Sáng nay 9/5, trụ sở chính cửa hàng điện thoại Nhật Cường Mobile tại 33 Lý Quốc Sư (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) bị lực lượng chức năng gồm Công an, Cảnh sát cơ động và nhiều xe chuyên dụng đến khám xét.
Hiện nguyên nhân của việc khám xét trên vẫn chưa được công bố. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, toàn bộ 10 cửa hàng Nhật Cường Mobile trên địa bàn TP.Hà Nội đã "cửa đóng then cài". Các tổng đài chăm sóc khách hàng, bảo hành, bảo dưỡng... cũng tắt lịm, không thể liên lạc được.
Việc khám xét khẩn cấp không chỉ khiến người tiêu dùng bất ngờ mà các nhân viên của chuỗi cửa hàng này cũng hoang mang, lo lắng không kém. Một nhân viên tại cơ sở Nhật Cường Mobile Trần Phú cho biết, lãnh đạo công ty thông báo tạm thời nghỉ việc cho đến khi có thông tin mới.
"Ngày mai là ngày lĩnh lương rồi, tôi cũng không rõ được trả lương hay không nữa. Sau khi cơ quan chức năng kiểm tra xong, nhân viên cũng được cho về hết. Nhiều khách hàng đến bảo hành, mua điện thoại đều phải hẹn lần sau", một nam nhân viên nói.
Tuy nhiên, xung quanh Nhật Cường Mobile cũng có rất nhiều “lùm xùm” về thái độ nhân viên và việc bán điện thoại với giá “cắt cổ. Thêm vào đó, ít người biết, Nhật Cường Mobile còn là “ông trùm” về đầu tư công của TP.Hà Nội.
“Số 1 về iPhone” bán giá “cắt cổ”
Tự nhận là đơn vị “số 1 về iPhone”, mức giá sản phẩm tại Nhật Cường rất cạnh tranh, sản phẩm đa dạng với các loại máy từ mới đến, như mới (like new), cũ… Bên cạnh công tác bán hàng thì Nhật Cường còn có dịch vụ sửa chữa điện thoại lấy ngay, áp dụng với mọi thương hiệu. Theo khẳng định của Nhật Cường thì đơn vị này có thể xử lý được mọi vấn đề về màn hình, âm thanh, pin, sạc, kết nối và hỗ trợ cả máy ngấm nước.
Nói là vậy nhưng thực tế Nhật Cường Mobile cũng đã gặp khá nhiều lùm xùm, nhiều lần bị khách hàng phản ánh về dịch vụ, thái độ nhân viên cũng như chất lượng sản phẩm.
Theo báo Pháp luật Việt Nam, vào ngày 6/11/2011, anh Trần Quyết Thắng (nhà A1, tập thể Thanh Xuân Bắc, Hà Nội) ra cửa hàng Nhật Cường Mobile (số 10 Nguyễn Xiển, Thanh Xuân, Hà Nội) mua một chiếc điện thoại iPhone 4 trị giá hơn 16 triệu và được bảo hành 12 tháng.
Sử dụng được 6 tháng, chiếc iPhone 4 thường xuyên bị mất sóng, anh Thắng đã mang điện thoại ra Nhật Cường Mobile để bảo hành.
Sau nhiều lần làm việc, mang máy ra cửa hàng sửa đi sửa lại cùng hàng tháng trời chờ đợi, anh Thắng rất bức xúc vì chiếc điện thoại của mình không được sửa chữa triệt để. Ngoài ra, nam khách hàng này còn bất bình vì thái độ làm việc của nhân viên Nhật Cường Mobile khi viện nhiều lý do không thỏa đáng và hợp lý để xử lý trường hợp của anh như “Có thể là do lỗi của lô hàng hoặc người dùng”, "Máy của anh đã bị hủy bảo hành"...
Năm 2017, một khách hàng khác tên V. (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) mua một chiếc điện thoại Samsung Galaxy S7 Edge tại cửa hàng Nhật Cường Mobile ở phố Xuân Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội).
Sau thời gian ngắn sử dụng chiếc điện thoại bị vỡ màn hình nên anh V. đã mang tới cửa hàng của Nhật Cường Mobile thay màn hình. Tại đây, anh được nhân viên tư vấn và báo giá thay màn hình mới "hàng chính hãng Sam Sung" với giá tăng dần theo thời gian bảo hành.
Cụ thể, giá màn hình chiếc điện thoại này với thời gian bảo hành 1 tuần là gần 5,3 triệu đồng, bảo hành nửa tháng là hơn 5,5 triệu đồng, bảo hành 1 tháng là 6,3 triệu đồng.
Trong khi đó, tham khảo ở một số cửa hàng khác như Trung tâm bảo hành Samsung tại Cầu Giấy, giá thay màn hình chỉ có 4,5 triệu đồng, rẻ hơn nhiều so với giá của Nhật Cường mobile tư vấn cho khách hàng. Đáng nói là nhân viên Samsung cho biết, màn hình mới và chiếc điện thoại sẽ được bảo hành đúng theo thời gian bảo hành còn lại kể từ thời điểm mua, không hề tăng giá dần theo thời hạn bảo hành như ở bên Nhật Cường mobile.
