Người người đội bóng đêm đi chợ
Ở xã Phúc Thành, Kinh Môn, Hải Dương, một xã có số làng giáp ranh sông Kinh Thầy nhiều nhất nên từ nếp ăn đến văn hóa sống của người dân vẫn còn nhiều phong tục lạ. Mọi phong tục tập quán của người dân đều thể hiện rõ qua phiên chợ quê. Đặc biệt là phiên chợ tết, nơi hội tụ đầy đủ văn hóa ăn uống, sinh hoạt, nếp nghĩ của người dân.
Người dân ở đây, thường sắm tết từ 20 tháng chạp (âm lịch). Cũng từ thời gian này, các phiên chợ tết diễn ra sôi động khác thường. Đáng quan tâm nhất là cảnh người đi chợ tết.
Vào 25 tháng chạp, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc khảo sát phiên chợ tết nơi đây. Người đi bán hàng tết gần như phải thức trắng đêm để canh giờ đi chợ. Theo thói quen và đã trở thành tập tục lâu đời ở đây, vào thời điểm sang canh người dân đã phải đi chợ tết. Nhiều nàng dâu mới về nhà chồng thường thốt lên với cảnh đi chợ tết trong đêm khuya: "Đây là cảnh tượng xưa nay chưa từng thấy". Tầm 1h đến 2h sáng, ngoài đường đã râm ran tiếng người đi chợ bán hàng tết. Người gánh gồng chuyện trò, tiếng xe máy chở lợn, tiếng kẽo kẹt của xe thồ rau, hàng mã nhộn nhịp đến từng ngõ, xóm, cộng thêm tiếng chó sủa khiến những người trong nhà khó có thể yên giấc ngủ. Thỉnh thoảng, người ta còn nghe thấy cả tiếng trẻ con khóc. Đó là những đứa trẻ tầm 10 đến 12 tuổi cũng muốn bám theo bà đi chợ tết để được bán hàng.
3h sáng, PV có mặt tại chợ Mông (thuộc làng Mông, xã Phúc Thành) là điểm trung gian cho các làng trong xã họp mặt, trao đổi buôn bán. Ấn tượng về cảnh tượng lạ đầu tiên với tôi là chuyện ngay trước cổng chợ. Nhiều người ngồi thu gọn ở góc cổng chùm áo mưa chống rét, người ngả vào cổng chợ ngủ quên, nhiều người lại cố chống chọi cơn buồn ngủ bằng cách ngồi xổm hướng về cổng chợ đợi giờ mở cửa để tranh chỗ bán hàng. Những đứa trẻ theo bà đi bán hàng được bọc trong những chiếc áo khoác khổng lồ đợi cánh cổng chợ mở.
Qua nhiều chen lấn, PV đã có mặt gần khu vực ban quản lý chợ Mông. Theo sự cho biết của người trong ban quản lý chợ: Năm nào vào thời điểm này, người đi chợ tết cũng đông như vậy. Tuy năm nay, kinh tế khó khăn nhưng không khí tết vẫn không giảm vì văn hóa chợ tết đã ăn sâu vào nếp sống của người dân. Mọi người, mọi nhà đều không thể vắng mặt ở phiên chợ tết quê hương. Từ lâu, người dân vẫn quan niệm: Khi chưa đi chợ tết thì nhà đó chưa có tết.
Hàng bán nón lá luôn tấp nập khách hàng trong phiên chợ tết.
Vào thời điểm này số người đi mua hàng cũng đông không kém so với người đi bán hàng. Những người thường đi chợ tết để mua hàng sớm hầu hết là những bà lão đã vào ngũ tuần hoặc thất tuần chống gậy, xách làn cắp đèn pin ngang nách đi chợ trong đêm. Các cụ quan niệm đi chợ sớm sẽ chọn được những đồ của phật cho phật. Bởi chỉ lúc trời còn sương mới là thời điểm các cây cối đâm chồi, nảy lộc nhiều. Đi chợ trong đêm sẽ rước được nhiều lộc, mua được nhiều hương hoa, trái ngọt cúng gia tiên ngày tết.
Cũng theo quan niệm của người dân, bàn thờ hoa quả ngày tết thể hiện rõ nhất thành tâm của con cháu đối với người đã khuất nên tối kỵ sự sơ sài và thiếu thẩm mỹ. Nếu chẳng may thờ những đồ xấu, hỏng sẽ bị các cụ trừng phạt cả năm không làm ăn được gì. Vì vậy, không một nhà nào không coi trọng phiên chợ tết. Dù một năm làm ăn thất bát thì bàn thờ hoa quả ngày tết cũng không thể không có. Và chuối, bưởi là hai thứ quả quan trọng nhất, tượng trưng cho sự sum vầy và đầy đủ của một gia đình trong ngày tết.
Phiên chợ tết thường được mở sớm hơn phiên chợ thường 2 tiếng. Khoảng 4h30’ cánh cửa chợ tết tại làng Mông (thuộc xã Phúc Thành) được mở là lúc hàng trăm con người ùn vào nhận chỗ ngồi. Phiên chợ tết đã chính thức được hoạt động trước khi mặt trời mọc.
