Trung Quốc: "Chúng tôi làm đúng thông lệ quốc tế"
Trong một cuộc điện đàm ngày hôm qua, ông Junichi Ihara, Vụ trưởng vụ Á châu và Hải dương của bộ Ngoại giao Nhật Bản, đã đưa ra kháng nghị cho ông Hàn Chí Cường, quyền Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản. Ông Ihara nói rằng, khu vực đó "hoàn toàn không thể chấp nhận". Ông cũng chỉ trích Trung Quốc làm gia tăng những mối căng thẳng giữa hai nước về quần đảo này. Trước đó vài giờ, bộ Quốc phòng Trung Quốc phổ biến một bản đồ về khu vực phòng không ở biển Hoa Đông bao gồm cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là những hòn đảo do Nhật kiểm soát, nhưng Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền.
Trung Quốc thành lập khu vực "Nhận dạng phòng thủ trên không" ở biển Hoa Đông bao gồm cả những hòn đảo do Nhật kiểm soát, nhưng Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền.
Một thông cáo trên website của bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm thứ 7 nói rằng, theo những quy định mới, tất cả các máy bay bay vào khu vực này phải thông báo cho giới hữu trách Trung Quốc và sẽ bị áp dụng những biện pháp quân sự khẩn cấp nếu không xác định lai lịch hay không tuân theo những mệnh lệnh của Trung Quốc. Thông cáo nói rằng, các quy định này bắt đầu có hiệu lực từ ngày thứ bảy vừa qua.
Cụ thể, theo thông cáo của bộ Quốc phòng Trung Quốc, các phi cơ bay ngang qua vùng này phải cung cấp kế hoạch bay chi tiết, thể hiện rõ quốc tịch của máy bay và duy trì liên tục liên lạc vô tuyến để có thể "đáp ứng nhanh chóng và thích đáng các yêu cầu nhận dạng của nhà chức trách Trung Quốc".
Bản đồ do bộ Quốc phòng Trung Quốc công bố trên trang web của bộ này cho thấy, phạm vi của vùng phòng không vừa được thiết lập có một diện tích rất lớn trên biển Hoa Đông, giữa Hàn Quốc và Đài Loan. Đặc biệt, vùng phòng không này bao gồm cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, hiện do Nhật kiểm soát, nhưng Bắc Kinh cũng khẳng định chủ quyền trên các quần đảo này.
Hãng thông tấn Nhà nước Trung Quốc là Tân Hoa Xã, trình bày một bản đồ trên trang web của mình, bao gồm một khu vực rộng lớn của biển Hoa Đông, một vùng rất gần với Hàn Quốc và Nhật Bản. Trả lời các câu hỏi về vùng phòng không trên một trang mạng chính thức, một phát ngôn của bộ Quốc phòng nói, Trung Quốc thiết lập khu vực "với mục đích bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh lãnh thổ, không phận và duy trì trật tự bay". "Việc này không nhằm chống lại bất kỳ quốc gia hay nhằm mục tiêu cụ thể nào", người phát ngôn này nói và cho hay "Trung Quốc luôn tôn trọng tự do không lưu theo luật pháp quốc tế".
Vị phát ngôn viên bộ Quốc phòng Trung Quốc bảo đảm rằng, việc thiết lập vùng phòng không nói trên là "theo đúng các thông lệ của quốc tế" và chủ yếu là nhằm "bảo vệ chủ quyền quốc gia, duy trì an ninh trên bộ và trên biển và trật tự lưu thông hàng không". Phát ngôn viên này còn nhắc lại là Nhật Bản đã thiết lập một vùng phòng không tương tự từ năm 1969.
Nhật Bản nói động thái của Trung Quốc lập vùng phòng không là leo thang.
Nhật Bản: "Hành động của Trung Quốc gây nguy hiểm cho hòa bình"
Ngay sau khi nhận được thông báo Trung Quốc tuyên bố thành lập khu vực được gọi là "Nhận dạng phòng thủ trên không", Nhật Bản đã phản ứng mạnh mẽ đối với hành động được xem là khiêu khích này.
"Thiết lập không phận như vậy là đơn phương làm leo thang tình hình xung quanh quần đảo Senkaku và có nguy cơ dẫn đến một tình huống bất ngờ", đại diện bộ Ngoại giao Nhật Bản nói.
