Hai tuần lễ sau, quân đội Đồng Minh bắt đầu việc chiếm đóng trên đất Nhật và ngày 2 tháng 9 bộ trưởng ngoại giao Nhật Bản Mamoru Shigemitsu lên chiến hạm USS Missouri ngoài khơi Tokyo chính thức ký văn bản đầu hàng.
Diễn tiến lịch sử qua ¼ thế kỷ sau đó đã chuyển hóa Nhật Bản từ một đế quốc quân phiệt thành một quốc gia dân chủ và cường quốc kinh tế trên thế giới xóa bỏ hoàn toàn những hình ảnh đổ nát hoang tàn của chiến tranh. Thế hệ những quân nhân đem sức mạnh của Nhật áp đặt quyền lực trên một đế quốc rộng lớn trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, trong đó hàng triệu binh sĩ đã hy sinh vì mục tiêu bành trướng ấy, phần lớn cũng không còn tồn tại đến nay nữa.
Cựu quân nhân mặc quân phục và mang vũ khí thời chiến tranh đế quốc xâm lược, tại đền tử sĩ Yasukuni ở Tokyo, trong ngày lễ kỷ niệm Nhật Bản đầu hàng chấm dứt Thế Chiến II.
Nhưng trong tâm lý của nhiều dân tộc kể cả người Nhật, nhiều ký ức đau thương vẫn còn ám ảnh và hàng năm cứ đến tháng 8 dù muốn dù không lại được gợi lên bằng những sự kiện hay tình huống phức tạp.
Ngôi đền tử sĩ Yasukuni ở Tokyo, luôn luôn là trung tâm gây ra tranh luận. Với dân Nhật đây là nơi tôn kính thờ phụng 2.5 triệu tử sĩ chiến tranh, những người bằng tinh thần ái quốc đã một thời xây dựng nên niềm hãnh diện của đế quốc Nhật Bản oai hùng trên thế giới. Dân chúng và nhiều chính trị gia vào dịp kỷ niệm sự kết thúc của một giai đoạn huy hoàng đối với họ, vẫn hàng năm đến viếng ngôi đền này.
Còn đối với nhiều dân tộc, từ Trung Quốc đến Triều Tiên và cả Australia, đền Yasukuni là biểu tượng cay đắng về đế quốc xâm lược, của những tội ác chiến tranh mà binh sĩ Nhật đã gây nên trong nửa đầu thế kỷ 20. Họ cho rằng đền Yasukuni thờ cả những phạm nhân chiến tranh như Hideki Tojo, thủ tướng thời chiến tranh bị tòa án quốc tế kết án tử hình và hành quyết năm 1948.
Nhật Bản đã nhiều lần chính thức lên tiếng tạ lỗi các nước về những hành động trong chiến tranh, tuy nhiên không thỏa mãn nhiều yêu sách bồi thường, và không bao giờ có sự lùi bước trong vấn đề ngôi đền Yasukuni được mặc nhiên coi là thiêng liêng đối với dân tộc họ.
Nhiều lần những năm trước đây, mỗi khi có một giới chức cao cấp chính phủ Nhật Bản đến thăm viếng ngôi đền, đều đưa tới những sự phản đối và rắc rối ngoại giao với Trung Quốc, Nam Hàn và Bắc Hàn.
Thủ tướng Shinzo Abe mới đây có nói rằng ông lấy làm tiếc là trước đây ở nhiệm kỳ đầu tiên chỉ trong một năm, 2006-2007, ông đã không đến viếng đền Yasukuni vào ngày lễ kỷ niệm. Nhưng khi được các phóng viên hỏi rằng bây giờ ông có ý định làm việc ấy không, Thủ tướng Abe đáp: “Kể từ khi vấn đề này mang tính cách chính trị và ngoại giao, tôi không thể nói nữa”.
Những thăm dò dư luận cho biết đa số dân Nhật tán thành việc các nhà lãnh đạo đến viếng đền Yasukuni, mặc dầu đây chưa hẳn là ngôi đền có đông đảo dân chúng đến lễ so với nhiều đền Thần Đạo (Shinto) khác.
