Với hiệu suất làm việc lên đến 130 petaflops, siêu máy tính của Nhật Bản sẽ vượt qua siêu máy tính nhanh nhất thế giới hiện nay là Sunway TaihuLight (Trung Quốc) có hiệu suất 93 petaflops. Một petaflop tương đương với một triệu tỷ phép tính mỗi giây.
Viện Khoa học Công nghiệp Tiên tiến và Công nghệ (AIST) của Nhật Bản không chỉ nhằm mục đích xây dựng siêu máy tính nhanh nhất thế giới mà họ cũng muốn tạo ra một trong những siêu máy tính hoạt động hiệu quả nhất.
Cụ thể, AIST hướng đến mục tiêu tạo ra siêu máy tính có lượng điện năng tiêu thụ dưới 3 megawatt (MW), một con số đáng kinh ngạc khi mà siêu máy tính cao nhất của Nhật Bản hiện nay nằm trong Top500 là Oak Forest-PACS chỉ cung cấp hiệu năng 13,6 petaflops với cùng mức năng lượng. Còn siêu máy tính TaihuLight của Trung Quốc cũng tiêu thụ hơn 15 MW.
AIST cũng đang hướng tới hiệu quả sử dụng điện năng (tỷ lệ tổng điện năng tiêu thụ, trong đó có yêu cầu làm mát) dưới 1,1. Đó là giá trị PUE chỉ đạt được bởi các trung tâm dữ liệu hiệu quả nhất thế giới.
Viện AIST có kế hoạch sử dụng hệ thống làm mát bằng chất lỏng - kỹ thuật cũng đang được hướng đến sử dụng cho siêu máy tính Atos của Pháp. Atos là siêu máy tính hướng đến hiệu suất exaflop, nhưng sản phẩm chỉ có sẵn vào năm 2020, trong khi AIST hy vọng siêu máy tính của họ sẽ hoàn tất trong vòng 1 năm kể từ thời điểm hiện tại.
Mục tiêu siêu máy tính mà AIST hướng đến là tối ưu hóa cho các tính toán như lập mô hình khí quyển hoặc mô phỏng vũ khí hạt nhân. Nó cũng được nhắm mục tiêu vào trí thông minh nhân tạo (AI). Dự án siêu máy tính của Nhật Bản mang tên AI Bridging Cloud Infrastructure (ABCI) sẽ được phát triển tại Đại học Tokyo.
Kiến An theo Computerworld