Chính phủ Nhật Bản đã cam kết tăng số tiền mà trợ cấp cho các gia đình có trẻ em chuyển ra khỏi khu vực thủ đô Tokyo từ 300.000 yên (54,2 triệu đồng) lên 1 triệu yên (180 triệu đồng) kể từ tháng 4/2023.
Được giới thiệu vào năm 2019, chương trình này nhằm khuyến khích những người đang nuôi con nhỏ chuyển đến các khu vực có tỉ lệ sinh giảm và dân số già.
Mỗi hộ gia đình sẽ nhận được 1 triệu yên nếu họ đáp ứng một trong 3 điều kiện, nhưng một cặp vợ chồng có 2 con có thể nhận được tới 3 triệu yên (khoảng 541 triệu đồng) khi rời Tokyo, theo hãng tin Nhật Bản Nikkei.
Điều kiện cần đáp ứng
3 điều kiện phải đáp ứng để được hỗ trợ là có việc làm tại một công ty vừa và nhỏ trong khu vực mà gia đình sẽ chuyển đến, tiếp tục công việc hiện tại từ xa sau khi chuyển đi, hoặc bắt đầu kinh doanh tại nơi ở mới của họ.
Theo hãng tin Kyodo, nếu một cặp vợ chồng có 2 con chuyển đến và bắt đầu kinh doanh ở quê hương mới, họ sẽ nhận được khoản hỗ trợ tài chính lên tới 5 triệu yên (hơn 900 triệu đồng) từ chính phủ.
Để đủ điều kiện nhận hỗ trợ, các hộ gia đình cũng phải sống ở một trong 23 phường của Tokyo trong hơn nửa thập kỷ qua, bao gồm cả năm vừa qua.
Bên cạnh đó, các gia đình có cha mẹ chuyển đến sống tại các phường trên các vùng khác của Tokyo, và các gia đình ở các quận Saitama, Chiba và Kanagawa, cũng đủ điều kiện tham gia.
Trẻ em phải dưới 18 tuổi hoặc 18 tuổi nhưng đang học năm cuối cấp ba thì gia đình mới được nhận khoản tiền trợ cấp.
Những người đồng ý chuyển đi sẽ nhận được trợ cấp bất kể thu nhập của họ là bao nhiêu, nhưng họ phải cam kết sống ở đô thị mới của họ trong ít nhất 5 năm. Nếu các gia đình nhận được khoản trợ cấp nhưng chuyển đi trước khi hết thời hạn 5 năm, họ sẽ phải trả lại.
Chương trình này hiện đang áp dụng tại khoảng 1.300 đô thị của Nhật Bản, chiếm 80% số quận của đất nước.
Vấn đề dân số
Chính sách khuyến khích tái định cư của Nhật Bản là một phần trong chiến lược rộng lớn hơn nhằm giải quyết một vấn đề cấp bách và dai dẳng: dân số già.
Năm ngoái, có 90.526 công dân 100 tuổi ở Nhật Bản. Con số này đã tăng gấp 5 lần trong 2 thập kỷ. Các chuyên gia coi đây là một xã hội “siêu già”.
Dữ liệu chính thức cho thấy dân số nước này đã giảm mạnh kỷ lục 726.342 người từ năm 2020 đến năm 2021, đánh dấu năm thứ 13 liên tiếp dân số giảm do số ca tử vong nhiều hơn số ca sinh. Dân số Nhật Bản năm 2021 do đó ở mức 125,9 triệu người, giảm 0,57% so với năm 2020.
Trong khi đó, chỉ có 384.942 trẻ sơ sinh chào đời trong 6 tháng đầu năm 2022, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2021, theo số liệu do Bộ Y tế Nhật Bản công bố vào giữa tháng 9/2022.
Bộ này dự đoán rằng tổng số trẻ sơ sinh trong cả năm 2022 ở Nhật Bản sẽ ít hơn con số 811.604 năm 2021 và gần như chắc chắn dưới 800.000.
Một số nhà nghiên cứu dự đoán rằng dân số Nhật Bản sẽ giảm xuống còn 90 triệu người vào năm 2055. Thời điểm đó, 41% người dân sống ở nước này sẽ trên 65 tuổi.
Trong khi đó, các báo cáo của chính phủ Nhật Bản dự đoán rằng với “mức sinh trung bình”, dân số nước này có thể giảm xuống dưới 100 triệu vào năm 2048, sau đó giảm xuống còn 86,4 triệu vào năm 2060. Những con số này thậm chí còn thấp hơn nữa nếu “mức sinh thấp”.
Nỗ lực có mang lại kết quả?
Trong nỗ lực chống lại các vấn đề kinh tế - xã hội liên quan đến dân số già hóa, chẳng hạn như tăng chi tiêu phúc lợi và giảm doanh thu từ thuế, chính phủ Nhật Bản đã công bố một loạt các biện pháp can thiệp bao gồm các chương trình nhằm giảm tình trạng “tham công tiếc việc” – thường là lý do người dân đưa ra cho việc ngại sinh con.
Bằng cách cung cấp cho các gia đình một động lực tài chính lớn hơn để rời khỏi thủ đô, chính phủ Nhật Bản kỳ vọng sẽ nhận được phản hồi tích cực hơn từ người dân so với 3 năm trước, khi kế hoạch này được đưa ra.
Tuy nhiên, kế hoạch này không giải quyết được vấn đề mà phần lớn các cặp vợ chồng trẻ Nhật Bản đang gặp phải.
“Số tiền chúng tôi nhận được từ chính phủ chắc chắn rất hữu ích khi tôi sinh con và chúng tôi rất biết ơn, nhưng số tiền đó vẫn không trang trải hết chi phí nằm viện của tôi”, Ayako, một bà nội trợ giấu tên ở Tokyo cho biết.
Hoàn cảnh của Ayako khá khó khăn vì cô phải sinh mổ, trong khi chi phí sinh con trung bình ở Nhật Bản dao động vào khoảng 473.000 yên (hơn 85 triệu đồng), theo tờ Mainichi.
“Chúng tôi rất muốn sinh thêm đứa nữa, nhưng vợ chồng tôi xác định điều đó thực sự là không thể. 80.000 yên đương nhiên là giúp ích cho chúng tôi rất nhiều, nhưng liệu số tiền đó đủ dùng trong bao lâu? Một đứa trẻ cần quần áo và thức ăn. Nó sẽ lớn nhanh thôi, và đòi hỏi nhiều hơn thế”, Ayako chia sẻ.
“Thu nhập của chúng tôi đã giảm đi vì tôi phải nghỉ làm. Dù chồng tôi có một công việc ổn định và thu nhập vẫn như trước khi xảy ra đại dịch, nhưng chi phí thực phẩm, nhiên liệu, v.v. đã tăng mạnh trong những tháng gần đây”, cô nói thêm.
Theo bà Noriko Hama, giáo sư kinh tế tại Đại học Doshisha ở Kyoto, Nhật Bản từ lâu đã thiếu chỗ tại các nhà trẻ dành cho các bậc cha mẹ đang đi làm. Điều trớ trêu là có quá ít trẻ em, trong khi các sự kiện ở trường, các đội thể thao và các hoạt động sau giờ học cũng tốn kém không ít.
“Hiện tại, mọi người không hài lòng với môi trường nuôi dạy trẻ. Cơ sở hạ tầng xã hội kém khiến mọi người không cảm thấy đủ an toàn để sinh con. Cho đến khi vấn đề này được cải thiện, tỉ lệ sinh sẽ không phục hồi”, bà nhận định.
Nguyễn Tuyết (Theo Fortune, DW, Bloomberg)