Ngày 27/10, bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM thông tin với báo Người Lao Động, bệnh viện vừa can thiệp cứu sống bà T.T.L.G. (47 tuổi, ngụ TP.HCM).
Bà G. được đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng lơ mơ, liệt nửa người, không phản ứng với lời nói người khác.
Qua thăm khám cấp cứu và thực xét nghiệm, chụp cắt lớp, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị đột quỵ thiếu máu não nặng do tắc một động mạch lớn trong lúc ngủ.
Tuy nhiên, người bệnh được đưa đến bệnh viện hơn 12 giờ sau khi bị tắc mạch máu não, vượt quá quãng "thời gian vàng" trong điều trị đột quỵ (trong vòng 6 giờ đầu) và hình chụp cắt lớp cho thấy gần một nửa bộ não đã bị hư hại nên các bác sĩ không thể can thiệp tái thông mạch máu cho người bệnh. Các bác sĩ chỉ có thể cứu sống tính mạng và giảm thiểu tối đa mức độ nặng nề do đột quỵ để lại.
Dù được cứu sống nhưng bà G. bị liệt nửa người, suy giảm nhận thức và khả năng giao tiếp, cuộc sống phía trước chỉ gói gọn trên giường bệnh và chiếc xe lăn.
Trước đó, theo Zing, trong chuyến du lịch Vũng Tàu, bà G.có uống quá chén trong bữa tiệc cùng bạn bè. Sau đó, bà về phòng khách sạn ngủ. Đến sáng, người thân vào gọi thì phát hiện bà G. không có nhận thức, miệng nói ú ớ nên đưa đi cấp cứu.
Theo TS. BS Nguyễn Bá Thắng, Trưởng Đơn vị đột quỵ, Phó trưởng khoa Thần kinh, bệnh viện Đại học Y Dược chia sẻ trên Zing, mỗi tháng bệnh viện tiếp nhận khoảng 100-120 ca bệnh đột quỵ. Trong số đó, chỉ có 8% người bệnh được đưa đến bệnh viện cấp cứu kịp thời trong "thời gian vàng" để được áp dụng các biện pháp điều trị thông mạch máu. Con số này ở nhiều bệnh viện khác trong cả nước còn thấp hơn, chỉ từ 1%-3%. Người tuổi cao có nguy cơ đột quỵ cao nhưng hiện nay, tỉ lệ người bị đột quỵ dưới 45 tuổi cũng khoảng 30%.
"Đột quỵ có thể xảy ra bất ngờ với bất kì ai, không phân biệt tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp, tình trạng sức khỏe. Một người trẻ tuổi đang có vẻ rất khỏe mạnh, không bệnh tật cũng có thể bị đột quỵ bất cứ lúc nào và hậu quả để lại là rất nặng nề như liệt nửa người, mất khả năng giao tiếp…", BS Thắng khuyến cáo.
Riêng mỗi tháng, bệnh viện Đại học Y được TP.HCM trung bình cấp cứu cho 100-120 ca đột quỵ. Trong số đó, chỉ có 8% người được cấp cứu kịp thời trong thời gian vàng được áp dụng điều trị thông mạch máu. Người đột quỵ được cấp cứu càng sớm càng tốt mới có khả năng phục hồi trở lại như trước.
Để phòng tránh đột quỵ, bác sĩ khuyên mọi người cần có lối sống lành mạnh, không rượu bia thuốc lá, thường xuyên vận động, tập thể thao… Đồng thời phải thăm khám sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện các bệnh có nguy cơ đột quỵ như tiểu đường, tim, xơ vữa động mạch để điều trị.
Ngọc Lài (tổng hợp)