Thuốc Lecanemab, nhãn hiệu Leqembi, là thuốc đầu tiên được cấp phép ở Nhật Bản vừa để điều trị các nguyên nhân tiềm ẩn gây bệnh Alzheimer vừa có tác dụng làm chậm quá trình phát triển các triệu chứng của bệnh.
Thuốc dùng điều trị bệnh trong giai đoạn đầu và suy giảm nhận thức nhẹ, dự kiến sẽ được đưa vào sử dụng sớm nhất là cuối năm nay. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo thuốc này có thể gây ra các tác dụng phụ, bao gồm cả một số tác dụng phụ nghiêm trọng.
Trước đó, một thử nghiệm lâm sàng đa quốc gia cho thấy 17,3% số người dùng Lecanemab bị chảy máu não trái ngược với 9% những người dùng giả dược, trong khi sưng não được quan sát thấy ở 12,6% với Lecanemab và 1,7% với giả dược.
Các chuyên gia cho biết, tình trạng của những người được điều trị sẽ cần phải được theo dõi cẩn thận, đặc biệt nếu họ có các vấn đề sức khỏe khác.
Tại Mỹ, thuốc này đã được phê duyệt vào tháng 7 nhưng các nhà chức trách đã bắt buộc bệnh nhân phải trải qua xét nghiệm gen APOE. Những người có APOE4, một trong ba loại gen APOE, có nhiều khả năng mắc bệnh Alzheimer hơn. APOE4 cũng là một yếu tố nguy cơ gây sưng não và chảy máu được gọi là ARIA, do thuốc kháng thể gây ra. Nhưng ở Nhật Bản, xét nghiệm di truyền sẽ không được yêu cầu khi sử dụng Lecanemab.
Việc điều trị bằng Lecanemab sẽ được theo liệu trình tiêm thuốc hai tuần/lần và thời gian kéo dài trong 1,5 năm, bên cạnh việc theo dõi tình trạng não của bệnh nhân thông qua quét MRI.
Được biết, giá thuốc ở Mỹ là 26.500 USD/năm. Giá thuốc tại Nhật Bản cũng được cho là sẽ ở mức cao.
Minh Hoa (t/h theo Vietnam+, báo Phụ nữ Tp.HCM)