Nhật Bản, một trong những nhà nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới, sẽ xem xét các cách thức có thể để giúp đỡ cộng đồng quốc tế nếu có bất kỳ sự gián đoạn nào về nguồn cung khí đốt từ Nga sang châu Âu, Reuters dẫn lời Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Koichi Hagiuda cho biết hôm 4/2.
Trước đó, Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden và một số Chính phủ châu Âu đã liên hệ với Nhật Bản, cũng như các quốc gia khác ở châu Á, về việc chuyển hướng các chuyến hàng khí đốt sang châu Âu, Bloomberg đưa tin hôm 3/2.
“Nhật Bản là nước nhập khẩu năng lượng, và chúng tôi khan hiếm tài nguyên”, Bloomberg dẫn lời Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Koichi Hagiuda cho biết tại cuộc họp báo hôm 4/2 ở Tokyo.
“Mùa đông năm nay được dự báo là rất lạnh, vì vậy chúng tôi cần đảm bảo đáp ứng nhu cầu năng lượng của chính mình trước. Sau đó, Nhật Bản sẽ xem xét những gì có thể làm để giúp đỡ cộng đồng quốc tế”.
Căng thẳng địa chính trị xung quanh vấn đề Ukraine làm tăng thêm lo ngại cho châu Âu trong bối cảnh “lục địa già” vốn đang phải vật lộn với tình trạng khan hiếm nguồn cung nhiên liệu trong nhiều tháng qua.
Giá LNG giao ngay đã tăng lên mức cao kỷ lục trong những tháng gần đây khi các công ty tiện ích ở châu Á và châu Âu phải cạnh tranh với nhau để giành được nguồn cung nhiên liệu siêu lạnh này từ các nhà xuất khẩu trên khắp thế giới, từ Mỹ đến Nigeria.
Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản từ chối bình luận trực tiếp về các cuộc đàm phán ngoại giao giữa Nhật Bản và Mỹ.
Ông cho biết, lựa chọn tốt nhất là tránh không để xảy ra tình huống phải chuyển hướng các chuyến hàng chở nhiên liệu, đồng thời ông hy vọng các nước sẽ tăng thêm nỗ lực cho giải pháp ngoại giao.
Không giống như dầu mỏ, Nhật Bản không có kho dự trữ quốc gia cho khí đốt tự nhiên, Chánh văn phòng Nội các Hirokazu Matsuno cho biết hôm 4/2. Theo ông, Chính phủ Nhật Bản biết rằng các công ty điện và khí đốt trong nước mình có lượng tồn kho chỉ khoảng 2-3 tuần.
Thực ra các nhà nhập khẩu Nhật Bản đã bán nguồn cung rảnh rỗi cho châu Âu trong vài tháng qua do mức chênh lệch giá cả hấp dẫn mà họ có thể thu được ở lục địa này, theo Bloomberg.
Tóm lại, các công ty Nhật Bản đã dự trữ nguồn cung LNG trước mùa đông để tránh tình trạng thiếu hụt tiềm tàng trong khi vẫn chuyển hướng một số chuyến hàng LNG khác.
Tuy nhiên, Bloomberg cho biết, với việc tồn kho nhiên liệu hiện đang cạn kiệt, các nhà sản xuất điện và các nhà phân phối khí đốt của Nhật Bản có thể sẽ cần giữ lại phần lớn lượng LNG đã ký hợp đồng mua trong vài tháng tới để chuẩn bị cho mùa hè.
Điều đó sẽ hạn chế lượng nhiên liệu mà nước này có thể gửi đến châu Âu.
Minh Đức (Theo Bloomberg, Reuters)