Ngày 17/3, Chính phủ Nhật Bản đã chính thức quyết định dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch trọng điểm đối với 18 tỉnh, thành phố còn lại vào đúng thời hạn ngày 21/3, đồng thời chuyển trọng tâm sang khôi phục kinh tế.
Theo đó, toàn bộ 18 tỉnh, thành phố gồm: Hokkaido, Aomori, Ibaraki, Tochigi, Gunma, Saitama, Chiba, Tokyo, Kanagawa, Shizuoka, Aichi, Gifu, Ishikawa, Kyoto, Osaka, Hyogo, Kagawa và Kumamoto sẽ bình thường hóa tất cả các hoạt động kinh tế, xã hội. Đây là lần đầu tiên kể từ đầu tháng 1/2022, không có một địa phương nào tại Nhật Bản phải áp dụng tình trạng khẩn cấp hay thực hiện các biện pháp trọng điểm phòng dịch.
Như vậy, từ sau ngày 21/3, các cơ sở kinh doanh ăn uống sẽ không còn bị giới hạn thời gian mở cửa, được phép cung cấp đồ uống có cồn và không giới hạn số lượng người ngồi chung một bàn là 5 người như trước.
Các địa điểm tổ chức sự kiện sẽ được phép tiếp nhận đủ số người tham gia theo sức chứa, thay vì hạn chế ở mức dưới 20.000 người.
Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh dịch Covid-19 ở Nhật Bản đã có dấu hiệu chuyển biến tích cực, trong khi các tiêu chuẩn đánh giá dịch bệnh cũng đã được thay đổi cho phù hợp với tình hình mới.
Các địa phương vẫn duy trì trạng thái bình thường ngay cả khi số ca nhiễm mới tăng nhẹ hoặc vẫn đứng ở mức tương đối cao, nhưng tỉ lệ sử dụng giường bệnh dành riêng cho bệnh nhân Covid-19 dự kiến sẽ giảm.
Trường hợp tỉ lệ sử dụng giường dành riêng cho bệnh nhân Covid-19 trên ngưỡng 50% nhưng số ca nhiễm mới đang có xu hướng giảm thì vẫn không áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm.
Cùng với việc dỡ bỏ áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm, Nhật Bản cũng thay đổi quy định cách ly với những người tiếp xúc gần các ca nhiễm Covid-19.
Cụ thể, tùy vào tình hình dịch bệnh và áp lực đối với hệ thống y tế ở từng địa phương, những người tiếp xúc trong các doanh nghiệp sẽ không cần phải cách ly mà vẫn đi làm bình thường. Đây là biện pháp nhằm duy trì hoạt động kinh tế - xã hội phù hợp với tình hình mới.
Các biện pháp hạn chế phòng dịch trong thời gian qua đã tác động tiêu cực đến hoạt động kinh tế tại Nhật Bản. Do đó, quyết định dỡ bỏ lần này sẽ là cơ hội để khôi phục các hoạt động kinh tế, đặc biệt là đối với lĩnh vực du lịch và dịch vụ.
Song giới chuyên gia y tế nước này lưu ý, mặc dù dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp phòng dịch trọng điểm, nhưng không thể xem nhẹ nguy cơ tái bùng phát làn sóng lây nhiễm thứ 7 với biến thể phụ BA.2 của Omicron (còn gọi là “Omicron tàng hình”) được đánh giá có tốc độ lây nhiễm nhanh hơn.
Do đó, điều quan trọng là chính quyền các địa phương phải tiếp tục củng cố hệ thống y tế và người dân được khuyến cáo nên thực hiện triệt để các biện pháp phòng chống dịch cơ bản cũng như tiêm phòng đầy đủ vắc-xin ngừa Covid-19 mũi tăng cường.
Ngoài ra, chính quyền mỗi địa phương căn cứ vào tình hình dịch bệnh cụ thể có thể linh hoạt duy trì một phần các quy định trong các biện pháp phòng dịch trọng điểm nếu thấy cần thiết.
Minh Hoa (t/h theo Vietnam+, VTV)