Cuốn nhật ký bán 25 triệu bản
Bà Helga Weiss (84 tuổi), là một bà lão có đôi mắt cụp khá buồn. Bà có sở thích sưu tập bướm, sống trong căn nhà tràn ngập màu sắc của gốm sứ và các ô cửa sổ lấp lánh. Tất cả đồ trang sức của bà đều có họa tiết những con bướm.
Bà Helga cười giải thích: "Những con bướm là biểu tượng của sự tự do. Tôi không thể thấy được chúng trong các trại giam tử thần, chỉ có chấy rận và rệp mà thôi. Chúng tôi gần như chết đói, phải cào vôi tường để ăn. Những bông hoa không thể mọc được ở đó. Những người được nhìn thấy bướm là những người có thể trụ được và thoát khỏi những nhà giam kinh khủng".
Nhà giam bà Helga nhắc đến chính là những nhà giam tử thần trong thời Đức quốc xã, những nhà giam đã vào thì sẽ khó ra. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, 15.000 trẻ em đã được đưa từ nhà của họ ở Prague đến trại tập trung Terezin (Tiệp Khắc cũ). Chỉ có 100 người trong đó có cả Helga trở lại cuộc sống tràn ngập ánh sáng.
Bà Helga Weiss
Những đứa trẻ mang tiếng được đưa vào trại tập trung để tiện cho việc chăm sóc, khi đó Helga mới 8 tuổi, nhưng thực chất, tất cả đã bị giam cầm. Chúng được chuyển từ nhà giam nọ đến nhà giam kia, bao gồm cả nhà giam khét tiếng Auschwitz của Hiler. Chúng phải chịu đựng nạn đói, bệnh tật và bị cái chết đe dọa từng ngày trong căn phòng đầy khí ga của Hitler.
Chính cuộc sống bị giam cầm, khổ sở đã giúp Helga cho ra đời được cuốn nhật ký hiếm có về cuộc sống trong các trại tử thần cùng những nét vẽ minh họa hết sức sinh động của một cô bé tám tuổi. Trước đó, vào thời chiến, cuốn nhật ký của bà Anne Frank - người Do Thái cùng sống với bà Helga đã bán được hơn 25 triệu bản. Chứng kiến cái chết của những người thân, cô bé Helga nảy ra ý định viết nhật ký, ghi lại các cuộc đàn áp người Do Thái ở Prague và cuộc xâm lược của Đức quốc xã tại Tiệp Khắc vào năm 1939.
Cuộc sống đày ải trong trại tập trung
Bìa cuốn nhật ký là hình ảnh của Helga vào năm 12 tuổi, ba ngày trước khi gia đình cô bị gửi đến trại giam Terezin năm 1941. Bà Helga kể: "Đó là thời điểm tôi bắt đầu được chứng kiến cảnh người Do Thái bị đối xử tàn ác. Đôi mắt tôi khi đó tràn đầy tò mò nhưng thực sự, tôi rất sợ hãi bởi những gì tôi phải thấy còn tồi tệ hơn rất nhiều". Cuốn nhật ký ghi lại rất nhiều sự việc xảy ra tại các trại tập trung.
Mặc dù sống trong điều kiện khắc nghiệt nhưng những đứa trẻ vẫn cố gắng tổ chức các bữa tiệc sinh nhật, bánh sinh nhật được chúng lấy cắp từ những mẩu khoai tây bỏ đi. Nhớ lời cha dạy, Helga ghi lại tất cả những gì mình trải qua trong trại, từ việc tắm rửa tập thể tại nhà vệ sinh công cộng, hàng dài người chờ phát đồ ăn đến các ô tô nhà xác chở bánh mỳ dán mác "Phúc lợi cho trẻ em".
Sau ba năm Helga ở Terezin, cha của bà và hơn 5.000 người đàn ông khác đã bị chuyển đi để "xây dựng một khu dân cư mới". Nhưng ai cũng biết, họ đã bị chuyển đến trại giam Auschwitz. Ngay sau đó, Helga và những đứa trẻ được chuyển đến trại giam tử thần mới.
Helga nhún vai: "Thoạt đầu, chúng tôi nhìn thấy ống khói nên nghĩ rằng đó là một nhà máy. Tuy nhiên, có một tù nhân nói với chúng tôi, đó là nơi hỏa táng những người bị chết trong trại". Bình thường, người lớn và trẻ em không được ở chung với nhau nhưng bằng cách nào đó mẹ tôi đã xin cho chúng tôi được ở với nhau. Một ngày nọ, một số trẻ em được đưa đến phòng chứa hơi ga trong trại giam, đây là cơ hội chạy trốn duy nhất của bọn trẻ.
Cuốn nhật ký của Helga viết: "Bọn trẻ chúng tôi chạy tán loạn. Họ đã nhìn thấy chúng tôi. Họ sẽ bắn tất cả chúng ta". Bà Helga ôm chặt lấy mẹ và bắt đầu cầu nguyện. Và chúa đã phù hộ cho hai mẹ con bà, quân lính đã tha cho hai người trong vụ chạy trốn đó.
Năm 1945, Helga được chuyển đến Mauthausen (Áo) bằng đường sắt. Không có thực phẩm, họ gần như chết đói. May mắn một lần nữa lại đến với họ, chỉ một tháng sau, trại giam được giải phóng. Helga và mẹ sau đó đã trở lại Prague và xây dựng một cuộc sống mới. Họ quay trở lại căn nhà cũ, nơi Helga hiện đang sống đến hiện tại.
An Mai (Theo Mirror)