Khu vực bị sập nằm trong lòng một ngọn núi cao, cách Thủ đô Tokyo 80 km về phía tây. Hiện tại, số người thiệt mạng trong vụ sập hầm đường bộ đã tăng lên 9 người, số người mất tích hiện chưa xác định được, nhưng nguy cơ ngày càng tăng do khi xảy ra sự cố, có một lượng lớn xe cộ lưu thông trong đường hầm.
Cơ quan Khắc phục thảm họa và hỏa hoạn Nhật Bản cho biết tai nạn xảy ra khi một mảng trần dày khoảng 20 cm bất ngờ sập xuống đè lên 3 xe đang lưu thông. Hai xe bị vùi lấp hoàn toàn, xe còn lại bốc cháy dữ dội. Công tác cứu hộ, cứu nạn đang gặp khó khăn do khói đen lan tỏa khắp đường hầm, nguy cơ đổ sập tiếp tục vì sự thiếu ổn định của công trình.
Khoảng 14 xe chữa cháy cùng số lượng lớn xe cứu thương đã được huy động ở cả 2 đầu của đường hầm.
Công ty Đường cao tốc miền Trung Nhật Bản đã nhận hoàn toàn trách nhiệm trước các cơ quan chức năng và người dân.
“Chúng tôi đã lập ủy ban điều tra tìm hiểu nguyên nhân tai nạn, đồng thời đã cử đoàn chuyên gia tới hiện trường để xác minh sự việc”, Giám đốc Goichi Kaneko nói.
Nguyên nhân ban đầu, có thể do miền Trung nước Nhật vừa phải hứng chịu trận động đất mạnh 4,9 độ richter. Tuy nhiên, người ta không phát hiện ra sự cố nào đối với hệ thống đường hầm xuyên núi vừa bị đổ sập.
Trong khi đó, một giả thuyết khác cho rằng, nguyên nhân gây ra thảm họa sập hầm là do vụ sạt lở đất đá lớn bên trong lòng dãy núi.
Hầm Sasaga đã được 35 năm hoạt động kể từ thời điểm khánh thành đến nay. Nhật Bản hiện có tới 9.100km đường hầm cao tốc, trong đó nhiều nơi có tuổi thọ trên 40 năm với tình trạng xuống cấp nghiêm trọng.
Thiên Yết