Đường “tử thần” đến Attapeu
Sáng 25/7, chúng tôi mượn một chiếc xe ô tô của đồng nghiệp ở Lào, rồi thẳng tiến về Attapeu – nơi vừa xảy ra sự cố vỡ đập thủy điện Xepia Xenamnoy khiến hàng nghìn người chết và mất tích. Ngay từ lúc xuất phát, để chắc chắn không xảy ra sự cố, chúng tôi đã tìm 1 trạm gara bên đường dừng xe thay lốp rồi tiếp tục khởi hành. Cả nhóm ai cũng nóng lòng mong xe chạy thật nhanh để có thể tiếp cận được sớm nhất những hình ảnh thiệt hại đầu tiên của vụ vỡ đập, nhanh chóng truyền tải thông tin về tòa soạn.
12h cùng ngày, chúng tôi làm thủ tục xuất cảnh tại Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo Hà Tĩnh. Tại đây, chúng tôi được các chiến sĩ trạm Kiểm soát BĐBP Hà Tĩnh cung cấp áo phao, tận tình hướng dẫn đổi tiền kíp và một số vấn đề cần lưu ý khi tác nghiệp trên nước bạn Lào. Cũng tại đây, may mắn gặp được một người dẫn đường thành thạo tiếng Lào, chúng tôi vững tâm lên xe bắt đầu hành trình đến với Attapeu. Lúc này là 12h20.
Chiều cùng ngày, chúng tôi đến huyện Nhôm Ma Lạt tỉnh Khăm Muộn. Những cơn mưa xối xả không cho phép xe chúng tôi chạy nhanh hơn. Người dẫn đường cho biết, chúng tôi phải đi qua 7 tỉnh: Lạc Xao, Bolikhamxay, Khammuane, Savannakhet, Champasak, Salavan rồi mới đến được Attapeu (nước Lào có 18 tỉnh - PV). Từ thủ phủ Attapeu sẽ phải đi tiếp 40km đường đất rất xấu mới có thể tiếp cận được vùng "rốn lũ".
17h15, khi đi qua địa phận tỉnh Savannakhet và Salavan trời bắt đầu mưa to, lượng mưa dày đặc khiến Quốc lộ 13 – tuyến đường huyết mạch nối liền các tỉnh Bắc – Nam của nước bạn Lào rất trơn, các phương tiện đều di chuyển rất chậm, xe chúng tôi cũng phải giảm tốc độ để đảm bảo an toàn.
18h, hay tin đường đèo Thalongphu của tỉnh Salavan bị sạt lở không thể đi qua. Chúng tôi chỉ còn cách phải đi vòng đường PắcSoong để có thể lên đến Attapeu. Như vậy, đường đến với vùng “rốn lũ” sẽ phải cộng thêm 200km nữa khiến chúng tôi càng thêm nóng lòng. Bấy giờ, chúng tôi còn cách Attapeu 700km. Đoàn quyết định không dừng lại ăn cơm mà sẽ ăn tạm bánh mỳ có sẵn trên xe để đến nơi sớm nhất có thể.
22h30, chúng tôi đến huyện PắkSoong, tỉnh Champasak, trời bắt đầu xuất hiện sương mù dày đặc. Con đường cua gấp khúc, uốn lượn trong khi 2 bên đường không hề có cột mốc hay bất cứ biển báo nào, tưởng chừng chỉ cần 1 chút sơ sẩy, xe chúng tôi sẽ bị lao xuống vực tức thì. Cả đoàn nín thở, lần từng cm một trong sương mù để vượt qua 10km đoạn đường nguy hiểm này. Bấy giờ chúng tôi chỉ còn cách Attapeu 116km.
Khi chỉ cách tâm lũ khoảng 70km, chúng tôi bị mắc kẹt ở cầu Hội Hò (nằm trên huyết mạch QL13) thuộc địa phận tỉnh Attapeu (Lào). Đây là cây cầu vừa bị nước lũ đánh đứt khoảng 15m. Để thông đường, phục vụ công tác cứu trợ kịp thời cho người dân tại vùng xảy ra sự cố vỡ đập thủy điện, lực lượng chức năng nước bạn Lào đã làm một đoạn đường tạm. Tuy nhiên, do mưa lớn liên tục nhiều giờ liền nên đoạn đường tạm này trở nên rất lầy lội.
