Nhập xe túc túc: Chỉ là chuyện nói chơi khôi hài?

Nhập xe túc túc: Chỉ là chuyện nói chơi khôi hài?

Thứ 5, 27/12/2012 23:45

Theo đánh giá của các chuyên gia, cấm xe lam, nhập túc túc là ý tưởng vô cùng "hài hước", chẳng khác gì bỏ mối lo cũ, rước mối họa mới...

Cách đây nhiều năm, cơ quan chức năng rầm rộ ra quân cấm xe lam, xe ba bánh tự chế vì cho rằng phương tiện này là chủ mưu gây nạn tắc đường, mắc tội coi thường tính mạng nhân dân, làm ô nhiễm môi trường và nhiều tội khác. Qua thời gian, loại xe này gần như tuyệt chủng. Thế nhưng, mới đây Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội lại "mở đường" cho loại xe tương tự tái xuất bằng cách kiến nghị cho lưu hành xe túc túc tại Hà Nội.

Xã hội - Nhập xe túc túc: Chỉ là chuyện nói chơi khôi hài?

Nhiều chuyên gia lo ngại xe túc túc sẽ gây rối loại giao thông nội đô

Đa dạng hóa nhưng không tùy tiện

Theo đề xuất gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), ông Bùi Danh Liên, chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội đã đề nghị Bộ cho nhập khẩu và lưu hành loại xe 3-4 bánh (còn gọi là xe túc túc). Theo lý giải của ông Liên, xe túc túc hiện đang được nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Ấn Độ, Singapore... sử dụng phổ biến. Bản đề xuất này cũng nói rõ, nếu được chấp nhận, xe túc túc sẽ được lưu hành trên đường các quận, huyện (ngoại trừ quốc lộ), tiếp nối với các nhà chờ xe buýt, gom khách và đón tiễn khách của phương tiện công cộng. Để đảm bảo sự quản lý chặt chẽ, đề xuất cũng nêu rõ chỉ có các Hợp tác xã, tổ hợp mới được mua xe túc túc theo quy hoạch riêng của địa phương đó.

Từ trước đến nay, chúng ta đã không còn lạ lẫm gì với những đề xuất nhằm hạn chế phương tiện cá nhân, "cứu" giao thông đô thị. Tuy nhiên, đề xuất lần này của Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Người dân "than trời" vì vừa thoát nạn xe lam, xe tự chế ba bánh nay lại nơm nớp lo sợ nếu xe túc túc được lưu hành trên đường phố. Nhiều chuyên gia cho rằng đề xuất này hoàn toàn bất khả thi, thậm chí có người còn lo ngại xe túc túc sẽ gây loạn giao thông Hà Nội.

Đem thông tin về ý tưởng này liên lạc với Bộ Giao thông Vận tải, ông Nguyễn Văn Lưu, chánh văn phòng Bộ cho biết: "Hiện Bộ chưa nhận được văn bản đề xuất của Hiệp hội Vận tải Hà Nội. Chúng tôi sẽ kiểm tra, trình các cơ quan liên quan, các nhà chuyên môn và địa phương để xem xét đánh giá. Theo tôi, đây là vấn đề lớn, cần cân nhắc kỹ lưỡng, không thể một sớm một chiều nói được là được. Phương tiện này còn liên quan đến an toàn giao thông, quản lý sử dụng cũng như chủ trương phát huy hàng nội địa trong nước. Bởi tôi được biết, loại xe túc túc là xe nhập khẩu từ nước ngoài".

Có cái nhìn thận trọng về "phát kiến" này, ông Nguyễn Văn Thanh, phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam khẳng định: "Đa dạng hóa vận tải công cộng, không nên bó hẹp trong một loại duy nhất để có thể linh động trong mọi điều kiện hoàn cảnh là điều cần thiết. Tuy nhiên cần có một sự tính toán kỹ lưỡng từ nhà quản lý, không nên tùy tiện nhập phương tiện ngoại lai làm rối loạn giao thông trong nước".

Theo quan điểm của ông Thanh, ở một số nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore họ sử dụng loại xe túc túc khá hiệu quả vì hệ thống giao thông của họ khác mình. Về việc có nên đưa xe túc túc vào sử dụng hay không, ông Thanh nhìn nhận: "Cái đó chính quyền địa phương quyết định, đề án chung phải đa dạng hóa các loại hình vận tải công cộng, xe dưới 12 chỗ ngồi có thể vào ngõ ngách được thì sẽ hạn chế được xe cá nhân, chứ sử dụng loại xe nào cho phù hợp thì do thành phố quyết định. Xe ba bánh tự chế đã bị cấm, nên tôi nghĩ cần có một loại xe khác để thay thế xe lam. Tuy nhiên, dù loại xe gì thì cũng cần phải tính toán cho kỹ lưỡng, làm sao đảm bảo an toàn trật tự đô thị, vừa đảm bảo giữ gìn môi trường, không gây ô nhiễm".

Theo vị phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô, đề xuất này cũng cần có thời gian nghiên cứu thêm, vì dù sao đây cũng là một giải pháp nhằm "cứu" giao thông đô thị ở nước ta. Ông Thanh nói: "Theo tôi cũng nên nghiêm túc nghiên cứu đề xuất này, cũng đừng vội vàng phủ nhận nó, đừng vì xe lam trước đây hoạt động nhếch nhác, không hiệu quả mà lại ác cảm với xe túc túc. Khi đưa ra đề xuất này chắc chắn người đề xuất người ta cũng có những lý do, những phương án giải quyết thì mới đưa ra đề xuất chứ. Thực sự hiện nay người dân đang bức xúc vì phương tiện vận tải công cộng không đáp ứng được, buộc lòng họ phải đi xe máy, xe cá nhân. Hiện tại nhu cầu đi lại của người dân đô thị là rất lớn, trong khi đó taxi lại rất đắt, xe ôm cũng đắt và "chặt chém" không kém. Do đó, người dân cần có một loại phương tiện vận tải công cộng phổ thông hơn, ổn định hơn, giá cả phải chăng thì vẫn tốt cơ mà. Tôi chưa đồng tình ngay với đề xuất này, tuy nhiên cần phải có sự tính toán kỹ lưỡng hơn, chúng ta cũng không nên nhìn nhận nó là xấu".