Không nhập tục lạ, không may mắn
Khi hàng trăm người đã vào hết trong chợ là cảnh sắp xếp chỗ ngồi của những người bán hàng. Trái hẳn với sự vắng vẻ của những dãy nhà trống bán quần áo, thịt lợn, hàng xén được mua hợp đồng nhiều năm là không khí náo nhiệt của khoảng đất không dành cho những hàng rau, lá trầu, củ quả. Nhiều người vì sợ không có chỗ ngồi đã đặt gạch, bao tải, giấy nilon đánh dấu nhận chỗ từ phiên chợ trước. Số khác vì quá nóng vội mà nhiều người cùng trải bạt bán hàng ở một chỗ và đã xảy ra tranh cãi khiến ban quản lý chợ đã phải can thiệp để giải hòa.
Ngạc nhiên, khi sự việc được giải quyết xong thì họ không hề có thái độ trách giận đối phương. Qua tìm hiểu, phóng viên được biết tập tục lạ nơi đây. Trong phiên chợ tết, người dân thường tối giản sự tranh cãi, thù hằn vì đó sẽ là điều không may cho cả phiên chợ. Để chữa lại những lời ăn, tiếng nói không hay đã dành cho nhau, hai người bán hàng vừa tranh cãi nhau chỗ ngồi đã nhanh chóng tặng nhau những sản phẩm bán hàng của mình. Đó như một sự xá tội trước thổ công tại khu chợ. Việc làm này như một minh chứng với thổ công rằng con người đã biết lỗi và mong thổ công sẽ phù hộ cho họ được bán đắt hàng.
Ngoài tập tục trên, người bán hàng thường có thói quen đốt vía khi nhập chỗ ngồi bán hàng. Họ quan niệm, khi nhập vào chỗ bán hàng mới hay cũ thì đều phải đốt vía. Chỉ cần dùng một tờ giấy trắng đốt thành lửa và vung xung quanh chỗ ngồi là có thể xua đuổi được tất cả các vía xấu đi để bán hàng được trôi chảy. Nếu ở chỗ mới thì ngọn lửa này sẽ có tác dụng đuổi vía của người chủ cũ để người mới nhập chỗ bán hàng được thuận lợi. Nếu vẫn là chỗ cũ thì ngọn lửa sẽ giúp người bán hàng xua đuổi những vía dữ đi qua làm cản trở đến việc bán hàng của họ.
Sau khi người bán hàng đã thực hiện xong tục lệ đầu tiên, khách hàng mới có thể cầm đèn pin đi tham khảo thị trường. Trong tất cả phiên chợ tết thì gần như hoa quả là mặt hàng được quan tâm hơn cả. Hầu hết lượng khách hàng thời điểm đó đều đổ dồn vào hàng chuối và bưởi. Giá tiền hai loại quả này đã tăng lên gấp 3 đến 5 lần so với ngày thường. Ngày thường, giá chuối dao động từ 1.000 đồng đến 1.500 đồng/quả. Tại phiên chợ tết ngày 25 tháng chạp có giá 5000 đồng đến 6.000 đồng/ quả. Giá bưởi ngày thường từ 7.000 đồng đến 10.000 đồng/ quả nhưng đã được đội lên với giá bất ngờ từ 40.000 đồng đến 100.000 đồng/ quả. Vào thời điểm 5h, theo khảo sát của phóng viên thì số lượng bưởi và chuối tại chợ được bán đi khá nhiều.
Qua tìm hiểu, phóng viên được chứng kiến một tập tục lạ khác của người bán hàng. Những người bán hàng rất coi trọng người mở hàng. Bằng mọi cách họ sẽ tạo được người mở hàng tốt cho gánh hàng của mình không bị ế. Vì là người đầu tiên mua hàng nên họ quan niệm người mở hàng phải là người mua nhanh, mua đắt thì mới nhanh hết hàng. Nếu gặp phải người mở hàng hay mặc cả hoặc kì kèo, bớt đồng một, đồng hai, người bán hàng nhất định sẽ không bán. Hoặc có bán thì họ sẽ chém vía. Người bán hàng sẽ dùng một con dao nhỏ chém trên không trước mặt hàng của mình, vừa chém vừa niệm thành tiếng chém vía, chém vía, vía lành thì ở, vía dữ thì đi. Trong trường hợp lâu không có khách hàng hỏi mua, người bán hàng cũng áp dụng chiêu thức này để bán hàng.
Trong trường hợp người mở hàng là họ hàng gần hoặc thân thiết thì người bán hàng sẽ không nói giá thành mà thường tặng luôn hàng cho người đó. Nếu người kia nhất định trả tiền thì người bán hàng sẽ chỉ lấy một đồng tiền duy nhất (không quan trọng mệnh giá là bao nhiêu). Họ quan niệm, nếu lấy nhiều hơn một đồng sẽ có sự hơn kém và việc bán hàng về sau sẽ có sự mặc cả, thêm bớt và không trôi chảy.
Theo đó, nếu nhà nào có cô con dâu mới không biết các tập tục phiên chợ tết quê chồng mà không đi chợ tết đêm, hoặc chẳng may là người mở hàng bớt một thêm hai sẽ không tránh khỏi tai tiếng là nhập gia mà chưa thuần tục. Và nhà đó sẽ không được may mắn trong năm mới.
Từ 7h đến 8h là thời điểm chợ đông nhất. Những mặt hàng truyền thống như nón lá, hàng mã, trầu cau vẫn luôn được người dân nơi đây ưa chuộng và mua nhiều nhất.
Bình Minh