Clip Trụ sở chính của Nhật Cường Mobile bị khám xét khẩn cấp
Chưa dừng ở đó, tháng 3/2018, khách hàng tên T.T.H (Hà Nội) cho biết điện thoại chị bị vỡ kính màn hình. Chị mang điện thoại ra Nhật Cường Mobile chi nhánh Giảng Võ. Tại đây nhân viên đã thay kính màn hình cho chị nhưng kĩ thuật viên lại lắp kênh kính camera.
Sau đó chỉ một thời gian ngắn mà 2 lần chị H. phải mang điện thoại đi kiểm tra cùng về lỗi không nhận cảm ứng. Lần thứ nhất nhân viên báo chi phí sửa chữa 2,2 triệu đồng. Lần thứ 3, kĩ thuật viên lại báo điện thoại bị lỗi khác chứ không phải do lỗi màn hình, nói phải giữ lại một tuần để thay và báo giá hơn 3 triệu đồng. Tuy nhiên sau đó chị H. chỉ phải trả hơn 1 triệu đồng do kỹ thuật phán "nhầm bệnh".
Sau nhiều lần sửa chữa, bỏ ra số tiền không nhỏ, thì hiện tại chị H. đang sử dụng chiếc điện thoại mới với dung lượng và imei với, tên người dùng mới.
“Ông trùm” các dự án công của TP.Hà Nội
Ngoài hoạt động kinh doanh và sửa chữa điện thoại, hệ thống của Nhật Cường còn có Nhật Cường Software - tiền thân từ một Trung tâm CNTT của Nhat Cuong Mobile từ năm 2011.
Trung tâm CNTT của Nhật Cường tự giới thiệu trên website là đã có những “thành tựu to lớn” với những sản phẩm đột phá cho TP Hà Nội như: Cơ sở dữ liệu dân cư, phần mềm Lưu trú trực tuyến, phần mềm Hộ chiếu Online, đặc biệt là giải pháp Dịch vụ công trực tuyến liên thông 3 cấp... Trên cơ sở đó đã ra đời Công ty TNHH Giải pháp phần mềm Nhật Cường.
Tháng 12/2016, UBND TP. Hà Nội ban hành quyết định 6699/QĐ-UBND với nội dung “Thuê dịch vụ cung cấp phần mềm khai thác cơ sở dữ liệu dân cư, triển khai dịch vụ công trực tuyến và ứng dụng điều hành, phục vụ công dân, doanh nghiệp”, thuộc chương trình ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước TP.Hà Nội năm 2016 (đợt 2).
Điều đáng chú ý, hình thức lựa chọn nhà thầu cho hạng mục này là chỉ định thầu và công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường chính là đơn vị trúng thầu, được Hà Nội chọn mặt gửi vàng…
Tại nhiều cuộc họp của Hà Nội về triển khai các dự án công trực tuyến, Nhật Cường Mobile cũng đều tham gia. Công ty này thường xuyên được nhắc đến như một đơn vị mũi nhọn cùng Viettel, VNPT đưa Hà Nội trở thành một Thủ đô thông minh với nền tàng công nghệ vượt trội của cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Số vốn rót cho chương trình này lên tới cả chục nghìn tỉ đồng.
Cũng trên website của mình, Nhật Cường Software giới thiệu được trao tặng rất nhiều giải thưởng, danh hiệu như Huân chương Lao động hạng Ba, Doanh nghiệp CNTT hàng đầu Việt Nam...
Nhật Cường Software hiện đang có địa chỉ trên website tại toà nhà HITTC, tầng 17, số 185 Giảng Võ, phường Cát Linh, quận Đống Đa, TP.Hà Nội. Còn Công ty Thương mại và Dịch vụ Kỹ thuật Nhật Cường có địa chỉ 39-41 Lý Quốc Sư, phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Tuy nhiên, trên hồ sơ của Tổng cục Thuế, hai công ty này thực chất cùng đăng ký tại 1 địa chỉ 39-41 phố Lý Quốc Sư. Người đại diện cho cả 2 công ty này là ông Bùi Quang Huy.
Ông Bùi Quang Huy, Tổng giám đốc Nhật Cường, sinh năm 1974, cũng là chủ sở hữu khi nắm tới 90% vốn doanh nghiệp này.
Ngoài chuỗi bán lẻ điện thoại nổi tiếng, ông chủ Nhật Cường Mobile Bùi Quang Huy còn là doanh nhân giàu có với hẳn bộ sưu tập xe sang bao gồm 1 chiếc Bentley, 2 chiếc LandRover cùng nhiều xe sang khác như Lexus, Camry, Sienna các loại.
Ngoài ra, vợ chồng ông Bùi Quang Huy còn đang sở hữu căn nhà rộng 694m2 tại tổ hợp căn hộ cao cấp Tòa nhà Golden Westlake Executive Residences số 162a đường Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình.
Cũng trong sáng nay, theo ghi nhận của PV Người Đưa Tin, tại chung cư Golden Westlake, số 162a đường Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình - nơi được cho là nơi ở của lãnh đạo công ty Nhật Cường, hàng chục cán bộ Công an cũng đã có mặt tại đây.