Nhật Bản được biết tới là đất nước rất sạch và một trong những nguyên nhân đưa Nhật Bản thành đất nước sạch sẽ có tiếng đến từ quy trình phân loại rác nghiêm ngặt và chặt chẽ. Điều này đã khiến nhiều du học sinh thời gian đầu gặp không ít những bỡ ngỡ.
Bạn P.N. (20 tuổi), du học sinh chuyên ngành Pháp luật tại đại học Nagoya chia sẻ: “Hồi đầu mới sang, chúng em vô cùng bỡ ngỡ vì ở Việt Nam không phải phân loại rác nhưng bên này quy định rất nghiêm ngặt. Ngay từ hôm đầu tiên, ở trường và ký túc xá đã phát tài liệu và hướng dẫn tỉ mỉ cách phân loại rác”.
Mặc dù có phần chưa được quen lắm nhưng P.N. cho biết, bạn cùng các sinh viên Việt Nam sang Nhật du học đã thích nghi rất nhanh với một trách nhiệm thú vị mới.
Cùng chia sẻ về điều này, bạn L.S. (24 tuổi) – một du học sinh tại Nhật Bản lâu năm cho biết: “Mình làm quen nhanh vì ở bên này việc phân loại được thực hiện đồng bộ ở tất cả các giai đoạn, từ việc có các loại túi được phân ra rõ ràng và trên tất cả bao bì các loại sản phẩm đều có ghi phân loại của bao bì đó”.
Ở nhiều quốc gia trên thế giới, rác được phân chia thành hai loại: tái chế và không tái chế. Còn tại Nhật Bản lại được phân chia tới 4 loại rác chính, tương ứng có các túi màu khác nhau đựng các loại rác đó, cụ thể theo lời kể của bạn P.N., túi màu đỏ đựng rác cháy được; túi màu xanh lá cây đựng rác không cháy được; túi xanh nước biển đựng rác tái chế được. Loại rác cuối cùng là rác ngoại cỡ được thu riêng.
Theo đó, với những rác có thể tái chế được (thường là nhựa), trước khi vứt rác vào túi, người dùng phải rửa sạch vết bẩn và vết dầu mỡ thì mới đáp ứng được điều kiện tái chế. Điều này đã khiến một số bạn sinh viên ngại nên đành “lách luật” phân loại không đúng quy định”, P.N. cho biết.
Trước khi mang rác đi tái chế, những người lao công phân loại thêm một lần nữa, đồng thời thời gian thu gom rác cũng được phân định ngày thu rõ ràng đối với từng loại.
Chia sẻ về tình trạng vi phạm quy định phân loại rác, P.N. cho rằng chưa thấy trường hợp nào bị kỷ luật, chỉ có trường hợp vứt rác lẫn lộn ở bãi rác nhưng vì không có camera ở khu vực đó nên không phát hiện ra thủ phạm.
Tuy nhiên, ban quản lý ký túc xá đã chụp hình ảnh phân loại rác ấy và gửi mail tới tất cả các sinh viên trong tòa nhà nhắc nhở về tình trạng này.
Chắc hẳn chúng ta đều băn khoăn về tại sao ý thức phân loại rác được hình thành trong thói quen của người Nhật như vậy, nhưng có một thực tế rằng việc phân loại rác được giáo dục từ cấp mầm non và việc tái chế rác luôn được khuyến khích bằng các chính sách thuế và ưu đãi về tài chính.
Cụ thể như năm 1992, Nhật Bản ban hành quy định “Xúc tiến sử dụng những tài nguyên tái chế”. Sau đó, năm 1997, Luật Xúc tiến thu gom, phân loại tái chế các loại bao bì được thông qua đã giúp nâng cao hiệu quả sử dụng những sản phẩm tái chế bằng cách định rõ trách nhiệm của các bên liên quan.
Ý thức về việc tái chế phải được đưa vào chương trình giáo dục. Mỗi lớp sẽ hiểu về quy trình tái chế khác nhau, càng lên cao thì kỹ thuật tái chế càng phức tạp hơn, đối với các vật dụng đã được chế biến tinh xảo hơn.
Cấp một hiểu việc tái chế đối với các bao bì đơn giản. Cấp hai hiểu việc tái chế với các sản phẩm máy móc cơ khí phức tạp. Cấp ba hiểu việc tái chế đối với các sản phẩm điện tử tinh vi, các con chip nano cực kỳ cao cấp…
Nhà sản xuất phân phối sản phẩm phải có biện pháp gắn bó với người tiêu dùng để thu hồi bao bì và sản phẩm khi hết được sử dụng và đem vế tái chế. Nhà sản xuất phân phối có chính sách ưu đãi cho những khách hàng giữ gìn bao bì sản phẩm thật tốt để hoàn trả lại cho nơi cung cấp.
Luật cũng sẽ bắt buộc các hộ tiêu dùng phải giữ gìn kỹ lưỡng các bao bì và các sản phẩm khi hết sử dụng, cũng như các loại rác thải khác. Không làm ướt, làm bẩn, các loại rác bằng giấy, nhựa, kim loại… để khi tái chế không phải tốn nhiều nước rửa.
Các loại rác có thể phân hủy thì được dùng để làm dưỡng chất cho đất nông nghiệp trồng trọt, và có quy trình thu hồi chế biến riêng.
Xem thêm >> Hàng loạt công ty khai thác khoáng sản tại Nghệ An bị xử phạt
Chiến Quốc - Nguyễn Hảo