Trong suốt cuộc trò chuyện với chúng tôi, đôi mắt chị Luyên đỏ hoe, thi thoảng chị quay sang nhìn cậu con trai đã 10 tuổi. Chị bảo, cháu 10 tuổi thì cũng đã 10 năm chị chống chọi với căn bệnh thế kỷ, sự xa lánh của hàng xóm láng giềng và cuộc sống khổ cực.
Khi chồng mất, chị cũng không còn thiết sống nữa thế nhưng đàn con thơ dại chính là động lực để chị sống tiếp. Chị nghĩ phải tiếp tục “chiến đấu” để các con chị không phải chịu khổ. Hàng ngày, chị vẫn ôm 3 đứa con vào lòng và coi đó là niềm an ủi duy nhất, “nếu có kiếp sau vẫn được làm mẹ của các con”.
Tuy nhiên, chị Luyên cũng thắt lòng khi nhắc về những đứa con của mình dù không nhiễm HIV nhưng không có bố, còn mẹ bị bệnh nên đến trường con chị bị bạn bè xa lánh. “Ngày ấy, kiến thức về HIV còn hạn hẹp nên các con của tôi tuy không bị nhiễm nhưng đến lớp chẳng có ai chơi cùng. Đặc biệt, con gái lớn đã không ít lần nói với tôi không muốn đến lớp vì bị các bạn trêu là “không chơi với nhà si-đa”.
Còn đứa con trai 20 tháng tuổi, khi đưa con đi lớp, cô giáo nói phụ huynh sợ con họ học cùng với con tôi, nên yêu cầu tôi phải đưa ra bản xét nghiệm để chứng minh cháu không bị nhiễm HIV. Còn đứa con gái thứ 2, nhiều lúc nó khóc và hỏi: “Mẹ ơi vì sao các bạn không chơi với con?”. Nghe con nói tôi gạt vội nước mắt. Thương con nhưng chẳng biết phải làm sao”, chị Luyên nói.
Dù vậy, chị Luyên không đầu hàng trước số phận, những năm đầu, chị một mình tìm đến bệnh viện Hà Đông để lấy thuốc, lần nào đi chị cũng khóc vì không tìm được người cùng số phận. Mãi sau đó, chị gặp được nhóm Mái Ấm Mỹ Đức và chị đã xin tham gia. Tại đây, chị được tư vấn về HIV, chị hiểu hơn mình cần phải làm gì và HIV không phải là dấu chấm hết.
“Tôi nghiệm ra những người nhiễm HIV như tôi vẫn có thể sống khỏe mạnh như người bình thường nếu điều trị đúng phương pháp, uống thuốc điều độ theo sự chỉ dẫn của bác sĩ. Thế là tôi tham gia vào hội nhóm cộng đồng. Tham gia hội nhóm này tôi thấy mình như được tái sinh lần 2 vì ở đây có những người đồng cảnh ngộ, cùng hiểu và chia sẻ với nhau những khó khăn trong cuộc sống”, chị Luyên tâm sự.
8 năm liền tham gia Mái Ấm Mỹ Đức, chị Luyên ấp ủ thành lập một nhóm mái ấm dành cho những người nhiễm HIV tại Phúc Thọ và giờ chị đã thực hiện được. Mái Ấm Phúc Thọ ra đời đã có hơn 10 thành viên tham gia, họ chủ yếu đi tuyên truyền về phòng, chống nhiễm HIV. Không những thế, những người có hoàn cảnh, số phận giống nhau còn giúp đỡ nhau lúc khó khăn.
Bản thân chị Luyên cũng cảm thấy cuộc sống này thật có ý nghĩa. Bởi chị biết, đâu đó vẫn còn những người nhiễm “H” không dám công khai và ngại tham gia. Chị sẽ đến và nói với họ rằng: “Nhiễm “H” không phải là kết thúc, cuộc sống này chỉ kết thúc khi chính bản thân mình không dám bước ra ánh sáng”.
Đã 10 năm qua, chị Luyên gồng mình lên để chống trọi với bệnh tật, chị dùng nụ cười, niềm tin của các con để sống cùng căn bệnh thế kỷ. Chị bảo, giờ các con chị đã lớn hơn, chúng đều ngoan ngoãn nghe lời mẹ. Có thể chúng biết về căn bệnh mẹ đang mắc phải nhưng chưa một lần hỏi. Đứa con trai 10 tuổi mỗi khi thấy mẹ đi làm về, mệt mỏi là tự động lấy nước để mẹ uống.
Chị Luyên bảo, đến giờ, thi thoảng chị vẫn khóc, nhưng khóc không phải vì cuộc đời bất công với chị, khóc không có nghĩa là chị vẫn còn yếu đuối. Chị khóc để biết được mình vẫn còn cảm xúc và chị sẽ không để những giọt nước mắt ấy rơi một cách vô nghĩa.
Thanh Lam - Mai Thu