Ngay trong ngày, Thứ trưởng bộ Ngoại giao Nhật Bản Akitaka Saiki cũng có kế hoạch triệu tập đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản vào sáng thứ hai và nêu vị trí của Nhật Bản về vấn đề này. Hồi đầu tháng này, Nhật Bản đã ra lệnh cho các chiến đấu cơ của họ cất cánh khẩn cấp sau khi phát hiện một chiếc máy bay không người lái bay về hướng Nhật Bản.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã sử dụng đến cụm từ "hành động chiến tranh" để cảnh báo Nhật Bản là đừng nên bắn vào các máy bay không người lái của Trung Quốc bay trên không phận vùng này. Tháng trước Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, Itsunori Onodera, nói, hành động của Trung Quốc đối với quần đảo tranh chấp ở biển Hoa Đông gây nguy hiểm cho hòa bình.
Trong năm 2012, Chính phủ Nhật Bản mua ba trong số các đảo từ một chủ sở hữu người Nhật, động thái gây ra các cuộc biểu tình phản đối ở các thành phố Trung Quốc. Kể từ đó, tàu thuyền Trung Quốc đã nhiều lần ra vào những khu vực mà Nhật Bản nói là lãnh hải của họ. Từ khi Tokyo quốc hữu hóa ba trong số năm đảo của quần đảo Senkaku vào tháng 9 năm ngoái, quan hệ Nhật - Trung đã ngày càng căng thẳng. Bắc Kinh thường xuyên đưa tàu xâm nhập vào vùng biển này. Quần đảo, Nhật Bản gọi là Senkaku và Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, là những hòn đảo nhỏ không người ở, nhưng có rất nhiều cá và có thể có nhiều dầu lửa và khí đốt.
Nhật Bản sáp nhập quần đảo này hồi cuối thế kỷ 19. Trung Quốc đưa ra tuyên bố chủ quyền đối với nhóm đảo này vào năm 1971. Họ nói rằng, các bản đồ cổ cho thấy quần đảo này là lãnh thổ của Trung Quốc từ thời xa xưa.
Chủ biên Đông Á của BBC World Service, Charles Scanlon nói, cuộc đối đầu về chuỗi các đảo nhỏ trong quần đảo không có người sinh sống đang trở nên "cứng rắn" hơn bởi các tuyên bố chủ quyền đối nghịch đối với một khu vực giàu có tài nguyên năng lượng dưới đáy biển.
Nhưng vấn đề này đã trở thành một vấn đề có tính nguyên tắc quốc gia ở cả hai nước, làm cho cả hai phía gặp khó khăn hơn khi muốn giảm đối đầu, vẫn theo chủ biên Đông Á Scanlon.
Hoa Kỳ cũng bày tỏ sự quan tâm đến động thái này của Trung Quốc, cho rằng việc làm này liên quan đến một sự leo thang căng thẳng trong khu vực trên chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông Trung Quốc. Tuyên bố của Nhà Trắng vài giờ sau khi bộ Quốc phòng Trung Quốc đã đưa ra bản đồ nhận định phòng thủ trên không (ADIZ).
"Hành động đơn phương này tạo thành một nỗ lực để thay đổi hiện trạng ở Biển Đông Trung Quốc. Hành động leo thang sẽ chỉ làm tăng căng thẳng trong khu vực và tạo ra những rủi ro xảy ra sự cố", Ngoại trưởng John Kerry cho biết trong một thông cáo báo chí của bộ Ngoại giao gửi qua email cho tờ Al Jazeera.
"Chúng tôi không ủng hộ những nỗ lực của bất kỳ Nhà nước áp dụng thủ tục ADIZ của mình cho máy bay nước ngoài có ý định nhập không phận quốc gia", ngoại trưởng Kerry nói. "Chúng tôi đã kêu gọi Trung Quốc nên thận trọng và kiềm chế, và chúng tôi đang trao đổi với Nhật Bản và các bên bị ảnh hưởng khác trong khu vực".
Nhà Trắng đã đưa ra một tuyên bố tương tự, nói rằng Mỹ "lo ngại" rằng động thái của Trung Quốc sẽ làm trầm trọng thêm căng thẳng trong khu vực. Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel cho biết thông báo này của Trung Quốc sẽ "không làm thay đổi phương pháp Hoa Kỳ tiến hành hoạt động quân sự trong khu vực".
Đài Loan, cũng tuyên bố chủ quyền với Điếu Ngư/Senkaku, bày tỏ lấy làm tiếc về động thái này, và hứa hẹn rằng quân đội sẽ tiến hành biện pháp bảo vệ an ninh quốc gia.
Thanh Xuân (theo RFI, BBC, Aljazeera)