Nhập nhèm tem dán hoa quả ngoại

Nhập nhèm tem dán hoa quả ngoại

Thứ 5, 10/01/2013 08:11

Không nằm trong danh mục những sản phẩm phải sử dụng tem để dán nhưng hoa quả nhập ngoại đang là loại sản phẩm mà tem dán được quay vòng đến chóng mặt.

Các mẫu tem dùng cho các loại quả nhập ngoại đều được bóc gỡ dễ dàng là khe hở để người kinh doanh gán mác tràn lan cho những loại quả kém chất lượng, bán với giá ngất ngưởng. Trước tình hình sôi động của thị trường thực phẩm, quả vào những tháng cuối năm thì hiện tượng quả được gắn tem giả, mác "dỏm" khiến nhiều người tiêu dùng rơi vào tình trạng bỏ tiền thật, mua hàng giả.

Bàn thờ truyền thống toàn quả ngoại

Theo chị H. - một đầu mối cung cấp quả lâu năm tại Hà thành, cho các khách sạn thì, cách đây gần chục năm, quả ngoại đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam được nhập về từ Thái Lan. Thời đó, với mẫu mã lạ, chất lượng lại khác hẳn so với hàng trong nước nên nó được nhiều người mua dùng. Khi thị trường xuất hiện ồ ạt nhiều loại quả xuất xứ từ Úc, Mỹ, Pháp, New Zealand... thì quả Thái nhanh chóng bị "soán ngôi". Giá thành vì thế cũng bị ép xuống "mềm" hơn trước để cạnh tranh với những mác ngoại khác. Chị H. cho biết thêm, thời điểm cận Tết vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm luôn được cảnh báo nên nhiều gia đình có xu hướng lựa chọn quả có nguồn gốc từ nước ngoài, vừa đẹp mắt lại vừa an toàn. Dù là quả ngoại đi chăng nữa thì cũng chia nhiều "đẳng cấp" khác nhau. "Thường, các bà nội trợ hay lựa chọn loại 1 dùng để bày bàn thờ, cúng gia tiên, sau mới đến loại dùng để ăn. Chất lượng vẫn gần như đảm bảo nhưng mẫu mã sẽ kém hơn một chút.

Tiêu dùng & Dư luận - Nhập nhèm tem dán hoa quả ngoại (Ảnh minh họa)

Hầu như các loại hoa quả có mặt trên bàn thờ truyền thống cũng dần biến mất. Các loại quả truyền thống như chuối, bưởi, phật thủ, quất... hoặc có đi chăng nữa cũng được gán tem ngoại. "Khi xưa bưởi vườn, chuối quê thường đắt khách mỗi dịp cận Tết nên tôi thường phải lặn lội về các tỉnh lân cận từ trước Tết để đặt hàng, thì hiện nay có thể ung dung ngồi nhà chờ hàng chuyển về" - chị H. nói. Đặc biệt từ dạo rộ lên tin đồn, chuối vườn bị tiêm chất kích thích, người tiêu dùng có xu hướng chuyển dần sang chuối Thái, giá cao hơn. Vào những ngày giáp Tết, chị H. rất bận rộn bởi dịch vụ sắp mâm ngũ quả ngoại cho những gia đình đã đặt hợp đồng sẵn.

Trái vụ vẫn có hàng đều

Vốn là người cung cấp các mặt hàng hoa quả lâu năm cho các nhà hàng, khách sạn nên chị H. biết rất nhiều chuyện về tem, mác của quả ngoại. Nhà hàng, khách sạn lớn, quả ngoại phải "xịn". Quả ngoại đội lốt chỉ ở những nhà hàng, khách sạn bình dân hay những sạp quả vỉa hè... Theo chỉ dẫn của chị H., chúng tôi tìm đến khu chợ Hàng Da (Hà Nội) để tận mắt nhìn quả ngoại. Giá cả quả ngoại ở "chợ gốc" này cũng rất phong phú, khiến người mua không khỏi hoa mắt, chóng mặt. Qua khảo sát của PV báo ĐS&PL thì, phổ biến nhất là các loại nho, mận Mỹ có giá từ 120.000 -140.000 đồng/kg đến các loại táo nhập từ New Zealand giá 65.000 - 75.000 đồng/kg. Chị H. cho biết, thời điểm này không phải chính vụ của một số các mặt hàng quả như mận Thái, táo Úc đặc biệt là nho Mỹ nhưng tại các sạp hàng hầu hết đều có loại quả này. "Đó thực chất là loại quả Trung Quốc được canh tác cầu kỳ hơn, ở trong nhà kính mà thôi" - chị H. bật mí. Để kiểm tra các loại quả đó có chính vụ hay không, người tiêu dùng cần quan sát kỹ lớp phấn bên ngoài lớp vỏ. Bởi dù là quả ngoại "xịn" đến đâu nhưng để qua nhiều ngày lớp vỏ cũng bị xuống nước nên màu sắc vì thế sẽ đậm hơn. Đặc biệt là sản phẩm nho Mỹ. Thực tế, thời điểm này, tại Mỹ đã hết mùa nho từ tháng trước nhưng đến thời điểm này, nho vẫn xuất hiện tươi rói trên các sạp hàng tại Việt Nam thì chỉ có thể được tiêm hóa chất bảo quản hoặc nguồn hàng không chính hãng mà thôi" - chị H. khẳng định.

Chứng kiến một chủ cửa hàng đang nhanh tay mở túi tem in sẵn được bỏ kèm trong thùng táo Mỹ để dán vào từng quả táo, chúng tôi được nghe giảng giải: "Dân bây giờ đang "sính" hàng ngoại cao cấp có dán tem nước ngoài". Tuy nhiên, đến khi thùng hàng chỉ còn khoảng hơn chục quả thì tem dán lại... hết. Chủ cửa hàng nhanh chóng lôi ra từ dưới gầm sạp hàng một tập tem mới tinh rồi điềm nhiên thực hiện nốt công đoạn dán tem mới. Thấy chúng tôi tỏ ý thắc mắc vì,  nếu nguồn hàng "xịn" được kiểm định nghiêm túc trước khi xuất thì không thể xảy ra trường hợp "lệch pha" giữa lượng tem bảo hành và sản phẩm như vậy. Chủ cửa hàng chống chế: "Do là khách quen nên được nhà cung cấp ưu ái chuyển dư số lượng tem phòng khi tem nhàu, rách... để bù vào".

Tuy nhiên, chị H. cho biết, riêng táo Trung Quốc không có tem dán, còn các loại táo của các nước khác đều có dán tem bảo đảm. Công đoạn này thường được thực hiện ngay tại kho xuất hàng của nước bạn nên khi mở thùng ra đã có  tem dán vào quả rồi. Việc kiểm soát chặt chẽ đó đảm bảo số lượng tem và quả đạt chuẩn khớp nhau. Còn đối với những trường hợp số lượng "tem một nơi, hàng một nẻo" rất có thể là tem giả. Chỉ cần có trong tay một vài mẫu tem "xịn" là có thể đi đặt bất kỳ nhà in nào với số lượng tùy ý. Còn nếu là mối quen hay mua với số lượng lớn, bất kỳ tiểu thương nào ở khu chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội) cũng sẵn sàng khuyến mãi thêm cho người mua một vài vốc tem đủ loại để về tự dán nhằm nâng giá trị sản phẩm.                     

Linh Nhi

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.