Đây được cho là một nỗ lực của chính phủ Nhật Bản nhằm ngăn chặn sự suy giảm dân số. Bởi Nhật Bản là một trong số những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới.
Giám đốc bệnh viện Saint Mother (Kita Kyushu, Nhật Bản), bác sĩ Atsushi Tanaka hy vọng phòng khám sẽ có nhiều bệnh nhân hơn. Trước đó bệnh viện này vốn đã rất đông các cặp vợ chồng đến để điều trị hiếm muộn như làm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Được biết trước đây chi phí thụ tinh trong ống nghiệm lên tới hơn 500.000 Yên (xấp xỉ 4.090 USD)/chu kỳ. Đây là mức giá khá cao so với thu nhập trung bình hàng tháng của đa số các hộ gia đình Nhật Bản.
Bác sĩ Tanaka cho biết thêm, trong tương lai gần nhu cầu thụ thai nhân tạo của các cặp vợ chồng có thể sẽ tăng gấp đôi.
Tuy nhiên, ông và các chuyên gia khác tin rằng những nỗ lực của y học vẫn chưa thể giải quyết được tình trạng khủng hoảng dân số ở Nhật Bản. Bởi trên thực tế bệnh nhân vẫn phải đối mặt với chi phí cao và bảo hiểm không chi trả cho các hoạt động như sàng lọc di truyền và sử dụng trứng của người hiến tặng.
Các chuyên gia cho rằng Chính phủ phải thực hiện nhiều biện pháp hơn nữa vì số lượng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sẽ giảm đi trong tương lai gần.
Kinh nghiệm của Nhật Bản sẽ đóng vai trò như một phép thử cho các nền kinh tế tiên tiến đang đối mặt với tỉ lệ sinh ngày càng giảm. Mặc dù ở một số quốc gia như Đan Mạch và Pháp, các phương pháp điều trị IVF đã gần như được thực hiện miễn phí, nhưng Nhật Bản vẫn được cho là đất nước có hỗ trợ nhiều nhất đối với các phương pháp này.
Hiện tại, Nhật Bản đang đứng đầu thế giới về số lượng phụ nữ sử dụng thụ tinh ống nghiệm. Năm 2019, cứ 14 trẻ thì có 1 trẻ được thụ thai bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm. Tuy nhiên, tỉ lệ sinh ở Nhật vẫn chỉ dao động quanh mức 1.3, thấp hơn nhiều so với mức 2.1 – mức để duy trì dân số ổn định, theo khuyến cáo của tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).
Động thái của Chính phủ Nhật Bản là nỗ lực mới nhất nhằm khích lệ người trẻ sinh con. Trong thập kỷ qua, chính phủ đã mở rộng tài trợ nhà trẻ và trợ cấp hàng tháng cho các gia đình có con nhỏ. Chính sách nghỉ việc chăm sóc con cái của Nhật Bản cũng được coi là “hào phóng” nhất trên thế giới. Mặc dù vậy, do những áp lực xã hội và công việc, hiếm có ông bố nào tận dụng hết những chính sách được cung cấp.
Chính phủ Nhật Bản cũng đã hỗ trợ về mặt tài chính cho các gia đình có thu nhập thấp đang tìm cách điều trị hiếm muộn. Những chính sách này đã tăng khả năng tiếp cận cho những người muốn thực hiện IVF.
Chi phí vẫn là mối lo lớn
Các nhà lập pháp hy vọng rằng chi phí bảo hiểm sẽ khuyến khích các cặp vợ chồng có thu nhập thấp sớm được tiếp cận với phương pháp hỗ trợ sinh sản tiên tiến này.
Bà Yuko Imamura (Viện Y tế và Chính sách Toàn cầu,Tokyo) chia sẻ: “Thật tốt khi những người ở độ tuổi 30 đang cần điều trị IVF đã được tiếp cận gần hơn với các chính sách hỗ trợ”.
Mặc dù vậy, những phương pháp điều trị như thụ tinh ống nghiệm vẫn khá tốn kém. Ngay cả khi có bảo hiểm, vợ chồng chị Yuki Yano vẫn phải trả khoảng 150.000 Yên cho mỗi chu kỳ.
"Thu nhập của vợ chồng tôi chỉ vừa đủ sống và chúng tôi không có hàng trăm nghìn yên để chi trả cho IVF", chị Yano cho biết.
Chị Yano, năm nay 31 tuổi, hiện đang sử dụng Clomid, một loại thuốc giúp kích thích rụng trứng. Trước đó chị đã phải cắt bỏ ống dẫn trứng vì mang thai ngoài tử cung. Chồng chị là một tài xế xe tải đường dài, thường xuyên vắng nhà vào những ngày chị dễ thụ thai nhất. “Thực sự là điều này thật khó. Trong khi tôi thì ngày một thêm già đi”.
Chính phủ đã chi 17,4 tỷ Yên trong ngân sách cho những khoản bảo hiểm hỗ trợ sinh sản. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng rất khó để dự đoán đợt hỗ trợ này có mang lại hiệu quả hay không.
Ví dụ như ở Hàn Quốc, tỉ lệ sinh vẫn tiếp tục giảm mặc dù chính phủ nước này cũng đã nỗ lực tăng cường tài trợ cho các phương pháp điều trị sinh sản.
Cần những hỗ trợ thiết thực hơn
Một số người cho rằng có nhiều phương pháp để cải thiện tình trạng này. Bác sĩ Tanaka (bệnh viện Saint Mother) cho biết, Chính phủ nên xem xét hỗ trợ chi phí cho đông lạnh trứng - một phương pháp điều trị tốn kém không được bảo hiểm công chi trả. Trên thế giới, một số công ty như Google đã tạo cơ hội cho nhân viên nữ đông lạnh trứng, giúp họ thoải mái hơn để cân bằng giữa việc theo đuổi sự nghiệp và kế hoạch hóa gia đình.
Bác sĩ Tanaka cho rằng cách này sẽ giải quyết sự mâu thuẫn đối với việc phụ nữ vừa phải đi làm vừa phải sinh con sớm. Ngoài ra cũng nên hỗ trợ bảo hiểm cho các phương pháp công nghệ cao hơn mang lại tỉ lệ thành công cao hơn, như hệ thống nuôi cấy phôi kết hợp với camera quan sát liên tục hoặc xét nghiệm di truyền trước khi cấy.
Theo nghiên cứu gần đây của Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Sumitomo, phần lớn phụ nữ Nhật Bản nghĩ rằng vừa điều trị sinh sản vừa đi làm là điều không thể. Đó là lí do việc hỗ trợ điều trị y tế không phải là biện pháp duy nhất.
Chị Megumi Takai (33 tuổi) dự định sẽ nghỉ việc và tìm một công việc bán thời gian để tập trung điều trị hiếm muộn. Chị Takai chia sẻ, nhiều phụ nữ không thể xin nghỉ làm để đi khám, bởi họ cảm thấy đây là việc tế nhị khi đề cập ở nơi làm việc.
Chị cũng mong rằng xã hội sẽ có cái nhìn thoáng hơn về vấn đề này, và mọi người có thể xin nghỉ phép để đi điều trị hiếm muộn nếu cần.
Hoàng Ngân (Theo Bloomberg)