Trời tối đen như mực, cơn mưa xối xả tạt thẳng vào mặt. Trong ánh sáng yếu ớt từ chiếc điện thoại, chúng tôi cùng hợp sức đẩy chiếc xe ra khỏi bùn lầy nhưng nó vẫn "án binh bất động". 30 phút trôi qua, cả nhóm chúng tôi ướt sũng, người lấm lem bùn đất, lạnh cóng. Cảm giác bất an, lo lắng hiện hữu trên khuôn mặt của tất cả thành viên đoàn. Bỗng trong bóng tối, từ xa ánh đèn xe ô tô pha tới. Đó là đoàn xe cứu trợ của lực lượng an ninh Lào cũng đang di chuyển qua con đường này. Chúng tôi hét lên vui sướng. Với sự hỗ trợ của đoàn, chiếc xe của chúng tôi đã được kéo ra khỏi vị trí mắc kẹt.
Tiếp cận rốn lũ
0h20 ngày 26/7, chúng tôi tiếp tục lên xe thẳng tiến về “rốn lũ”. 2h10, chúng tôi chỉ còn cách Attapeu 40km nữa. Tuy nhiên, một số người dân bản địa cho biết, 40km đường phía trước toàn đất đá, rất lầy lội và phải đi 3 lần phà vì cầu đã bị nước lũ đánh đứt, ô tô không thể qua được. Nhận định không thể tiếp tục di chuyển, chúng tôi quyết định tìm chỗ nghỉ chờ đến sáng.
6h00 sáng ngày 26/7, chúng tôi tìm thuê 1 chiếc xe chuyên dụng để có thể vượt qua đoạn đường "tử thần" phía trước, tiếp cận được vùng tâm lũ nơi hiện có hơn 1.300 hộ dân bị ngập hoàn toàn.
Đúng như dự báo, con đường đất lầy lội, từng vũng bùn sâu hơn 1m chi chít, như những cái bẫy "chết người". Đoạn đường đất trong mưa càng trở nên nhão lầy, cảm tưởng chỉ cần 1 chút sơ sẩy chiếc xe có thể trượt bánh lật ngửa bất cứ lúc nào. Chúng tôi lắc lư như đang đi trên từng con sóng. Thứ cảm giác duy nhất lúc này là chóng mặt, buồn nôn và muốn xuống xe ngay tức thì. Tuy nhiên, bấy giờ chúng tôi chỉ còn cách bản Khổ Coong 10km, đây là bản đầu tiên trong số 7 bản bị ngập sâu nhất của huyện Sanamxay, tỉnh Attapeu sau sự cố vỡ đập, cảm giác đó như trấn an tinh thần cho cả đoàn quyết tâm tiếp tục thẳng tiến. Cùng theo sau xe chúng tôi nhiều đoàn xe cứu trợ cũng đang nỗ lực vượt qua cung đường "tử thần" để vào được vùng tâm lũ.
9h30 ngày 26/7, chúng tôi có mặt tại bản Khổ Coong huyện Sanamxay. Nhanh chóng xuống xe, mang theo máy ảnh, máy quay, chúng tôi xắn quần quyết định lội bùn để có thể tiến sâu vào phía trong hơn nữa để ghi nhận hình ảnh thiệt hại. Nước lũ ngập gần ngang thắt lưng quyện với bùn non thành một thứ hỗn hợp sệt quánh, chúng tôi phải bấm chân đi thật chậm để không bị ngã. Đi được khoảng 200m, trước mắt chúng tôi những ngôi nhà đổ sập, xác lợn, gà, bò... chết nổi kín trên mặt nước, một cảnh tượng hoang tàn chưa từng thấy hiện hữu trước mắt.
Bì bõm trong nước lũ, giữa gió mưa, những hình ảnh đầu tiên về sự thiệt hại khủng khiếp của sự cố vỡ đập đã được chúng tôi nhanh chóng chuyển về tòa soạn.
12h cùng ngày, Đại tá Vanh Thoong, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 5 Quân đội nhân dân Lào cho chúng tôi biết, hiện, đã tìm thấy được 1 thi thể nạn nhân; đang có khoảng 4.000 người dân đang bị mắc kẹt ở những bản nằm sâu phía Nam tỉnh Attapeu, công tác tìm kiếm, giải cứu các nạn nhân đang được chạy đua với thời gian. Tuy nhiên, tuyến đường độc đạo vào vùng tâm lũ đã bị chia cắt, lực lượng chức năng chỉ có thể di chuyển bằng thuyền hoặc trực thăng trong khi nước sông Namsê đang chảy rất xiết, công tác cứu hộ lúc này gần như rơi vào bế tắc...
(Còn nữa…)
Ngân Hà - Hồ Thắng
Kỳ 2: Nhật ký Attapeu - Lào: Phóng viên cùng tham gia cứu hộ