H7N9 rất nguy hiểm, có thể gây chết người, nếu tiếp tục vận chuyển, buôn bán gia cầm nhập lậu, nguy cơ bị nhiễm loại bệnh này sẽ rất cao.
Theo Chinhphu.vn