Tokyo đã kịch liệt phản đối việc các tàu hải cảnh Trung Quốc đi vào vùng biển gần quần đảo Senkaku của Nhật Bản, mà Trung Quốc cho là thuộc chủ quyền của mình với tên gọi Điếu Ngư. Đây là lần vi phạm hải phận với thời gian kéo dài nhất từ khi nổ ra tranh chấp tới nay.
Hành động leo thang mới đây bắt đầu sau khi Nhật hạ thủy tàu sân bay Izumo - chiến hạm lớn nhất được đóng tại Nhật Bản từ thời Thế chiến II. Trong bối cảnh này, theo kết quả những cuộc thăm dò ý kiến mới nhất, sự thù ghét lẫn nhau giữa người Trung Quốc và người Nhật đã lên tới đỉnh điểm.
Tàu sân bay' khủng' Izumo Nhật Bản vừa hạ thủy khiến Trung Quốc lo ngại.
Tuần trước, 4 tàu hải cảnh của Trung Quốc đã đi vào hải phận Nhật Bản, gần quần đảo Senkaku và ở lại vùng biển đó 2 ngày đêm, làm gia tăng sự căng thẳng giữa Tokyo Và Bắc Kinh. Mặc dù trong những tháng gần đây tàu Trung Quốc thường xuyên đi vào vùng biển này, nhưng đây là lần có thời gian kéo dài kỷ lục trong suốt quá trình tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước. Theo đại diện cơ quan bảo vệ bờ biển của Nhật, trước đây lần vi phạm có thời gian dài nhất cũng chỉ là 14 giờ xảy ra vào tháng 2/2013.
Phản ứng của phía Nhật rất quyết liệt. Bộ trưởng ngoại giao Fumio Kusida bày tỏ sự phẫn nộ trước vụ việc và yêu cầu các tàu Trung Quốc ngay lập tức rút khỏi vùng biển. Tổng thư ký nội các Esihide Suga tuyên bố sự vi phạm như vậy là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được. Bộ Ngoại giao Nhật đã triệu tập đại sứ Trung Quốc tại Tokyo tới để chính thức phản đối.
Phía Trung Quốc tỏ dấu hiệu không có ý định xin lỗi và đáp trả sự quyết liệt của phía Nhật bằng sự cứng rắn. Theo các nguồn tin tại Bộ ngoại giao Nhật Bản, đại sứ Trung Quốc từ chối tiếp nhận sự phản đối của Tokyo, còn phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố: Không hề có bất cứ vi phạm nào bởi vì quần đảo Điếu Ngư “từ xa xưa đã được coi là lãnh thổ Trung Quốc”(?!).
Đợt leo thang mới giữa Bắc Kinh và Tokyo bắt đầu sau khi Nhật Bản hạ thủy tàu sân bay Izumo - chiến hạm lớn nhất từ trước đến nay sẽ được trang bị cho hải quân Nhật. Mẫu hạm với boong hạ trị giá 1,2 tỷ USD sẽ được đưa vào trang bị sau năm 2015. Các chuyên gia quân sự nhận định Izumo có thể mang 14 trực thăng, và sẽ trở thành tàu sân bay thực sự nếu được trang bị F-35B phiên bản hải quân đã đặt mua của Mỹ.
Theo ý kiến của các chuyên gia, một kịch bản như thế có vẻ hoàn toàn hiện thực. Hiện nay chính phủ của thủ tướng Sinzo Abe có tín nhiệm rất cao và sau cuộc bầu cử vào thượng viện đã hoàn toàn nắm quyền lực trong tay. Thủ tướng Nhật có tiếng cứng rắn trong các quan điểm chính trị. Ông Abe ủng hộ việc xem xét lại bản hiến pháp áp dựng kể từ khi đế quốc Nhật đầu hàng trong Chiến tranh thế giới thứ II.
Thủ tướng Abe chủ trương sửa lại điều 9 Hiến pháp vốn cấm Nhật Bản tăng cường tiềm lực quân sự và sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế. Việc xem xét lại Hiến pháp sẽ dỡ bỏ chướng ngại cuối cùng đối với việc xây dựng một quân đội đúng nghĩa, có quyền sở hữu các vũ khí tiến công cũng như có quyền triển khai hoạt động quân sự ra nước ngoài. Những cuộc xâm phạm thường xuyên của Trung Quốc tại khu vực quần đảo Senkaku có vẻ đã trở thành luận chứng thuyết phục cho việc Nhật tăng cường quân bị nhằm kiềm chế mối đe dọa từ phía Trung Quốc.
Trong bối cảnh bước leo thang mới đẩy cao căng thẳng giữa Bắc Kinh và Tokyo, sự thù ghét nhau giữa người Nhật và người Trung Quốc cũng đạt tới đỉnh điểm. Cuộc thăm dò chung mới đây do báo China daily của Trung Quốc và tổ chức Genron Nhật Bản tiến hành đã cho thấy 93% công dân Nhật có ý kiến tiêu cực về Trung Quốc. Số người Trung Quốc có thái độ tiêu cực với Nhật Bản cũng cao lên tới gần 90%.
Theo Tiền phong