Đền Yasukuni thành lập năm 1869 để thờ 3,588 võ sĩ trung thành với các lãnh chúa chết trong cuộc chiến tranh với quân đội của Thiên Hoàng Minh Trị. Hoàng gia Nhật ít khi đến viếng thăm đền và thái tử Akihito chỉ đến đây một lần duy nhất năm 1975 trước khi lên ngôi năm 1989.
Thủ tướng Abe hôm thứ Năm đặt vòng hoa tại nghĩa trang quốc gia, nơi an táng 352,000 nạn nhân chiến tranh vô danh. Ông cũng tới đứng nghiêng mình rất lâu ở buổi lễ tưởng niệm tổ chức trong vận động trường có mái che Nippon Budokan, có sự hiện diện của Nhật hoàng Akihito và hoàng hậu Michiko.
Dân Nhật xếp hàng vào đền Yasukuni.
Thủ tướng Abe quyết định không đến viếng đền Yasukuni và cử một phụ tá tới.mang theo lễ vật mua với tiền riêng của ông. Tuy vậy, hai bộ trưởng trong nội các Nhật cùng hàng chục nghị sĩ quốc hội đã đến viếng đền. và ngay lập tức thứ trưởng bộ ngoại giao Trung Quốc Liu Zhenmin triệu vời đại sứ Nhật Bản ở Bắc Kinh Masato Kitera tới để nhận lời phản kháng.
Phát ngôn viên Hồng Lỗi bộ ngoại giao Trung Quốc tuyên bố: “Chúng tôi kêu gọi phía Nhật Bản tôn trọng lời cam kết nhìn nhận và suy ngẫm về lịch sử xâm lược của họ, cư xử thận trọng trong những vấn đề hữu quan và bằng hành động cụ thể tạo được sự tin tưởng của dân chúng những quốc gia Á châu nạn nhân và cộng đồng quốc tế”.
Tại Seoul, các phụ nữ từng bị bắt làm nô lệ tình dục phục vụ trong các nhà chứa của quân đội Nhật khi Triều Tiên là thuộc địa của Nhật từ đầu thế kỷ 19, cùng một số người ủng hộ hôm thứ Năm biểu tình trước tòa đại sứ Nhật đòi được sự xin lỗi và bồi thường.
Trong khi đó, 4 dân biểu Nam Hàn qua Nhật Bản, định đến đền Yasukuni nhưng bị cảnh sát ngăn chặn vì sợ gặp rắc rối và họ đã bày tỏ sự phản đối tại một góc đường cách xa mấy dãy phố.
Một phần do những tranh chấp chủ quyền các hải đảo giữa Nhật với Trung Quốc, Nga, Nam Hàn, khuynh hướng dân tộc đang có ưu thế trong sinh hoạt chính trị Nhật Bản. Thủ tướng Abe là người ủng hộ chủ trương sửa đổi bản hiến pháp hòa bình hậu chiến theo đó điều 9 quy định là quân đội Nhật Bản chỉ có vai trò tự vệ, không được tham dự vào chiến tranh ở nước ngoài.
Ngày 6 tháng 8, Nhật Bản vừa đưa vào sử dụng chiến hạm lớn nhất được đóng kể từ Thế Chiến II. Chiếc Izumo (DDH-183) được gọi là khu trục hạm nhưng lớn hơn rất nhiều so với các khu trục hạm thông thường và thật ra là một tàu xung kích mang trực thăng, có lượng dãn nước tối đa 29,000 tấn, chiều dài 248 mét, rộng 39 mét, sân bay phẳng chở được 14 trực thăng với 5 trực thang có thể bay lên hay đáp xuống cùng lúc.
Gần ¾ thế kỷ sau chiến tranh, Nhật Bản đang là cường quốc kinh tế đứng hàng thứ ba trên thế giới và giữ vai trò quốc tế quan trọng đồng thời cũng dần dần phục hồi sức mạnh quân sự nhưng với hy vọng chỉ nhắm mục tiêu bảo vệ hòa bình không còn mang ý đồ bành trướng như ở cuối thiên kỷ trước.
P.V (Tổng hợp)