Bỏ mối lo cũ, rước họa mới?

Liên quan đến "phát kiến" đưa xe túc túc vào lưu hành tại nước ta, ông Thân Văn Thanh, nguyên chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, hiện chúng ta vẫn chưa kiểm soát triệt để loại xe tự chế theo Nghị quyết 32. Bây giờ lại đưa xe túc túc, một loại phương tiện 3 - 4 bánh, tương tự xe lam trước đây là không hợp lý. Thậm chí, trước đây chúng ta đã cấm xe lam, nay lại cho loại "xe lam" cải tiến vào khác gì bỏ mối lo cũ rước mối lo mới. "Ở những đất nước không có xe gắn máy, đưa xe túc túc vào hoạt động còn có thể chấp nhận được, chứ nước ta số loại phương tiện trên đường phố đã rất nhiều: Xe đạp, xe máy, ô tô con, xe buýt, bán tải.... Nếu thêm một loại nữa, giao thông nội đô sẽ rối như canh hẹ. Mặc dù tôi là thành viên tổ cố vấn của Hiệp hội Vận tải Hà Nội nhưng tôi không đồng tình với ý tưởng đó", ông Thanh nhấn mạnh.

Cùng quan điểm với ông Thân Văn Thanh, TS. Nguyễn Xuân Thủy, nguyên giám đốc NXB Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) lo ngại khi đưa xe túc túc vào sử dụng có thể sẽ làm rối loạn giao thông Hà Nội. "Ý tưởng đưa xe túc túc vào sử dụng mới đầu nghe hợp lý, vì đây là một cách gom dân, gom khách lên xe nhằm giảm bớt sự hoạt động của xe máy. Tuy nhiên, xét về lịch sử thì đó là một việc làm không hợp lý. Không hợp lý ở chỗ, trước đây chúng ta đã cố gắng hạn chế và cấm xe lam, loại xe chạy gây ô nhiễm thành phố. Đến nay, việc cấm đó đã xong, những người mà trước đây họ lái xe lam nay cũng ổn định cuộc sống, nhiều người mua xe tải nhỏ, bây giờ tương đối ổn định đô thị rồi, do đó không nên đưa xe túc túc vào sử dụng nữa. Mặt khác, túc túc là loại xe có lợi thế là luồn lách, chở người ít, gọn nhẹ, do đó nếu đưa vào sẽ là yếu tố gây lộn xộn, mất an toàn thậm chí gây tắc nghẽn giao thông. Nó sẽ là một đối thủ cạnh tranh khốc liệt với xe tải nhỏ, vậy là bao nhiêu xe tải đã được đầu tư giờ có thể bị đánh bại bởi xe túc túc", ông Thủy cho biết.

Từng nhiều năm nghiên cứu về giao thông đô thị, T.S Nguyễn Xuân Thủy trăn trở: "Nếu nhập xe túc túc thì thà sử dụng xe ba bánh do chúng ta chế tạo mà trước nay ta cấm nó. Khi đó sẽ mở những xưởng sản xuất xe lam đàng hoàng, sản xuất xe lam đẹp và tạo công ăn việc làm cho nhiều người lao động. Nhập xe túc túc sẽ làm mất ngoại tệ, làm mất đất sống của xe trong nước".

Phản bác lại ý tưởng cho rằng xe túc túc có chức năng gom khách trong các đô thị, ông Thủy cho rằng: "Nếu nói xe túc túc dùng để gom khách là không đúng, vì lúc nhập vào xe túc túc không làm chức năng gom khách, mà tự mở tuyến của riêng nó, lúc đó sẽ chồng chéo với xe máy, với taxi, xe bus. Do đó, nói xe túc túc dùng để gom khách là không khả thi. Một yếu tố nữa xe túc túc gây ô nhiễm, nó sử dụng nhiên liệu xăng hoặc diesel trong khi đó bộ lọc khí lại không bằng xe máy, ô tô cho nên gây ô nhiễm, cộng với tiếng ồn lớn. Do đó, tôi cho rằng nên từ bỏ ngay ý tưởng quay trở lại xe lam ngày xưa, phải có một cách nhìn nhận lâu dài. Nếu cần có một loại xe như vậy để lưu thông thì nên sử dụng xe do chúng ta tự sản xuất, chứ không nên nhập khẩu. Xe này không có tác dụng, gây mất trật tự, gây ô nhiễm, chiếm dụng thị trường đô thị. Đề xuất này không khả thi, không hiệu quả".

Túc túc là thủ phạm gây ô nhiễm môi trường

TS Khuất Việt Hùng (Phó Viện trưởng Viện quy hoạch Quản lý giao thông - ĐH GTVT) cho rằng: Nếu cần dùng xe túc túc thì trong nước có khả năng sản xuất được, không nên phải nhập khẩu. Đối với loại xe túc túc do Trung Quốc sản xuất, chạy bằng dầu diesel sẽ gây ô nhiễm môi trường, ở Thái Lan họ đang nghiên cứu loại xe túc túc sử dụng khí ga hóa lỏng để đảm bảo môi trường. Do đó, chúng ta không cần thiết phải nhập khẩu loại xe này như đề xuất của Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội.

Anh Đức - Hà Khê


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.