Vào thứ Ba, chính phủ Nhật Bản cho biết mức lương tối thiểu trung bình sẽ tăng với tốc độ kỷ lục trong năm nay. Đây là một diễn biến tích cực đối với nỗ lực của Thủ tướng Fumio Kishida nhằm làm dịu đi ảnh hưởng của lạm phát hàng hóa toàn cầu lên các hộ gia đình.
Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi nước này chính thức thông qua khuyến nghị của tiểu ban rằng mức lương tối thiểu trung bình cho năm tài chính hiện tại kết thúc vào tháng 3/2023 sẽ được tăng thêm 31 yên, tăng kỷ lục 3,3%, từ mức hiện nay lên 961 yên (7,30 USD) một giờ.
Thủ tưởng Kishida tin tưởng rằng tăng lương tối thiểu sẽ thúc đẩy chính sách hàng đầu của mình là phân phối của cải nhằm đưa nền kinh tế Nhật Bản đi vào con đường phục hồi bền vững.
Khuyến nghị của tiểu ban được đưa ra hàng năm và coi là tiêu chuẩn toàn quốc về mức lương tối thiểu. Khuyến nghị này đã được phê duyệt bởi nó được tạo ra bởi ủy ban lớn hơn bao gồm các đại diện của ban quản lý và liên đoàn lao động cũng như các học giả.
Quyết định về mức lương tối thiểu được đưa ra ngay sau các cuộc đàm phán mùa xuân hàng năm. Các công ty lớn đề nghị tăng lương trên 2% để bù đắp cho nhân viên do ảnh hưởng của lạm phát.
Mức lương tối thiểu do chính phủ quy định không giống như các cuộc đàm phán mùa xuân về tiền lương. Tiền lương sẽ được ấn định trực tiếp giữa ban quản lý doanh nghiệp và liên đoàn lao động.
Yoshimasa Maruyama, nhà kinh tế thị trường trưởng tại SMBC Nikko Securities, cho biết: “Với mức lạm phát cơ bản trên 2% và tiềm năng tăng trưởng của Nhật Bản khoảng 1%, tốc độ tăng lương tối thiểu là hợp lý, phản ánh cam kết của thủ tướng về mức lương cao hơn”.
Ông cũng cho hay: “Điều quan trọng là thúc đẩy tiền lương cao hơn một cách bền vững, thay vì biến nó thành một động thái duy nhất”.
Chính phủ đặt mục tiêu nâng mức lương tối thiểu trung bình lên 1.000 yên hoặc cao hơn "vào thời điểm sớm nhất có thể."
Mức lương trung bình của Nhật Bản hầu như không tăng kể từ năm 2000 mặc dù thị trường việc làm thắt chặt do lạm phát giảm khiến nhiều công ty coi đó một cái cớ để trì hoãn việc tăng lương.
Nhưng điều này đang thay đổi khi chi phí nhập khẩu tăng (do hạn chế về nguồn cung và cuộc chiến ở Ukraine) đẩy lạm phát lên cao và buộc nhiều công ty phải tăng giá hàng hóa.
Huyền Anh (theo Reuters)