Nhiều năm qua luôn bị coi là dòng sông "chết" giữa lòng Thủ đô, nay sông Tô Lịch được đề xuất thành công viên lịch sử - văn hoá - tâm linh, bên dưới sẽ là hầm ngầm chống ngập kết hợp cao tốc ngầm dọc con sông từ Hoàng Quốc Việt tới Linh Đàm.
Đề xuất được đưa ra bởi Công ty cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt JVE và đối tác Nhật Bản trong buổi Hội thảo “Giải pháp tổng thể cải tạo Sông Tô Lịch thành Công viên Lịch sử - Văn hoá - Tâm linh và các thiết chế văn hoá, hệ thống ngầm, chống ngập kết hợp cao tốc ngầm dọc sông Tô Lịch", tổ chức chiều ngày 7/7.
Nhật Bản sẵn sàng hỗ trợ kinh phí
Theo ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội: “Hiện tại sông Tô Lịch như một con kênh thoát nước thải của Thành phố, dòng nước bổ cập cho sông lại chính là nước bẩn, xả thải. Bên cạnh đó, theo sự phát triển của kinh tế -xã hội, về mặt lịch sử, văn hoá của dòng cũng không còn được hoàn chỉnh".
Do đó, nhằm triển khai 15-NQ/TW của Bộ Chính Trị, Thành phố Hà Nội đã họp và giao nhiệm vụ cho các sở ngành Thành phố: Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Xây dựng, Sở TNMT và các cơ quan liên quan nhằm nghiên cứu, tiếp cận tổng thể để xử lý mọi nội dung liên quan đến sông Tô Lịch.
Những dự án giai đoạn 1, giai đoạn 2, thoát nước từ vốn ODA Nhật Bản chỉ là một phần những vấn đề, sau đó có dự án nhà máy xử lý nước thải Yên Xá ở cuối nguồn hay phương án bổ cập nước cũng chưa phải tất cả, ông Tuấn cho biết
Bởi vậy, rất cần những phương án, sáng kiến mang tính tổng thể như ý tưởng của JVE, để đảm bảo được tính đồng bộ vừa giữ được sông Tô Lịch mang đầy đủ tính lịch sử, văn hóa, đồng thời vẫn cần giải quyết được những vấn đề úng ngập, thoát nước bẩn, xả thải. Đặc biệt, tạo được giá trị về cảnh quan đô thị, bổ sung chức năng để phục vụ lợi ích công cộng.
Trình bày về đề xuất trên, ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần JVE - đơn vị đề xuất dự án cho biết, việc phục hồi sông Tô Lịch không chỉ nằm ở việc giải quyết những vấn đề hiện tại để có được con sông trong sạch như ngày xưa, mà còn phải nâng tầm con sông trở thành một di sản, điểm nhấn văn hoá vượt ra khỏi những trang sách cho Thủ đô.
Theo đó, kinh phí thực hiện dự án chủ yếu từ nguồn vốn vay ưu đãi ODA của Chính phủ Nhật Bản. “Phía Nhật Bản đã đồng ý hai tay, rất sẵn sàng hỗ trợ lên tới hàng tỉ USD, chỉ cần Việt Nam gửi công hàm", ông Tuấn Anh nhấn mạnh.
Tổng thể, dự án sẽ được triển khai tại lưu vực sông Tô Lịch trên địa bàn thành phố, chiều rộng giới hạn từ mép vỉa hè hiện trạng dọc hai bên sông đến tim sông; nằm bên trong mốc chỉ giới đường đỏ của đường hai bên sông.
Độ khả thi đến đâu?
Cụ thể, dự án sẽ gồm hai phần nhiệm vụ và công trình chính: phía dưới mặt đất và ở phía trên sông Tô Lịch.
Về hợp phần hệ thống ngầm chống ngập kết hợp cao tốc ngầm, JVE đề xuất hai hạng mục chính là hệ thống đường cao tốc ngầm hai tầng hoạt động hai chiều riêng biệt kết nối vào ra ở hai điểm nút giao thông huyết mạch của Thủ đô. Bên cạnh đó là hệ chống chống ngập khổng lồ bao gồm các giếng thu nước, hầm ngầm thoát nước (đặt phía dưới tầng cao tốc ngầm) và bể điều áp khổng lồ.
Thực tế rằng, sông Tô Lịch hiện nay đang được thực hiện những dự án thoát nước giai đoạn 1 và giai đoạn 2, tức là chúng ta đang bảo trì tất cả hệ thống công ở các khu vực cấp quận thuộc lưu vực sông Tô Lịch, nhưng khi mưa lớn xảy ra, nước từ khoảng 300 cống đó chảy về sông Tô Lịch thì xảy ra tình trạng ùn ứ, không thể tiêu thoát nghiêm trọng bởi sông Tô Lịch hiện tại là “dòng sông hở".
Bởi vậy, sẽ giải quyết vấn đề này bằng giải pháp ngầm. Hệ thống ngầm theo dự án sẽ có chiều dài khoảng 11,65km bao gồm các máng thu đặt dọc một bên mép hè đường dạo dọc Công viên Lịch sử - Văn hoá -Tâm linh Tô Lịch, sau đó chảy vào 9 giếng nước thu nước khổng lồ bố trí tại 9 vị trí dọc theo sông Tô Lịch.
Mặt khác, bể điều áp khổng lồ sẽ được thiết kế để chứa được hàng triệu m3 nước đáp ứng được các trận mưa lớn với cường độ mưa lên tới 500mm. Đây là mô hình đã được nhiều nước trên thế giới đã và đang triển khai thành công như Nhật Bản, Malaysia, Trung Quốc.
Về hợp phần cải tạo sông thành công viên, hai bên bờ kè đá hộc mái dốc hiện có sẽ được xây dựng lại thành bờ kè thẳng đứng và xây đường dạo dọc hai bên lòng sông để tạo không gian đi bộ, tập thể dục cho người dân. Phía dưới đường dạo tính toán đặt các cửa tràn thu nước, dẫn dòng vào hệ thống ngầm chống ngập để khống chế mực nước trên sông khi có mưa lũ hoặc khi có nguồn nước bổ cập vào sông.
Bên cạnh đó, các công trình nổi cũng sẽ được xây trên sông, xây thêm những cầu mái vòm nối hai bờ sông với độ cong mái phù hợp để thuyền rồng chở khách du lịch có thể di chuyển qua lại….
Nhận định chung về dự án này, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cho rằng, việc đề xuất tạo ra các không gian đi bộ và xây dựng các công trình nổi trên mặt sông Tô Lịch, mang đậm tính văn hoá, lịch sử là một ý tưởng độc đáo và có tính ứng dụng trong quá trình nghiên cứu, triển khai lập các thiết kế đô thị dọc hai bên tuyến đường trên địa bàn TP. Hà Nội.
Mặt khác, việc xây dựng hệ thống hầm ngầm là có cơ sở trong bối cảnh thực trạng biến đổi khí hậu và hiện tượng thời tiết cực đoan đang xảy ra như hiện nay. Theo đó, đồng nghĩa với việc thay đổi chức năng, nhiệm vụ của sông Tô Lịch theo hướng trở thành một tuyến cảnh quan trong đô thị, chức năng thoát nước của sông Tô Lịch được thay thế bởi hệ thống hầm ngầm bố trí dọc sông đã được xác định trong Quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.