Con phố chiều nắng vươn dài như một dải ký ức thân quen kỳ lạ, phố đông người lắm mà nhìn ai cũng thấy bơ vơ. Bên cạnh những chữ "ngờ" khốc liệt của cuộc sống đầy ảo mộng này, vẫn có bao câu chuyện dù ta đã biết trước hồi kết để chuẩn bị đón nhận, nhưng đến khi chuyện xảy ra, bao sẵn sàng trước đó bỗng trở thành vô nghĩa. Ta vẫn thấy đau, thấy buồn, thấy bàng hoàng, hụt hẫng rồi nhức nhối. Có những cuộc chia tay còn dài hơn cả đất trời.
Ngày ấy, con tự cho mình bận rộn đến mức lâu lắm rồi không được đến chào bà, không được nghe bà khen đẹp trai, không được nghe bà chê béo ú, không được ăn thêm một bữa ăn với bà, không được ngồi hát cho bà nghe giai điệu mà lần nào qua thăm bà cũng bảo con hát hoài, hát hoài: "Thế là chị ơi rụng bông hoa gạo...". Để đến lúc nhận được tin nhắn của anh, con chỉ biết ngơ ngác nhìn một mảnh trời chiều đang thoi thóp đổ nốt chút nắng cuối ngày, chỉ còn biết hổn hển một mình: "Bà lên đường an nhiên! Bà nhé!".
Hai năm rồi bà ạ! Con rời Hà Nội, để lại những nỗi buồn lớn nhất và những cơn đau dài hoang hoải chôn chặt vào từng ngóc ngách, để đến một vùng đất mới. Ở đây con học được nhiều, về hy vọng, về niềm tin, về khao khát sống, về suy nghĩ giản đơn mà hạnh phúc, về nỗi an lành không màng chia rẽ: Người đến hay đi là vốn lẽ bình thường. Hai năm con không tới thăm, là hai năm với bao điều muốn kể cho bà, tụi trẻ bọn con ngày đó đều đã trưởng thành hơn, đã biết sống nhiều hơn cho những điều ý nghĩa, nhưng thi thoảng vẫn mong được nghe tiếng bà cằn nhằn, nhắc nhở một lần.
"Có một nỗi buồn ở nơi này thì sẽ có một niềm vui ở chốn khác.
Có một trái tim khổ nạn ở người này thì tất nhiên sẽ có một trái tim hân hoan ở kẻ khác.
...
Trong câu chuyện đời chung, kẻ này quên thì người kia phải nhớ. Một ý tưởng chợt tắt để làm mầm chuyển hóa cho một ý tưởng khác nảy sinh.
Cái mất không bao giờ mất hẳn.
Cái còn không hẳn mãi còn".
(Trịnh Công Sơn)
Con nhớ bà nhiều lắm! Có bao câu muốn hỏi người, bao điều cần người nhắc nhở, bảo ban... Bao lần bộn bề chỉ ước giá được về nằm ngủ trên chiếc võng bà buộc ngoài hiên nhà, mỗi lần đu đưa lại vang lên tiếng kẽo kẹt... bình yên đến lạ.
Dương thế bộn bề, có lẽ đi về miền đất mới, bà sẽ sống vui hơn. Không còn bị hành hạ bởi những cơn đau nửa đầu khi thời tiết thay đổi, hay bệnh thấp khớp khiến chân đau nhức làm bà mất ngủ cả đêm. Nhưng ở miền đất ấy, liệu mỗi sáng bà có nhớ ăn sáng đúng giờ không? Hôm nay bà ăn hết mấy quả cau rồi? Chiều nay có ai đi chợ nấu cơm rồi ngồi ăn cùng bà chưa? Tối tối, liệu có ai thay con nằm nghe bà kể chuyện ngày xửa ngày xưa không?
Kỷ niệm buồn vui loay hoay đem ra cố lòng chôn chặt mà chẳng biết lòng mình đã vùi chôn trong kỷ niệm tự bao giờ. Sài Gòn đang mùa mưa, đôi khi trong quán cóc quen ngồi, bà chủ để đĩa chạy đến bài "Chị tôi", con ngồi nghe rồi hát theo, nhắm mắt cũng thấy bình yên, chỉ có điều khi mở ra chỉ còn là nhạt nhoà nỗi nhớ...
Bác sĩ Dương Minh Tuấn